Thứ Tư, 26/07/2023, 08:54 (GMT+7)
.

Tháng 7 nghe kể chuyện về liệt sĩ Trần Văn Tánh

Hy sinh ở tuổi 17, liệt sĩ Trần Văn Tánh là một trong số hàng vạn thanh niên tham gia vào bộ đội để bảo vệ quê hương, những chiến công dũng cảm, hy sinh quên mình của các anh đã trở thành biểu tượng cao đẹp, biến thành những “viên gạch hồng” xây nên tượng đài bất khuất của dân tộc...

Những ngày tháng 7 - tháng của tri ân và tưởng niệm, tháng mà cả nước cùng hướng về Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, đã làm gợi nhớ lại câu chuyện về người chiến sĩ trinh sát anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Ngồi hàn huyên với nhau về một thời vác súng trên vai, cựu chiến binh Bùi Văn Cung (bí danh Bùi Minh Hùng, thường gọi là Hùng trắng, nguyên Đại đội phó Tiểu đoàn 514C), ngụ ấp Mỹ Thọ, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang kể lại câu chuyện về liệt sĩ Trần Văn Tánh (bí danh Dũng), quê ở ấp Mỹ Quới, xã Hậu Mỹ Phú, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang sinh năm 1954 và hy sinh năm 1972.

Cựu chiến binh xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo nghe ông Bùi Minh Hùng (giữa) kể về liệt sĩ  Trần Văn Tánh.
Cựu chiến binh xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo nghe ông Bùi Minh Hùng (giữa) kể về liệt sĩ Trần Văn Tánh.

Cựu chiến binh Bùi Minh Hùng nhập ngũ trước đồng chí Tánh 1 năm và từng sống, chiến đấu chung một đơn vị, nên tất cả những gì thân thuộc về đồng chí Tánh, ông vẫn còn nhớ, dù cho dấu vết thời gian hằn rõ trên khuôn mặt... Ông kể: “Đồng chí Tánh sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống cách mạng, ngọn lửa yêu quê hương và căm thù trước vô vàn tội ác mà giặc ngoại xâm gieo rắc trên quê hương mình. Năm 1968, anh tình nguyện nhập ngũ khi tròn 13 tuổi. Anh được phân công phụ trách tại bộ phận quân trang của Tỉnh đội Mỹ Tho lúc bấy giờ. Sau khi làm nhiệm vụ vận chuyển quân trang về Tiểu đoàn 514C, đồng chí Tánh đã xin chuyển sang Tiểu đoàn 514C để được cầm súng chiến đấu. Với vóc dáng nhỏ con, lanh lợi nên đồng chí được thủ trưởng đơn vị phân công làm nhiệm vụ trinh sát”.

Đồng chí Mai Thanh Bình (tên thường gọi là Sáu Bình, ngụ xã Trung An, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), khi đó là Chính trị viên Tiểu đoàn 514C đã chia sẻ: “Thời điểm đó, chiến tranh nổ ra ác liệt, đã có rất nhiều thanh thiếu niên hăng hái, sôi nổi, tình nguyện tham gia cách mạng. Có những người đã phải trốn gia đình để tham gia vào bộ đội. Khi vào trong môi trường quân đội, các đồng chí nhỏ tuổi luôn quấn quýt với đàn anh đi trước, học cách cầm, ngắm bắn súng; tình cảm dần lớn và như anh em một gia đình…”.

Những tháng cuối năm Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 514C đứng chân tại ở xã Hậu Mỹ (nay là xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè) cùng với lực lượng tại chỗ để đánh địch càn quét vào các căn cứ và địa hình hoạt động của ta. Cán bộ, chiến sĩ chiến đấu trong sự yêu thương đùm bọc, che chở và hết lòng giúp đỡ của nhân dân nơi đây.

Tháng 8-1969, ở chiến trường Cái Bè, Đại đội 3 Tiểu đoàn 514C đã diệt gọn Trung đội “Mỹ hề” nhảy cóc ở Hậu Mỹ. Trinh sát đã theo dõi và phát hiện địch, Đại đội 3 nhanh chóng triển khai lực lượng, bám sát mục tiêu nổ súng chớp nhoáng tiêu diệt gọn một trung đội Mỹ. Sau trận này, Đại đội 3 và Trung đội trinh sát của Tiểu đoàn đã phục kích, vận động tiến công tiêu diệt gọn đại đội bảo an địch đi tiếp tế súng đạn, lương thực cho đồn Đất Sét. Trong đó, đồng chí Hùng và đồng chí Tánh đã dũng cảm xung phong diệt tên đại đội trưởng địch. Ta đã thu toàn bộ vũ khí và lương thực. Trận này do đồng chí Nguyễn Văn Lưỡng (quyền Đại đội trưởng) và đồng chí Bảy Hầu (Chính trị viên Đại đội 3) chỉ huy.

Ông Hùng kể lại: “Ban đêm thì cùng tiểu đoàn chiến đấu, ban ngày mặc đồ dân thường, cắm cờ của địch trên xuồng chạy đi qua các xã khác để liên lạc với quân ta. Đôi lúc nổ ra trận chống càn dai dẳng, bom mìn nổ đứt đường dây liên lạc của tiểu đoàn sang đại đội, nên ông cùng với đồng chí Tánh đi nối dây, rải dây để kết nối thông tin liên lạc”.

Nhấp ngụm trà, ông Hùng bỗng nhớ và lớn giọng kể về một lần ông và đồng chí Tánh sém “chết hụt”. Trong đợt đánh càn ở xã Mỹ Đức Tây (huyện Cái Bè), đơn vị hành quân và ông được phân công đào công sự với đồng chí Tánh. Nửa đêm, do tuổi còn ham chơi, ham ngủ nên đào một lúc thì 2 người rủ nhau vào trảng xê nhà dân gần đó để ngủ. Đến rạng sáng, vị trí đào công sự được phân công đào bị địch thả bom, san bằng mọi thứ.

Ông Hùng kể lại, trên người của đồng chí Tánh đầy những vết thương từ các trận đánh. Trong quá trình chiến đấu, đồng chí Tánh đã bắn hạ nhiều xe cơ giới và thu giữ quân khí của địch. Đồng chí Tánh đã được cấp trên tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới” và nhiều danh hiệu khác. Những danh hiệu vẻ vang đó là minh chứng cho sự mưu trí, quả cảm, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ; danh hiệu đó cũng là niềm động viên tinh thần để đồng chí Tánh tiếp tục chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho độc lập dân tộc.

Ngày 4-4-1972, trong lúc đi làm nhiệm vụ qua cánh đồng năn tại khu vực xóm Vuông sao (chuồng bò), thuộc xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, đồng chí Tánh và một chiến sĩ trinh sát khác của đơn vị đã bị nhóm lính Huỳnh Hoa (quân chiêu hồi) mai phục và chúng định bắt sống để lập công. Trong lúc địch chủ quan, lợi dụng vóc dáng nhỏ con, đồng chí Tánh đã nhanh trí cúi thấp người dùng súng và bắn chết vài tên lính. Tuy nhiên, do địch mai phục khắp nơi, nên 2 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Thi thể của 2 đồng chí bị chúng đem đi khắp nơi thị uy. Và đến nay, thông tin về phần mộ 2 đồng chí nằm ở đâu vẫn chưa rõ.

Đến bây giờ, ông Hùng vẫn còn tiếc tấm hình chụp chung với đồng chí Tánh, đó là tấm hình đầu tiên cũng là kỷ vật duy nhất giữa 2 người. Tấm hình đó được ông Hùng cất kỹ trong ba lô, trong chuyến đi làm nhiệm vụ đã bị địch truy đuổi nên ông bị đánh rơi mất ba lô.

Mẹ của liệt sĩ Trần Văn Tánh là bà Huỳnh Thị Thanh (thường gọi là Ba Đầy), có 2 người con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, hiện đang sống tại ấp Mỹ Quới, xã Hậu Mỹ Phú, huyện Cái Bè. Bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Có những ký ức đau đến xé lòng đối với ông Bùi Minh Hùng là khi đất nước hòa bình, mẹ của liệt sĩ Trần Văn Tánh gặp lại ông và hỏi: “Mày đây rồi, còn thằng Tánh ở đâu?”

HÀ NAM

.
.
.