Xây dựng tổ chức Công đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
(ABO) Xác định phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS) là nhiệm vụ chính trị vừa là nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn (CĐ), các cấp CĐ tỉnh Tiền Giang đã tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và phối hợp hiệu quả với chính quyền cùng các ngành chức năng liên quan để tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS đạt được các kết quả tích cực, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh, đáp ứng trong xu thế hội nhập sâu rộng của đất nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới của đất nước, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, thực hiện các cam kết của Tổ chức Lao động quốc tế, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, AVFTA, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số… thì việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS gắn với việc xây dựng, củng cố hoạt động CĐ của tỉnh Tiền Giang đang đứng trước những thuận lợi nhưng khó khăn cũng nhiều.
Liên LĐLĐ tỉnh Tiền Giang tổ chức Chương trình “Đón tết cùng công nhân, mừng Đảng - mừng Xuân Quý Mão 2023” và trao quà tết cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước. |
NHẬN ĐỊNH KHÓ KHĂN TỪ THỰC TIỄN
Những năm qua, việc thành lập CĐCS va phát triển đoàn viên trong doanh nghiệp (DN) đã được các cấp CĐ tỉnh Tiền Giang quan tâm, chú trọng, phát triển mạnh cả số lượng đoàn viên và CĐCS tăng thêm hằng năm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho tổ chức CĐ trong tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS tại DN để thích ứng và phát triển trong tình hình mới.
Nguyên nhân là tình hình sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh trong những năm qua gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều DN phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, người lao động (NLĐ) bị mất việc, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống. DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu là DN vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính có hạn, khả năng tái đầu tư và thích nghi với môi trường kinh doanh mới trong điều kiện trong và sau dịch bệnh chưa đủ lực, chưa tốt…
Một số chủ DN chỉ chú trọng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị, thiếu sự quan tâm hoặc chưa tạo điều kiện để tổ chức CĐ hoạt động. Số lao động làm việc trong các DN có hợp đồng ngắn hạn, họ quan tâm đến tiền lương, kết quả thu nhập, chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là chính. Bên cạnh đó, sự biến động thường xuyên về nguồn lao động của các DN cũng là trở ngại lớn trong công tác phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức CĐ trong DN.
Thành lập CĐCS Công ty TNHH Want Want Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) vào tháng 7-2022. |
Lực lượng cán bộ CĐ quá mỏng, chưa cân xứng với tốc độ phát triển kinh tế, thu hút công nghiệp ở địa phương. Hiện nay toàn tỉnh có gần 6.000 DN đang hoạt động, sử dụng khoảng hơn 130 ngàn lao động; trong đó các khu, cụm công nghiệp thu hút khoảng 400 DN với trên 60 ngàn công nhân, lao động. Hằng năm, các DN có nhu cầu tuyển thêm khoảng 10 ngàn lao động. Nhu cầu tuyển lao động tăng cao chủ yếu ở các DN thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và tập trung ở các một số lĩnh vực như: Thủy sản, may mặc, giày da, bao bì... Số lượng DN và số công nhân, lao động ngày càng đông hơn nhưng lực lượng cán bộ CĐ chuyên trách không tăng.
Bên cạnh đó, cán bộ CĐCS ở các DN chủ yếu là kiêm nhiệm phụ thuộc vào giới chủ, ít có thời gian, điều kiện tham tập huấn nghiệp vụ công tác CĐ nên còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đây là những dào cản rất lớn để tổ chức CĐ thực hiện tốt chức năng của mình và nâng cao chất lượng hoạt động ở cơ sở. Một điểm quan trọng nữa là lực lượng cán bộ chuyên trách CĐ ở các CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở cũng quá mỏng, nhiệm vụ nhiều nên việc đi cơ sở khảo sát, vận động thành lập CĐCS gặp nhiều khó khăn...
Nhìn nhận ở góc độ lớn hơn là tới đây, khi Chính phủ ban hành hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2019 quy định cụ thể việc thành lập tổ chức đại diện NLĐ trong DN, thì việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong DN càng gặp khó khăn hơn. Vấn đề thu hút, tập hợp NLĐ, thành lập CĐCS trong các DN ngày càng trở nên cấp thiết, không chỉ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà còn mang tính “sống còn” của tổ chức CĐ trong tình hình mới.
Ở ĐÂU CÓ CÔNG NHÂN, Ở ĐÓ CÓ TỔ CHỨC CĐ
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang Lê Minh Hùng cho biết, tỉnh có nhiều yếu tố thuận lợi để các cấp CĐ thành lập CĐCS và phát triển đoàn viên như: Hệ thống CĐ có mặt từ thành phố, thị xã, huyện, khu công nghiệp đến cơ sở. Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã cùng tổ chức CĐ tích cực triển khai thực hiện và hỗ trợ cho hoạt động CĐ. Sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng đã tạo thế và lực cho các cấp CĐ thực hiện tốt mục tiêu thành lập CĐCS, phát triển đoàn viên, đặc biệt là ở khu vực DN ngoài nhà nước.
Tuy nhiên, đồng chí Lê Minh Hùng nhận định: “Thành lập tổ chức CĐ và phát triển đoàn viên trong các DN khu vực ngoài nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, có yếu tố quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của giai cấp công nhân trong bối cảnh Việt Nam tham gia, thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, phê chuẩn Công ước 87, Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tự do thành lập, tự do thương lượng về các vấn đề liên quan đến lao động và Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định cho phép thành lập tổ chức đại diện NLĐ trong DN”.
Thành lập CĐCS Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp SHC (Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) vào tháng 9-2022. |
Trước thách thức lớn đó và thực hiện chủ đề hoạt động CĐ năm 2023 được Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định là “Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS”, Đảng đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Tiền Giang xác định nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức CĐ trong giai đoạn hiện nay là phải tập trung các nguồn lực để phát triển tổ chức và phát triển đoàn viên, đi đôi với đó là kiện toàn, nâng cao chất lượng của CĐCS hiện có. Đặc biệt, phát triển mạnh các phúc lợi để thu hút đoàn viên, NLĐ tham gia vào tổ chức CĐ. Hằng năm, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh rà soát, đưa ra nhiều giải pháp bố trí nguồn lực để thực hiện mục tiêu “ở đâu có công nhân, ở đó có tổ chức CĐ”, kết hợp khảo sát và giao chỉ tiêu thành lập CĐCS và phát triển đoàn viên ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có 25 lao động trở lên.
Theo đồng chí Lê Minh Hùng, để thu hút đoàn viên, NLĐ tự nguyện gia nhập tổ chức CĐ, các cấp CĐ tỉnh đã tổ chức nhiều phong trào, nhiều hoạt động để bảo đảm quyền, lợi ích cốt lõi cho đoàn viên, NLĐ, như: Đẩy mạnh công tác thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức Tháng Công nhân, Chương trình “Đón tết cùng công nhân”, “Mái ấm CĐ”, “Phiên chợ công nhân”, “Phúc lợi đoàn viên”… Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ một số DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19; các cấp CĐ tăng cường phối hợp, triển khai và giám sát thực hiện các chế độ cho NLĐ trong thời gian ngưng việc do Covid-19, chăm lo NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…
“Các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ ảnh hưởng bởi Covid-19 của các cấp CĐ tỉnh rất phong phú, đa dạng và thiết thực, tạo nên hình ảnh rất đẹp về tổ chức CĐ, không chỉ “ghi điểm” đối với NLĐ mà đối với cả người sử dụng lao động (NSDLĐ). Qua đó, việc thành lập CĐCS tăng lên hằng năm. Chỉ tính riêng năm 2022, các cấp CĐ tỉnh đã thành lập 17 CĐCS ở các DN có từ 25 công nhân, lao động trở lên, đạt 340% chỉ tiêu giao và phát triển 10.128/8.800 đoàn viên CĐ, đạt 115,09% chỉ tiêu giao. Trong 6 tháng đầu năm 2023, thành lập 9 CĐCS ở các DN có từ 25 công nhân, lao động trở lên, đạt 180% chỉ tiêu giao và phát triển 3.420/6.451 đoàn viên CĐ, đạt 53,02% chỉ tiêu giao. Hiện LĐLĐ tỉnh đang quản lý 17 CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở, 1.373 CĐCS - Nghiệp đoàn”, đồng chí Lê Minh Hùng nhấn mạnh.
Theo LĐLĐ tỉnh Tiền Giang, trong tình hình mới, công tác thành lập CĐCS và phát triển đoàn viên sẽ thêm khó khăn, thách thức, thậm chí là cạnh tranh thu hút, tập hợp NLĐ. Chỉ có nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, quyết tâm xây dựng tổ chức vững mạnh, thực sự quan tâm NLĐ mới thu hút được đoàn viên. Cán bộ CĐ phải có bản lĩnh, kiến nghị với chính quyền, giới chủ thực hiện tốt Luật CĐ; phát động các phong trào thi đua mang lại quyền lợi cho cả NSDLĐ và NLĐ. Từ đó được NSDLĐ tin tưởng, tạo điều kiện để CĐ hoạt động, thu hút và tập hợp đoàn viên.
Vừa qua, phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác tổ chức, cán bộ năm 2023 tại TP. Hồ Chí Minh ngày 9-2-2023, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải khẳng định: Phát triển đoàn viên là trách nhiệm của CĐ các cấp, vì sự lớn mạnh của CĐ, cũng là giải pháp chủ động của tổ chức CĐ nhằm thu hẹp “thị phần” của tổ chức đại diện NLĐ tại DN. Công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong DN không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực mà cán bộ và các cấp CĐ cần phải xác định đây là nhiệm vụ “sống còn” của CĐ trong thời gian tới. Vấn đề quan trọng nhất là tăng tỷ lệ đoàn viên CĐ trong các DN gắn với thành lập CĐCS và đối thoại, thương lượng xây dựng thỏa ước lao động tập thể tại DN… Cần hiểu rõ, nắm chắc tổ chức đại diện NLĐ tại DN để tổ chức CĐ chủ động và thành công trong tình hình mới. Vì thế cần nắm chắc các biểu hiện dẫn đến thành lập tổ chức đại diện NLĐ tại DN, các hình thức không hợp pháp của tổ chức đại diện NLĐ tại DN ra đời hoạt động thế nào, CĐCS cần thay đổi gì để hoạt động hiệu quả cho đoàn viên, công nhân khi nhiều người không có tích lũy, nhiều nơi quyền lợi hợp pháp chưa đảm bảo… |
HỮU NGHỊ
* BÀI DỰ THI GIẢI BÁO CHÍ NGUYỄN ĐỨC CẢNH TIỀN GIANG LẦN THỨ XI (2022 - 2023)