Thứ Bảy, 22/07/2023, 13:27 (GMT+7)
.

Cô Văn Thị Bảy: Hơn 20 năm làm cộng tác viên dân số

(ABO) “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân thực hiện các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là công việc quen thuộc đối với cô Văn Thị Bảy (ấp An Lạc A, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) hơn 20 năm qua. Là cộng tác viên (CTV) dân số, cô Bảy đã có những đóng góp thiết thực vào việc đưa chính sách DS-KHHGĐ đến với người dân.
Cô Bảy không ngại khó đi tuyên truyền đến từng hộ dân.
Cô Bảy không ngại khó đi tuyên truyền đến từng hộ dân.
Khoảng thời gian gắn bó với công tác dân số đã để lại trong cô Bảy nhiều cung bậc cảm xúc. Với lợi thế từng là y tá và phụ trách Tổ y tế của ấp hơn 30 năm nay, nên khi nhận thêm nhiệm vụ mới, cô đã có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn về dân số, sức khỏe sinh sản, do đó thuận lợi trong công tác tuyên truyền về dân số.
 
Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, cô tìm đến gia đình các chị em để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiên trì phân tích cho người dân hiểu rõ tác dụng của việc sinh đẻ có kế hoạch; đồng thời, động viên họ thực hiện kế hoạch hóa gia đình. 
 
Cô Bảy chia sẻ: "Việc tuyên truyền công tác dân số phải bằng cái tâm, cái tình, thật khéo léo, tế nhị để không chỉ chị em phụ nữ hiểu, mà cả người thân, đặc biệt là chồng của họ hiểu, cùng có trách nhiệm thực hiện công tác DS-KHHGĐ.
 
Để làm được việc đó, tôi kiên trì đến từng nhà, gặp từng người, tìm hiểu hoàn cảnh, sau đó vận dụng những kinh nghiệm, kiến thức mình có để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách dân số, sinh đủ 2 con để nuôi dạy cho tốt, áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, giảm nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, bảo vệ sức khỏe người phụ nữ…".
Cô Văn Thị Bảy nhiệt tình tuyên truyền đến từng hộ dân.
Cô Văn Thị Bảy nhiệt tình tuyên truyền đến từng hộ dân.
Nhiều người thông cảm, ủng hộ thì tương đối dễ, còn gặp những cặp vợ chồng không muốn người ngoài xen vào việc riêng gia đình thì việc tuyên truyền không hề dễ dàng. Theo kinh nghiệm của cô Bảy, người CTV dân số phải thân thiện với nhân dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của họ, phải nhiệt tình giúp đỡ họ trong những lúc khó khăn nhất, không nề hà vất vả với tinh thần “khó khăn không lùi bước, gian khổ không nản lòng”...
 
Theo cô Bảy, cần phải luôn kiên trì tiếp cận nhằm tuyên truyền, giải thích về sự lợi ích của kế hoạch hóa gia đình, đó là những hộ đông con, sinh con một bề, hộ rơi vào hoàn cảnh cận nghèo hay nghèo hoặc cặp vợ chồng thường xuyên vắng nhà vào ban ngày.
 
Ngoài ra, các cặp vợ chồng có con được 4 hoặc 5 tuổi rồi mà chưa thấy người vợ mang thai, cô cũng lân la tìm đến để vận động họ sinh cho đủ 2 con, dù trai hay là gái. Chưa hết, những gia đình có kinh tế khá giả, họ vẫn có dự định sinh thêm con cho đông, vui. Bên cạnh đó, những gia đình gặp vướng mắc trong cuộc sống hôn nhân, cô Bảy đều dành thời gian phân tích, hòa giải cho từng thành viên.
Nhờ sự nhiệt tình, khéo léo của cô mà ý thức trách nhiệm về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc con cái của các cặp vợ chồng ở ấp, tổ nhân dân tự quản đã có chuyển biến tích cực, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao; phụ nữ mang thai được khám sàng lọc trước sinh và sau sinh trên 95%, trẻ em sinh ra được tiêm chủng và uống vitamin đầy đủ, vận động 100% trẻ trong độ tuổi đi học đầy đủ.
 
Bà Đỗ Thị Biết Hai đến Tổ y tế ấp để gặp cô Bảy mua thuốc cho biết: "Người dân ở đây ai cũng biết cô Bảy. Cô Bảy “mát tay” lắm, dù không phải là bác sĩ, nhưng ai có vấn đề về sức khỏe đến cô khám, phát thuốc uống là hết liền. Những người khó khăn như tôi, cô Bảy phát thuốc mấy ngày mà không lấy tiền…".
 
Dù đã bước qua tuổi 65, nhưng cô Bảy luôn cần mẫn tìm tòi, nghiên cứu tài liệu; chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng tuyên truyền về công tác dân số qua các buổi tập huấn cũng như qua thực tế công việc.
 
Cô Bảy chia sẻ: Sau Ngày miền Nam giải phóng, cô học các lớp y tá, sơ cấp cứu rồi về làm y tế ấp cho đến nay. Cô có 2 người con đã thành tài, một người là bác sĩ, một là giáo viên. 2 con cô rất ủng hộ công việc của mẹ, nên cô rất vui. Bình quân mỗi ngày Tổ y tế có hơn 20 người dân đến khám và mua thuốc. Chiều tối khi các gia đình đã đi làm về, cô phối hợp với các đoàn thể đi tuyên truyền công tác dân số.
Cô Bảy ân cần thăm khám, phát thuốc miễn phí cho phụ nữ khó khăn.
Cô Bảy ân cần thăm khám, phát thuốc miễn phí cho phụ nữ khó khăn.
Phó Trưởng Trạm Y tế xã Lương Hòa Lạc Phan Thị Ngọc Tuyết cho biết: Cô Bảy là CTV dân số rất nhiệt tình trong công việc, tận tụy, gần gũi và gắn bó với người dân, từ đó cô hiểu được những tâm tư, nguyện vọng, đưa ra những lời khuyên, cách tuyên truyền, vận động phù hợp với từng gia đình. Cô Bảy kịp thời nắm bắt biến động dân số và báo cáo kịp thời cho cán bộ chuyên trách, để nhập vào kho dữ liệu dân cư. Bên cạnh đó, cô Bảy còn có nhiều ý kiến đề xuất cho chuyên trách, cho địa phương; tham gia các cuộc họp, tập huấn của cấp trên đầy đủ. 
 
Nhờ sự nhiệt tình, kiên trì trong công tác tuyên truyền, người dân trong xóm, ấp đã nâng cao được nhận thức. Từ đó, họ thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, biết sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, quan tâm và chăm lo hơn cho sức khỏe sinh sản. Với những đóng góp tích cực trên, cô Bảy đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp nhân đạo; Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân số; nhiều năm liền, cô Bảy vinh dự được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp trao tặng vì có thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGÐ.
P. MAI
 
 
.
.
.