Thứ Tư, 26/07/2023, 14:46 (GMT+7)
.

Bình dị nữ tình báo Trần Thị Thu Nguyệt

Xinh đẹp, thông minh, bản lĩnh, gan dạ… đó là những yếu tố đã tạo nên chiến công của nữ tình báo Trần Thị Thu Nguyệt, hiện ngụ tại ấp Hữu Hòa, xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

GAN DẠ, BẢN LĨNH TRONG THỜI CHIẾN

Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước chiến tranh, ngay từ nhỏ, bà Nguyệt đã chứng kiến người dân quê mình bị giặc đàn áp, tra tấn, bóc lột, lòng căm thù giặc trong bà ngày càng sâu sắc. Năm 1971, khi mới tròn 15 tuổi, bà Nguyệt đã xin gia đình xung phong tham gia đánh đuổi quân thù. Bà được phân công làm giao liên đưa thư tại xã Nhị Quý, huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy). Ít lâu sau, nhờ sự nhanh nhẹn, mưu trí và lòng gan dạ của bà Nguyệt được phân công đưa thư báo. Từ đó, bà Nguyệt là nữ chiến sĩ mang đầy đủ phẩm chất của một người làm trong ngành tình báo (khi bà làm tình báo mật tại đơn vị KY4, Quân báo Quân khu 7) cho đến ngày đất nước giải phóng.

Bà Nguyệt nhớ lại: “Ngày trước, các chú cán bộ được gia đình tôi nuôi giấu rất đông. Hồi đó còn nhỏ, tôi cũng chưa hiểu nhiều về Đảng, về cách mạng, chỉ biết mấy chú là người tốt, làm gì cũng đặt lợi ích của bà con nhân dân, của tập thể lên trên hết. Đặc biệt, các chú rất dũng cảm. Nhiều chú bị địch bắt, tra tấn dã man, nhưng các chú nhất quyết không khai, giữ vững an toàn cho tổ chức và đồng đội. Nhờ ảnh hưởng từ các chú mà tôi nhất quyết tham gia kháng chiến”.

CCB Trần Thị Thu Nguyệt, nữ tình báo gan dạ ngày nào.
CCB Trần Thị Thu Nguyệt, nữ tình báo gan dạ ngày nào.

Bà Nguyệt cho biết, lúc đầu bà thường xếp mật thư nhỏ nhét vào lai áo, ăn mặc lịch sự, bình tĩnh như một người bình thường để đánh lạc hướng quân địch. Sau đó, các chú không cho nhét tài liệu vào lai áo, vì nếu bị địch phát hiện sẽ khó hủy chứng cứ. Bà liền nảy ra sáng kiến là khoét các củ, quả nhét thư, tài liệu vào, nếu lỡ có bị địch phát hiện thì vứt bỏ hoặc không nhận là của mình. Nhờ vậy, mà bà đã chuyển được tài liệu trót lọt. Bên cạnh đó, bà Nguyệt còn giúp đưa thư của các chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận mang về cho gia đình. Rồi sau đó, bà còn làm điệp báo để gửi các tài liệu và báo cáo cho quân đội ta…

Bà Nguyệt kể, một lần bà được giao nhiệm vụ đi đưa thư qua tỉnh Vĩnh Long, lúc đó bà không biết đường, nên cũng rất sợ, nhưng bà vẫn quyết tâm đi, vì nhiệm vụ, vì tổ chức cần mình. Giao thư xong đến tối mịt lại không có xe về lại xã Nhị Quý, bà lại càng sợ hơn, nhưng bà vẫn cố gắng bình tĩnh hỏi thăm đường, sau đó lên được chuyến xe đi Sài Gòn, để về lại đơn vị, bà rất mừng.

"Nhớ nhất là lần tôi được giao nhiệm vụ qua tỉnh Long An để dẫn đường cho một anh đi gặp người thân, đi giữa đường gặp lính càn, tra hỏi đủ thứ, anh đó sợ quá bỏ chạy, chưa kịp gặp người thân; còn tôi lúc đó cố gắng bình tĩnh, như không có chuyện gì. Giờ nghĩ lại, không biết sao lúc đó mình gan dạ thật, không sợ gì, mà chỉ nghĩ đến nhiệm vụ phải hoàn thành”, bà Nguyệt nhớ lại.

Sự ung dung, khéo léo và cách ứng biến trước nhiều tình huống của bà Nguyệt đã khiến nhiều chuyến đưa mật báo, cũng như dẫn đường cho các chuyến công tác của cấp trên thành công.

NGHĨA TÌNH TRONG THỜI BÌNH

Nữ tình báo gan dạ, lanh lẹ Trần Thị Thu Nguyệt ngày nào nay gần 70 tuổi. Với nụ cười đôn hậu, mến khách, bà Nguyệt rất vui khi đón chúng tôi đến nhà. Trong căn nhà khang trang, bà sống cùng vợ chồng người con gái duy nhất và đứa cháu ngoại đáng yêu.

Bà Nguyệt cho biết: Sau ngày đất nước giải phóng, bà về quê học nghề làm tóc, rồi đi làm công nhân xí nghiệp đông lạnh. Đến năm 1985, bà lập gia đình, do nhà nghèo nên cha mẹ hai bên chỉ cho mảnh đất nhỏ để cất nhà. Bà nghỉ làm công nhân, về nhà mở tiệm làm tóc nhỏ. Nhờ khéo léo, tỉ mỉ, bà được khách hàng rất yêu mến. Vợ chồng bà chỉ sinh một người con gái và làm lụng, tích góp vừa lo cho con ăn học, vừa mua được 2 công đất trồng các loại cây ăn trái. Nhờ cần cù lao động, chú tâm phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng bà mới xây được nhà khang trang. Cách đây 10 năm, chồng bà bệnh mất; còn con gái bà hiện là giáo viên tại Trường THCS Vĩnh Kim.

Trở về với cuộc sống đời thường, bà Nguyệt luôn nghĩ và trăn trở về những đồng đội đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh, hoặc cống hiến một phần máu xương cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Do đó, bên cạnh chăm lo cuộc sống gia đình, bà Nguyệt còn tham gia sinh hoạt và được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ cựu chiến binh (CCB) xã Hữu Đạo và là Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Hữu Hòa, với mong muốn đóng góp một phần sức mình để giúp đỡ những người đồng đội còn khó khăn.

Bà Nguyệt cho rằng, so với những đồng đội cùng thời đã hy sinh trong chiến đấu, trong nhà tù thì bà vẫn còn may mắn hơn. Dù đã ở cái tuổi gần 70, nhưng bà vẫn nhiệt tình với công tác Hội CCB. Đối với bà Nguyệt, công tác Hội CCB không chỉ là công việc, mà trước hết là nghĩa tình, chăm lo giúp đỡ nhau giữa các CCB trong lúc thường bình cũng như lúc khó khăn, cả về sức khỏe, tinh thần và kinh tế. Bà thường xuyên quan tâm tới các thương binh, CCB lão thành, già yếu và cả những người dân có hoàn cảnh khó khăn trong xóm, ấp.

Hằng năm, bà Nguyệt đều trực tiếp vận động hàng trăm phần quà tặng cho CCB khó khăn, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn…. Bên cạnh đó, Chi hội CCB ấp Hữu Hòa và CLB nữ CCB xã Hữu Đạo còn thành lập các tổ vay vốn không tính lãi với số vốn trên 1,4 tỷ đồng. Hiện Chi hội CCB ấp Hữu Hòa không còn hội viên CCB thuộc diện hộ nghèo. 

Với những thành tích trong thời chiến, nghĩa tình trong thời bình, nữ CCB Trần Thị Thu Nguyệt được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba và nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp trao tặng.

PHƯƠNG MAI

.
.
.