Thứ Tư, 28/06/2023, 09:44 (GMT+7)
.

Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam năm 2023 được lựa chọn là “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, thông qua chủ đề truyền tải thông điệp đến mọi người về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của gia đình đối với sự tồn vong của quốc gia dân tộc.

NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ GIA ĐÌNH

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình luôn được Đảng và Nhà nước ta quán triệt trong các nghị quyết, bộ luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch liên quan, với các nội dung đề cao vị trí, vai trò và chức năng của gia đình. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 72 năm 2001, lấy ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam đã đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và cá nhân, mỗi gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời là dịp để tôn vinh những giá trị của gia đình; nhắc nhở mỗi người hướng về cội nguồn, về người thân, cùng nhau nuôi dưỡng những tình cảm, giá trị văn hóa cao quý của gia đình.

Tại tỉnh Tiền Giang, những năm qua, công tác gia đình (CTGĐ), việc triển khai thực hiện CTGĐ trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận, tích cực tham gia hưởng ứng của nhân dân. Đặc biệt, hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam hằng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trọng điểm, còn tổ chức các hoạt động hưởng ứng như: Họp mặt, hội thi, tuyên dương, khen thưởng gia đình văn hóa tiêu biểu, sinh hoạt văn hóa - thể thao... phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp mỗi người thêm trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, hướng tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Đức Đảm tặng hoa và quà cho các gia đình văn hóa tại buổi họp mặt  giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc.                                                             Ảnh: PHI CÔNG
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Đảm tặng hoa và quà cho các gia đình văn hóa tại buổi họp mặt giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc. Ảnh: PHI CÔNG

Nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh có chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao. Kinh tế hộ gia đình đã đóng vai trò quan trọng trong thu nhập; nhiều hộ gia đình đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng. Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Chăm lo, vun đắp, xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình là giá trị cao đẹp mà mỗi người luôn quan tâm thực hiện và hướng tới. Các giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong gia đình luôn được coi trọng…

TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG TRONG GIA ĐÌNH

Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển, những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, khiến cho gia đình đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu sự quan tâm, chia sẻ những giá trị văn hóa gia đình truyền thống. Nhiều gia đình cha mẹ bận rộn với công việc, áp lực cuộc sống đã không dành nhiều thời gian đồng hành, quan tâm, chia sẻ với con cái, khiến cho con trẻ gặp phải các vấn đề về định hướng phát triển, lệch lạc về tâm lý, nhận thức, đối diện với các nguy hiểm, xâm hại, tai nạn thương tích.

Nhiều cặp vợ chồng ít chia sẻ, thấu hiểu nhau. Những bữa cơm gia đình hay những phút giây thư giãn, trò chuyện, vui đùa cùng nhau dần trở nên thưa thớt đối với các gia đình, đặc biệt là những gia đình trẻ chỉ quan tâm giao lưu, chia sẻ trên mạng xã hội. Mối quan hệ thương yêu, gần gũi, sợi dây gắn kết giữa các thành viên không được củng cố đã gây ra nhiều hệ lụy. Từ đó, khiến cho số vụ ly hôn ngày càng gia tăng; tình trạng bạo lực gia đình có tính chất phức tạp hơn và tệ nạn xã hội xâm nhập một cách dễ dàng vào các gia đình…

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Võ Văn Chiến, để mỗi gia đình thực sự hạnh phúc tạo nền tảng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng, phát triển bền vững thì cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh cần xác định CTGĐ là một nhiệm vụ thường xuyên, có vị trí quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả CTGĐ. Nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hóa, gắn với phong trào «Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa» và cuộc vận động «Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; khắc phục bệnh thành tích, hình thức trong công tác xây dựng gia đình.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh, đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình; các rủi ro đối với gia đình, giúp người dân chủ động phòng ngừa các ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trong gia đình; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau.

Kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Các bậc cha mẹ cần dành thời gian quan tâm hơn đến con em trong gia đình và tăng cường giáo dục con em về mối quan hệ tình cảm gắn kết các thành viên, tạo điều kiện cho các em phát triển một cách tốt nhất trong môi trường gia đình. Gia đình hạnh phúc là nền tảng quan trọng để xây dựng quốc gia thịnh vượng.

PHÚC LỘC

 

.
.
.