Thứ Hai, 03/07/2023, 13:59 (GMT+7)
.
CHƯƠNG TRÌNH "NGÔI NHÀ NHÂN ÁI" CỦA BÁO ẤP BẮC

Mẹ, con và những ước mơ

Đã từ lâu, trong ngôi nhà ấy thiếu hẳn tiếng cười, thay vào đó là những tiếng thở dài, những giọt nước mắt, những tiếng rầy la, nhắc nhở những đứa con tâm thần ăn cơm, tắm rửa…, dù chẳng còn ai trẻ nữa, đã ngoài 30, 40 tuổi hết rồi. Ước mơ hằng ngày được ăn no, mặc ấm còn ngoài tầm tay với, thì nói chi đến việc sửa chữa, hay cất lại căn nhà ẩm thấp, chật chội, ngột ngạt, thiếu ánh sáng.

Khi nhận được thông tin về hoàn cảnh trên, những người thực hiện Chương trình “Ngôi nhà nhân ái” của Báo Ấp Bắc kết hợp với các ban, ngành của huyện Cai Lậy, thị trấn Bình Phú, khu phố Bình Thới đến khảo sát, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, nhằm kết nối với các nhà hảo tâm để thực hiện ước mơ của gia đình. Và đây là câu chuyện về những ước mơ của một gia đình có quá nhiều trắc ẩn… 

 Chương trình “Ngôi nhà nhân ái” của Báo Ấp Bắc cùng lãnh đạo các ban, ngành của huyện Cai Lậy, thị trấn Bình Phú và khu phố Bình Thới đến khảo sát hoàn cảnh gia đình vợ chồng chú Của.                                                                  Ảnh: HẠNH NGA
Chương trình “Ngôi nhà nhân ái” của Báo Ấp Bắc cùng lãnh đạo các ban, ngành của huyện Cai Lậy, thị trấn Bình Phú và khu phố Bình Thới đến khảo sát hoàn cảnh gia đình vợ chồng chú Của. Ảnh: HẠNH NGA

ƯỚC MƠ CỦA MẸ

Không biết có phải vì cái nghèo, cái khó mà hạnh phúc của những người con của vợ chồng chú Trần Văn Của (sinh năm 1948, cựu tù kháng chiến ở Côn Đảo) và cô Nguyễn Thị Em (sinh năm 1951) ở khu phố Bình Thới, thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trở nên long đong? Cô chú sinh được 8 người con, 1 người đã mất, 2 người lập gia đình, có cuộc sống riêng tư; người con gái út Trần Thị Út Chín lấy chồng, sinh được đứa con gái, nhưng hạnh phúc đổ vỡ, 2 mẹ con đùm túm về nương tựa bên ngoại.

Cậu con trai áp út là Trần Văn Ni, sinh năm 1993, là trụ cột trong gia đình, đã lấy vợ và có 1 con trai. Còn lại 3 người: Trần Chí Lúp (sinh năm 1982), Trần Văn Đức Minh (sinh năm 1986) và Trần Thị Mỹ Hạnh (sinh năm 1990) đều bệnh tâm thần.

 Ngôi nhà bên trong không có gì đáng giá.                                          Ảnh: HẠNH NGA
Ngôi nhà bên trong không có gì đáng giá. Ảnh: HẠNH NGA

Trong ngôi nhà tiền chế nóng bức, được người chủ tốt bụng của Ni cho tiền để mua tole lợp cách đây hơn 5 năm, ngoài 3 người con bị tâm thần, thì những người còn lại, mỗi người đều mang một nỗi niềm riêng, trĩu nặng… Người mẹ đã “gần đất xa trời”, với đủ thứ chứng bệnh của tuổi già, nhưng hằng ngày còn phải lo cơm nước, giặt giũ, tắm rửa… cho 3 đứa con bệnh tâm thần, tuổi đã ngoài 30, 40. Mấy năm nay, chú Của ngày một yếu, đi đứng khó khăn do di chứng của những trận đòn tra tấn ở nhà tù Côn Đảo; người con gái út thôi chồng, ẵm con về giao cho cô chăm sóc để đi làm công nhân, kiếm tiền nuôi con.

Cùng đi khảo sát với những người thực hiện Chương trình “Ngôi nhà nhân ái” của Báo Ấp Bắc có Thượng tá Nguyễn Văn Tùng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cai Lậy. Đồng chí Tùng cho biết, Ni hiện là dân quân của thị trấn Bình Phú, vì vậy, nếu Chương trình “Ngôi nhà nhân ái” của Báo Ấp Bắc vận động được các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí xây nhà thì anh sẽ huy động dân quân của huyện hỗ trợ ngày công để giảm chi phí xây nhà. Bên cạnh đó, Chủ tịch thị trấn Bình Phú Nguyễn Văn Giang; Bí thư, Trưởng khu phố Bình Thới Nguyễn Lam Trường cũng cho biết sẽ đồng hành cùng với Chương trình “Ngôi nhà nhân ái” của Báo Ấp Bắc, cố gắng vận động các nhà hảo tâm để có kinh phí xây nhà cho gia đình chú Của, cô Em để gia đình có chỗ ở tươm tất, từ đó vươn lên ổn định trong cuộc sống.

Hoàn cảnh gia đình như vậy nên dù ở cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi để con cháu phụng dưỡng, nhưng cả ngày cô Em phải tất bật không ngơi tay. Mà cực khổ cũng được, chỉ sợ nhất là khi bệnh tình của mấy đứa con tái phát, bỏ đi lang thang, cô phải đi kiếm để dẫn về, đôi khi tìm cả tuần mới gặp. Mỗi lần con đi lang thang, ngủ bờ ngủ bụi như thế, cô đau lòng lắm, vì vậy… Giọng cô tắt nghẹn trong cổ, những giọt nước mắt lăn dài xuống đôi gò má nhăn nheo.

Đưa bàn tay khô ráp quệt những giọt nước mắt đọng trên má, cô ngập ngừng: “Chuyện sống, chết đâu ai biết trước thế nào. Dù rất đau lòng, nhưng tui vẫn ước sao cho mấy đứa con bệnh tâm thần của mình “đi” trước, chứ tui “đi” trước thì nhắm mắt sao yên lòng!”. Nghe mẹ nói vậy, em Mỹ Hạnh ngồi cạnh bên vẫn cười hềnh hệch, bởi dù đã 33 tuổi, nhưng em vẫn cứ như một đứa trẻ lên 2, lên 3, ai hỏi gì cũng chỉ gục mặt, nhoẻn miệng cười vô hồn.

NỖI NIỀM CỦA CON

Căn nhà đã chật chội, ẩm thấp nhưng lại có đến 3 thế hệ cùng sinh sống, với chục người nên càng tù túng, ngột ngạt hơn. Vì vậy, đã bao năm qua, dù ai thuê gì cũng làm, nhưng ước mơ của Ni sửa lại căn nhà cho lành lặn, mở rộng diện tích sử dụng để cha mẹ già, 3 người anh, chị tâm thần, con và cháu có nơi ở tươm tất, rộng rãi, bớt ngột ngạt, bức bách vẫn chưa thể thực hiện được. Bởi cuộc sống đi làm thuê bữa có bữa không, lo cái ăn hằng ngày còn thiếu trước hụt sau, thì nói gì đến việc tích lũy tiền để sửa chữa lại, hay mở rộng căn nhà.

Chái bếp lợp lá, dột lỗ chỗ.                                                                                   Ảnh: HẠNH NGA
Chái bếp lợp lá, dột lỗ chỗ. Ảnh: HẠNH NGA

Trong căn nhà bừa bộn, lỉnh kỉnh đồ đạc đã qua sử dụng, cũ kĩ, hư hỏng, được mọi người mang về để “dùng được cái gì thì dùng”, nên không có món đồ nào có giá trị. Phương tiện nghe nhìn cũng không có, dù chiếc tivi hay cái radio cũ, trong thời đại ngày nay đâu phải là thứ quá đắt đỏ, khó tìm.

Mọi người trong nhà cũng không nhớ đã bao lâu rồi mình chưa mua nổi một cái áo, hay cái quần mới, ai cho gì mặc nấy thôi, tất cả đều phải ưu tiên cho cái ăn hằng ngày; còn cái mặc thì kệ, miễn lành lặn là được. Dạo quanh khắp nhà, thứ giá trị nhất, quý giá nhất có lẽ là mấy bao lúa. Ni bảo, nhà có được 1 công ruộng, em cố gắng làm, lấy lúa dự trữ để có gạo ăn. Có cái ăn để 12 tháng trong năm, 10 người trong nhà no là được, nghe mà xót lòng!

Hôm Chương trình “Ngôi nhà nhân ái” của Báo Ấp Bắc đến, dù đã trưa nhưng chái bếp lợp lá, dột lỗ chỗ vẫn còn lạnh tanh. Mấy cái nồi nấu bằng bếp củi ám khói đen ngòm, nằm chỏng chơ trên bếp. Cái bếp gas của người ta cho, cũ kĩ, nằm một góc lạnh lẽo, mấy tháng nay không sử dụng tới, vì “không có tiền mua gas”. Cả nhà từ sáng đến trưa chưa ăn gì, vì mấy hôm nay Ni, trụ cột trong gia đình, không có ai thuê làm nên không có tiền.

Vợ của Ni đã ẵm đứa con trai 2 tuổi về ngoại vì những lý do không tiện giãi bày. Hỏi Ni có buồn không, em cúi mặt một lúc rồi bảo: Hoàn cảnh thế này thì cũng đành chịu, nếu chỉ lo hạnh phúc riêng thì cha mẹ già yếu, 3 anh, chị bệnh tâm thần ai lo? Thế nên buồn thì chắc là không tránh khỏi, nhưng cũng rất thương và cảm thông cho vợ… Ni bỏ lửng câu nói, quay đi, ánh mắt nhìn xa xăm. Chúng tôi cũng không tiện hỏi tiếp, bởi nhìn hoàn cảnh cũng đủ hiểu những nỗi niềm trắc ẩn của Ni, hỏi thêm sẽ chạm vào những góc khuất trong lòng, càng khiến em thêm tủi thân…

Nhìn bàn tay chai sần, thô kệch, to bè của Ni cũng đủ biết em vất vả như thế nào, nhưng “một con bươi, năm bảy con mổ” thì việc tích lũy khoản tiền để sửa lại căn nhà coi như không thể…

Mọi sự giúp đỡ, xin liên hệ gia đình em Trần Văn Ni (khu phố Bình Thới, thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy), số điện thoại: 0394460173 (gặp Ni); hoặc Tổ Từ thiện - Xã hội Báo Ấp Bắc, số 289, đường Tết Mậu Thân, phường 4, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, điện thoại 0273.3977.596, số tài khoản 6900201007428 - Agribank Tiền Giang (khi chuyển khoản xin vui lòng ghi tên cá nhân/đơn vị, địa chỉ, giúp trường hợp em Trần Văn Ni).

THIÊN QUANG

.
.
.