Thứ Hai, 24/07/2023, 09:47 (GMT+7)
.

Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về bình đẳng giới

Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới (BĐG) và vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN), thời gian qua tỉnh Tiền Giang tập trung nâng cao năng lực thực hiện công tác BĐG; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG và VSTBPN; lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng văn bản, tổ chức hoạt động, triển khai thực hiện các mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, công tác quản lý nhà nước về BĐG trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện ở nhiều khía cạnh. Bên cạnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về công tác BĐG, các sở, ban, ngành và địa phương còn chú trọng tham mưu, lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng văn bản, hoạt động chuyên môn; triển khai mô hình, tổ chức các hội thảo chuyên đề về BĐG…

Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn, giúp thu hẹp khoảng cách giới trong lao động, việc làm. (Ảnh: Phụ nữ nông thôn huyện Cai Lậy với nghề may gia công túi xách).
Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn, giúp thu hẹp khoảng cách giới trong lao động, việc làm. (Ảnh: Phụ nữ nông thôn huyện Cai Lậy với nghề may gia công túi xách).

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về việc thực hiện pháp luật BĐG được tích cực triển khai; công tác thống kê số liệu và báo cáo về tình hình thực hiện BĐG tại địa phương cũng được quan tâm. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về BĐG.

Trong những năm qua, để triển khai có hiệu quả công tác BĐG, tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm đến sự phát triển của đội ngũ cán bộ nữ, ghi nhận tiềm năng to lớn và sự đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Vai trò, vị trí, cơ hội phát huy năng lực giữa nữ cán bộ, công chức, viên chức so với nam cán bộ, công chức, viên chức trong quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng tại cơ quan, tổ chức của nhà nước được tỉnh Tiền Giang thể hiện thông qua các kế hoạch theo từng giai đoạn.

Việc giới thiệu nhân sự cấp ủy được đặc biệt quan tâm, lựa chọn đúng, đủ những nhân tố mới có đức, có tài, có triển vọng lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ trẻ tuổi, cán bộ nữ để tham gia cấp ủy. Quy hoạch đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm được các ngành, các cấp công khai dân chủ, minh bạch và đúng quy trình; trong đó đặc biệt quan tâm đến phát triển, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ vào những vị trí chủ chốt; đối với đội ngũ cán bộ nữ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Theo đó, mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho nữ có cơ hội trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp của tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026; góp phần đảm bảo có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách đề cử, ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân là nữ theo quy định.

Số lượng nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 3/8 đại biểu, chiếm tỷ lệ 37,5%, so với nhiệm kỳ 2016 - 2021 tăng 2 nữ đại biểu (nhiệm kỳ trước là 1/8, tỷ lệ 12,5%). Nhìn chung, việc thực hiện BĐG về tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, đã từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, nhiều cán bộ nữ đã được tín nhiệm giữ các chức danh lãnh đạo trong Đảng và chính quyền tại địa phương.

Khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm được thu hẹp, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về BĐG được tăng cường nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cộng tác viên trên địa bàn tỉnh.

Hơn nữa, công tác phối hợp liên ngành trong triển khai chính sách, pháp luật về BĐG đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, góp phần quan trọng đảm bảo các quy định tại Luật BĐG và các văn bản, chính sách pháp luật khác có liên quan được thực thi và đi vào đời sống của nhân dân.

Đồng thời, hằng năm cơ quan quản lý nhà nước về BĐG đã chủ động phối hợp với các ngành thực hiện kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình BĐG ở các ngành, đơn vị, địa phương. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương đã thực hiện tốt chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực BĐG  trên địa bàn, thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BĐG và triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới...

TIẾP TỤC NÂNG CAO HIỆU QUẢ

Trong những năm qua, công tác về BĐG đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm cả về nhận thức và hành động, từ chủ trương, chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về BĐG trên địa bàn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, như: Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ở địa phương; sự thay đổi về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 (giai đoạn 2020 - 2022) làm nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm của một bộ phận dân cư, trong đó có phụ nữ, nhất là phụ nữ khu vực nông thôn, phụ nữ lao động trong các dịch vụ, thương mại, du lịch; tư tưởng mang tính định kiến về giới vẫn tồn tại.

Việc lồng ghép mục tiêu BĐG với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa rõ nét; việc lồng ghép công tác BĐG với các hoạt động chuyên môn của một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Công tác thông tin, tuyên truyền vẫn còn những hạn chế…

Do đó, để đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về BĐG ở địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về BĐG đã đề ra một số giải pháp. Cụ thể, tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo và triển khai công tác BĐG, trong đó chú trọng công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, triển khai và thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách về BĐG.

Tiếp tục thực hiện nghiêm việc lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước về BĐG cấp tỉnh cần nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ BĐG và phát triển phụ nữ; chính sách khuyến khích và ưu tiên trong đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng cho phụ nữ.

Hướng dẫn các địa phương thực hiện lồng ghép vấn đề BĐG trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động, xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, dự án... cho cán bộ phụ trách công tác pháp chế và xây dựng chính sách, pháp luật. Tập huấn kiến thức về giới, BĐG cho đội ngũ cán bộ thanh tra, tư pháp, cán bộ phụ trách công tác BĐG và thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của các bộ, ngành, địa phương.

Tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực hợp pháp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để tăng tính bền vững, hiệu quả trong thực hiện công tác BĐG.

HỮU NGHỊ

 

.
.
.