Phụ nữ Tiền Giang: Bảo vệ môi trường và sống khỏe với thực phẩm an toàn
Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” (Đề án 938) được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang triển khai tới từng cơ sở Hội, cách làm phù hợp với từng địa phương. Qua đó, góp phần thể hiện rõ vai trò của các tầng lớp phụ nữ trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, gia đình, trẻ em trong toàn tỉnh.
Việc thành lập, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ (CLB): “Phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm”, “Phụ nữ phòng, chống tệ nạn xã hội”... đã có tác dụng to lớn trong việc xây dựng đời sống văn minh tại các khu dân cư. Sau thời gian triển khai, thực hiện Đề án 938, nhiều mô hình, phần việc đã được cụ thể hóa, đạt hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
CHUNG TAY BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Công tác bảo vệ môi trường đã được Hội LHPN tỉnh Tiền Giang chú trọng tuyên truyền, xây dựng nhiều mô hình gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “Bảo vệ môi trường từ những hoạt động nhỏ nhất”, các cấp Hội LHPN tỉnh hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, hình thành ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với nhiều hình thức như tập huấn, cấp phát sổ tay, tờ rơi, thường xuyên đưa các thông tin về bảo vệ môi trường trong các buổi sinh hoạt chi hội, tổ chức Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về bảo vệ môi tường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, Hội thảo “Sáng kiến bảo vệ môi trường”…
Chuyên viên Ban Kinh tế - Gia đình, Hội LHPN tỉnh hướng dẫn cho chị em phụ nữ các bước trong quy trình ủ phân hữu cơ bằng thùng compost. |
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.000 tổ/nhóm phụ nữ thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường hiệu quả. Nhiều mô hình đã đem lại hiệu ứng xã hội tích cực và thu hút đông đảo chị em hội viên, phụ nữ tham gia như: “5 không, 3 sạch”, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải tăng thu nhập”, “Hố rác gia đình”, “Đường phố, khu phố xanh - sạch - đẹp”, “Ngày thứ bảy, chủ nhật xuống đường dọn vệ sinh”, “Phân loại rác thải tại nhà”, “Nói không với rác thải nhựa”; “Đường hoa phụ nữ”…
Đặc biệt, các mô hình “Ủ phân compost”, “Biến rác thành tiền” không chỉ góp phần nâng cao ý thức của hội viên, phụ nữ cũng như người dân trong tham gia bảo vệ môi trường sống, mà còn giúp chị em có thêm thu nhập. Trong thời gian qua, các mô hình này được hội viên, phụ nữ các cấp Hội nhiệt tình hưởng ứng. Các chị em đã phân loại rác thải bao gồm những vật dụng ve chai đem bán, còn đối với rác thải như vỏ trứng, rau, vỏ trái cây… thì ủ thành phân để trồng rau. Từ đó, hằng tháng, mỗi gia đình có thể tiết kiệm từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng để đóng góp giúp đỡ những hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Hội LHPN tỉnh đã triển khai xây dựng Mô hình “Chi hội Phụ nữ xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”. Mô hình mới này đang được đông đảo hội viên, phụ nữ trong tỉnh đồng tình hưởng ứng.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Ngọc Điệp cho biết: Mô hình “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” với các tiêu chí 5 có (có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa) và 3 sạch (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ). Ngoài bảo đảm các tiêu chí trên, mô hình còn tập trung hỗ trợ kiến thức, tạo việc làm, vận động hội viên, phụ nữ thành lập tổ hợp tác, tiêu thụ các sản phẩm sẵn có tại địa phương, đặc biệt là sản phẩm do hội viên, phụ nữ sản xuất, làm chủ.
Đồng thời, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, tham gia bảo vệ môi trường, hình thành thói quen phân loại rác thải tại gia đình nhằm tạo sức mạnh đồng thuận cao trong cộng đồng, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Những hoạt động thiết thực, rộng khắp và hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường của các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã trở thành “hạt nhân” lan tỏa các phong trào giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ sức khỏe gia đình, cộng đồng, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận.
NÓI KHÔNG VỚI THỰC PHẨM BẨN
An toàn thực phẩm là một trong những nội dung can thiệp của Đề án 938. Cũng như, xác định được tầm quan trọng của vấn đề an toàn thực phẩm, những năm qua, cùng với cả hệ thống chính trị, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng công tác vận động “Phụ nữ thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động; có nhiều sáng kiến, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như thông qua sinh hoạt CLB, tổ nhóm phụ nữ; tổ chức tọa đàm; giao lưu, Hội thi “Tìm hiểu kiến thức ATVSTP”…
Phụ nữ tích cực sản xuất rau an toàn. |
Năm 2023, nhằm góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của phụ nữ và người dân trong cộng đồng về ATVSTP, Hội LHPN tỉnh tổ chức 11 cuộc truyền thông cộng đồng về “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững” năm 2023 tại các huyện, thị, thành.
Tại các buổi truyền thông, cán bộ Hội LHPN tỉnh đã tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”; chính sách hỗ trợ liên kết tiêu thụ. Hướng dẫn thực hành sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP. Các cấp Hội tuyên truyền ATVSTP, hướng dẫn ủ phân hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ và bảo vệ môi trường trong trồng trọt (hướng dẫn thực hiện Mô hình “Ủ phân compost”); khuyến cáo đảm bảo an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, trồng trọt.
Đồng thời, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hội viên, phụ nữ tham gia Chương trình OCOP, VietGAP, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác; tập trung củng cố, nâng chất các hợp tác xã do hội viên, phụ nữ tham gia quản lý.
Hiện nay, trên địa bàn các xã của tỉnh, nhiều người đã quen với hình ảnh những người phụ nữ ngày ngày chăm sóc những luống rau sản xuất hữu cơ. Đây chính là những mô hình được các cấp Hội LHPN trong tỉnh triển khai xuất phát từ nhu cầu rất lớn về rau sạch của người dân.
Từ đó, nhiều mô hình phụ nữ sản xuất sạch, an toàn ra đời; các mô hình còn tạo việc làm ổn định, lâu dài cho nhiều hội viên, phụ nữ, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Đến nay, mô hình về ATVSTP với hơn 300 tổ/nhóm, có hơn 4.000 thành viên.
Với gần 20 thành viên, Mô hình “Phụ nữ sản xuất rau an toàn” tại xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo ngày càng phát huy hiệu quả. Tùy vào từng mùa vụ, các chị em trồng nhiều loại rau, củ phù hợp như cải, hành, hẹ, gừng, các loại rau thơm…
Nhờ trồng rau theo hướng an toàn thực phẩm nên đầu ra luôn ổn định. Sau khi thu hoạch, các chị em đưa sản phẩm đến các chợ trên địa bàn huyện Chợ Gạo và các điểm bán lẻ tiêu thụ. Để hỗ trợ hội viên, phụ nữ sản xuất rau an toàn đạt chất lượng, Hội LHPN xã Bình Phục Nhứt đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện Chợ Gạo mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau màu.
Nhờ đó, Mô hình “Phụ nữ sản xuất rau an toàn” của hội viên, phụ nữ xã Bình Phục Nhứt ngày càng hiệu quả, thu nhập của chị em tăng lên, cuộc sống gia đình ổn định. Chị Nguyễn Thị Rẽ, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Bình Khương 1, xã Bình Phục Nhứt cho biết: “Không phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu, hóa chất, đảm bảo sức khỏe của chính người trồng và cả người tiêu dùng, môi trường sống cũng không bị ô nhiễm. Với hơn 6.000 m2 đất sản xuất, tôi trồng rau, củ quanh năm theo hướng an toàn và chất lượng. Từ khi trồng rau an toàn, với đầu ra ổn định, cuộc sống gia đình tôi cải thiện rất nhiều”.
Trưởng Ban Kinh tế - Gia đình Hội LHPN tỉnh Nguyễn Kim Vẹn cho biết: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội, những năm qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã phối hợp và triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện ATVSTP như: Phát động cuộc vận động “Phụ nữ cả nước tích cực thực hiện ATVSTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”; tổ chức ký cam kết và xây dựng mô hình phụ nữ thực hiện “ba không” (không sản xuất rau không an toàn; không kinh doanh thực phẩm có chất phụ gia; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn) trong vấn đề đảm bảo ATVSTP, phổ biến kiến thức cho hội viên, phụ nữ về sử dụng, bảo quản thực phẩm...
Chính vì vậy, đến nay, toàn tỉnh đã có hàng chục hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết do phụ nữ làm chủ với hàng trăm sản phẩm có thương hiệu uy tín, đảm bảo ATVSTP, nông sản an toàn trên thị trường.
Đáng chú ý, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được thực hiện trong cả nước đã đưa nội hàm tiêu chí “3 sạch” gắn với việc cam kết thực hiện ATVSTP trong từng hộ gia đình, trong đó lấy phụ nữ làm trung tâm; quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, phụ nữ, nhất là hội viên, phụ nữ vùng sâu, vùng xa cách lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn tiếp cận được các nguồn thông tin đáng tin cậy để nâng cao nhận thức, áp dụng vào sản xuất, chế biến thực phẩm. Hằng năm, các cơ sở Hội còn tổ chức Phiên chợ truyền thống “Nói không với thực phẩm bẩn”.
PHƯƠNG MAI