.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh khảo sát sạt lở khu vực phía Tây

Cập nhật: 14:45, 18/07/2023 (GMT+7)
(ABO) Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và huyện tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình sạt lở khu vực phía Tây tỉnh Tiền Giang vào sáng ngày 18-7.
Điển sạt lở xã Hội Xuân.
Điểm sạt lở ở xã Hội Xuân.
Tại các điểm sạt lở, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh chỉ đạo các địa phương phối hợp các sở, ngành tỉnh nhanh chóng báo cáo tình trạng thiệt hại, đánh giá và đưa ra các giải pháp cấp thời cũng như lâu dài tại các điểm sạt lở để có phương án hiệu quả, có chiều sâu.

Riêng tại điểm sạt lở nghiêm trọng ở xã Phú An, đồng chí yêu cầu địa phương hỗ trợ chỗ ở cho người dân bị ảnh hưởng sạt lở, vận động người dân di dời, không để người dân chủ quan, luyến tiếc tài sản mà ở lại điểm sạt lở. Đồng thời, nghiên cứu tính khả thi phương án là tuyến đường vòng ra phía sau nhà dân và điểm sạt lở vừa xảy ra, trả lại chức năng đường đê, hạn chế phương tiện lưu thông để tránh tình trạng sụp lún, sạt lở về sau. 

Điểm sạt lở xã Phú An.
Điểm sạt lở tại xã Phú An.

Khoảng nửa tháng qua, Tiền Giang xuất hiện 5 điểm sạt lở xảy ra tại xã Long Hưng và Phú Phong của huyện Châu Thành, xã Hội Xuân và Phú An của huyện Cai Lậy.

Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực sạt lở nghiêm trọng bờ Tây sông Phú An có 220 m bị lún và sụp xuống dòng nước cùng với tường rào kiên cố, trụ điện, cây ăn trái…. Điểm sạt lở lấn sâu gần 8 m. Có 1 đoạn sạt lở gần 50 m đe dọa 2 hộ dân sinh sống tại đó. Đoạn sạt lở đã uy hiếp 4 ngôi nhà của người dân ven đê, chia cắt đường giao thông cũng là tuyến đê ngăn lũ, triều cường ở nơi đây.

Báo cáo tại hiện trường, Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình cho biết, địa phương đã cho rà soát tổng thể các điểm nguy cơ sạt lở để có giải pháp can thiệp kịp thời, xử lý. Đối với điểm đã sạt lở, huyện tạm thời chú trọng sự an toàn, rào chắn cẩn thận; nhanh chóng tìm giải pháp khắc phục tùy theo quy mô điểm sạt lở để có phương án xử lý từ người dân, từ xã, huyện và tỉnh. Tuy nhiên, dù giải pháp nào đi nữa, chúng ta cũng phải thực hiện nhanh, phản ứng nhanh để đảm bảo an toàn cho người dân và các phương tiện tham gia giao thông tuyến đường này.

Đoàn công tác cũng khuyến cáo, đặc biệt là người dân sinh sống tại các tuyến đê, tuyến sông không được khai thác cát, đất dọc tuyến. Trong quá trình sinh sống, người dân cần theo dõi địa chất, đặc biệt là khu vực có dấu hiệu răn nứt, người dân kịp thời báo chính quyền địa phương và chủ động phối hợp chính quyền địa phương gia cố lại. Nếu tình hình sạt lở nghiêm trọng, các cơ quan liên quan có giải pháp xử lý kịp thời.

Trong 7 tháng năm 2023, tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra ngày càng nghiêm trọng với quy mô, mức độ sạt lở lớn, xảy ra nhiều hơn các năm trước và đang có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại. Qua thống kê, theo dõi, từ đầu năm đến nay (tháng 7-2023) trên địa bàn tỉnh xảy ra 66 điểm sạt lở với chiều dài 11.755 m, kinh phí khắc phục 133,533 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ xử lý 111,688 tỷ đồng, ngân sách huyện xử lý 21,845 tỷ đồng).

Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương xử lý 34 điểm sạt lở với tổng chiều dài ước tính 8.843 m, tổng kinh phí tạm tính là  47,555 tỷ đồng (trong đó, tỉnh hỗ trợ 38,26 tỷ đồng, ngân sách huyện là 9,295 tỷ đồng).

 
TUẤN LÂM
 
.
.
.