Thứ Hai, 10/07/2023, 15:09 (GMT+7)
.
HƯỞNG NGÀY DÂN SỐ THẾ GIỚI 11-7-2023

Lắng nghe tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái

Ngày Dân số thế giới năm 2023 là điểm nhấn cần thiết thúc đẩy bình đẳng giới để tạo điều kiện thực hiện những giấc mơ của 8 tỷ người. Quá trình này cần bắt đầu từ việc lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, trẻ em gái và những người yếu thế.

GIẢI PHÓNG TIỀM NĂNG VÔ HẠN CỦA THẾ GIỚI

Theo số liệu của Liên Hợp quốc, tính đến ngày 29-6-2023, dân số thế giới là hơn 8 tỷ người, trong đó dân số Việt Nam gần 99,7 người (chiếm 1,24% dân số thế giới, đứng thứ 15 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ, mật độ dân số là 322 người/km2). Theo dự báo, dân số thế giới sẽ đạt mốc 9 tỷ người vào năm 2037 và đạt 10 tỷ người vào năm 2057.

Ngày 11-7-1987, thế giới đã chào đón sự ra đời của công dân thứ 5 tỷ. Đứng trước những nguy cơ của việc bùng nổ dân số, diễn đàn Dân số thế giới do Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tổ chức tại Amsterdam (Hà Lan) vào tháng 11-1989 đã quyết định lấy ngày 11-7 hằng năm là Ngày Dân số thế giới để nhắc nhở các quốc gia và mỗi người trên trái đất về nguy cơ dân số tǎng quá nhanh, con người không đủ điều kiện sống với đầy đủ quyền chính đáng như: Quyền học hành, có việc làm, đủ dinh dưỡng, nhà ở, bảo vệ sức khỏe…

Ngày Dân số thế giới cũng là lúc chúng ta có những hành động và suy nghĩ để tìm ra các biện pháp tích cực trong việc giảm gia tăng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống, dân trí và cải tạo môi trường sống. Ngoài ra, Ngày Dân số thế giới cũng là dịp nhắc nhở các cấp, các ngành, các đoàn thể và quần chúng nhân dân xem xét lại việc thực hiện chương trình dân số ở địa phương mình, trên cơ sở đó có biện pháp khắc phục các tồn tại, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành trong thời gian tới.

Tiền Giang có tỷ lệ nữ lao động làm công hưởng lương trong năm 2022 đạt trên 40,6%. (Ảnh công nhân, lao động đang làm việc tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành).                                                                                                                                                                                                       Ảnh: HỮU NGHỊ
Tiền Giang có tỷ lệ nữ lao động làm công hưởng lương trong năm 2022 đạt trên 40,6%. (Ảnh công nhân, lao động đang làm việc tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: HỮU NGHỊ

Hằng năm, UNFPA lựa chọn một chủ đề cấp thiết mang tính toàn cầu nhằm kêu gọi sự quan tâm chú ý của toàn nhân loại đối với vấn đề dân số. Ngày Dân số thế giới năm 2023 lại là một dịp nữa để UNFPA tiếp tục thực hiện những công việc, những nỗ lực không ngừng đảm bảo quyền và lựa chọn cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái để tạo ra một thế giới với tiềm năng vô hạn. Chính vì vậy, UNFPA đã lựa chọn chủ đề cho Ngày Dân số thế giới năm nay là “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta”.

Giải thích về chủ đề này, UNFPA cho rằng, hiện nay phụ nữ và trẻ em gái chiếm 49,7% dân số toàn cầu, nhưng những mong muốn của họ về cuộc sống, gia đình và việc làm vẫn bị bỏ qua khi bàn về các vấn đề nhân khẩu học và quyền của họ vẫn bị vi phạm trong các chính sách về dân số. Điều này đã tạo ra một thế giới đang loại trừ, bỏ qua và hạn chế tiềm năng của mỗi cá nhân trên hành tinh của chúng ta. Nó sẽ làm cho tất cả chúng ta, chứ không chỉ riêng phụ nữ và trẻ em gái không được hưởng một tương lai thịnh vượng, hòa bình và bền vững hơn. Nguồn gốc của vấn đề này chính là bất bình đẳng giới.

Ở khắp nơi trên thế giới, sự bất công phổ biến này đã làm cho phụ nữ và trẻ em gái không được đi học, không có việc làm và không giữ vị trí lãnh đạo; hạn chế những nỗ lực cá nhân và khả năng ra quyết định về sức khỏe, đời sống tình dục và sinh sản của họ; làm tăng nguy cơ dễ bị tổn thương do bạo lực, những hành vi có hại và tử vong mẹ do những nguyên nhân hoàn toàn có thể ngăn chặn được. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là bất bình đẳng giới đã ngăn cản thế giới đặt ra các câu hỏi hay quan tâm đến những gì mà phụ nữ và trẻ em gái mong muốn. Những mong muốn của phụ nữ và trẻ em gái là quan trọng và UNFPA quan tâm đến những mong muốn đó. Khi phụ nữ và trẻ em gái được xã hội trao quyền tự chủ về cuộc sống và cơ thể của mình, họ và gia đình của họ sẽ tốt đẹp hơn và kết quả là chúng ta sẽ tạo ra một thế giới tốt đẹp, bao trùm và được trang bị tốt hơn để có thể giải quyết bất cứ những thay đổi và thách thức nhân khẩu học nào trong tương lai.

THÀNH QUẢ TỪ CÔNG TÁC BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở TIỀN GIANG

Hơn 2 thập niên qua, Tiền Giang đã có rất nhiều nỗ lực trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Đặc biệt, qua 15 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm trong cả hệ thống chính trị. Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phụ nữ trong xã hội đã được củng cố và từng bước khẳng định; khoảng cách về giới dần được rút ngắn, vị thế của phụ nữ ngày càng được nâng cao trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát huy vai trò của mình đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong đó, mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, Tiền Giang đã tạo điều kiện thuận lợi cho nữ có cơ hội trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026; góp phần đảm bảo có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách đề cử, ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân là nữ theo quy định.

Số lượng nữ đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đơn vị tỉnh Tiền Giang là 3/8 đại biểu, chiếm tỷ lệ 37,5%, so với nhiệm kỳ 2016 - 2021 tăng 2 nữ đại biểu (nhiệm kỳ trước là 1/8, tỷ lệ 12,5%). Nhìn chung, việc thực hiện bình đẳng giới về tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, đã từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, nhiều cán bộ nữ đã được tín nhiệm giữ các chức danh lãnh đạo trong Đảng và chính quyền tại địa phương.

Mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn đối với các nguồn lực kinh tế và thị trường lao động cũng đạt được kết quả đáng khích lệ. Hiện tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm 30% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn; 100% nữ chủ hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; tỷ lệ nữ lao động làm công hưởng lương trong năm 2022 đạt trên 40,6%…

Thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hóa thông tin của tỉnh cũng đạt kết quả rất tốt. Đặc biệt bình đẳng giới trong đời sống gia đình và từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới được tỉnh đặc biệt quan tâm. Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình còn gắn với thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở, thông qua đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình và hệ thống Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, Đội phòng, chống bạo lực gia đình đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ việc bạo lực gia đình, trong đó có trường hợp bạo lực gia đình xuất phát từ bất bình đẳng giới.

Công tác giám sát thực hiện bình đẳng giới tại cơ sở được thực hiện hiệu quả thông qua 1.371 Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 172 đường dây nóng tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình, 325 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, 465 Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” - Đội phòng, chống bạo lực gia đình và 1.005 quy ước đã được triển khai thực hiện tại cộng đồng.

MAI HÀ

.
.
.