Thứ Ba, 11/07/2023, 11:44 (GMT+7)
.

Tiền Giang thực hiện nhiều giải pháp để đạt mức sinh thay thế

10 năm liên tục gần đây, xu hướng giảm sinh là chủ đạo trong cả nước. Tại Tiền Giang, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên có xu thế giảm dần do tỷ suất sinh thô giảm, mỗi năm trung bình giảm từ 0,2 - 0,4%o. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Tiền Giang xếp hạng 12 trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.

SUY THOÁI DÂN SỐ DẪN ĐẾN NHIỀU HỆ LỤY

Theo số liệu mới nhất trong Quyết định 2019 ngày 27-4-2021 về Công bố danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng mức sinh áp dụng cho giai đoạn 2020 - 2025, có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, trong đó có Tiền Giang; vùng có mức sinh cao gồm 33 tỉnh, thành phố và có 9 tỉnh, thành phố có mức sinh thay thế. Thực trạng mức sinh của Tiền Giang những năm gần đây luôn thấp dưới mức sinh thay thế, cụ thể số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2014 là 1,75 con; năm 2015 là 1,62 con; năm 2016 là 2 con; năm 2017 là 1,99 con; năm 2018 là 1,68 con; năm 2022 là 1,85 con.

Mức sinh là một yếu tố cấu thành của dân số, do vậy những biến động của mức sinh, dù cao hay thấp đều có tác động trực tiếp đến quy mô, cơ cấu, phân bố dân số và sẽ gây bất lợi cho ổn định xã hội và phát triển đất nước. Trong đó, riêng về vấn đề mức sinh thấp, nếu để mức sinh “tụt” quá thấp, sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Cụ thể, mức sinh thấp sẽ gây ra tình trạng suy giảm quy mô dân số. Nghĩa là, khi mức sinh thấp kéo dài không đủ sản sinh ra những đoàn hệ thay thế cha mẹ trong một thời gian dài sẽ tác động trực tiếp đến tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên và làm cho quy mô dân số suy giảm.

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về dân số cho người lao động trong các khu, cụm công nghiệp. 			          Ảnh: NGỌC CHI
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Tiền Giang tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về dân số cho người lao động trong các khu, cụm công nghiệp. Ảnh: NGỌC CHI

Bên cạnh đó, với những quốc gia có mức sinh thấp sẽ dẫn đến việc thiếu hụt lực lượng lao động. Bởi khi đó, số người được sinh ra ngày càng ít đi và với việc chuyển đoàn hệ trong dân số sẽ làm cho dân số trong độ tuổi lao động - lực lượng chính tạo ra của cải vật chất và sự phát triển của xã hội - sẽ ngày càng bị thu hẹp. Hơn nữa, mức sinh thấp còn đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số; gia tăng các dòng di cư (do mức sinh thấp, lực lượng lao động thiếu hụt tác động đến các chính sách di cư làm tăng các dòng di cư, thu hút lao động nhập cư).

Đặc biệt, do mức sinh thấp gây ra các hệ lụy nêu trên nên sẽ kéo theo hậu quả nghiêm trọng là tác động đến sự ổn định xã hội và phát triển đất nước, làm phát sinh hàng loạt các vấn đề về an sinh xã hội, trật tự an ninh, quốc phòng. Cụ thể, khi mức sinh thấp gây già hóa dân số nhanh sẽ kéo theo gia tăng quỹ phúc lợi xã hội, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Trong khi đó, chi phí chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cao gấp 7 - 8 lần so với chăm sóc sức khỏe trẻ em. Nhu cầu cán bộ điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi sẽ tăng đột biến trong bối cảnh lực lượng lao động giảm và phụ nữ ngày một tham gia tích cực hơn trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Đây không chỉ là khó khăn thách thức đối với gia đình mà còn với cả xã hội, nhà nước.

Cùng với đó, mức sinh thấp làm gia tăng các dòng di cư nên kéo theo các dịch vụ đi kèm để cung cấp cho người nhập cư như nhà ở, trường học, bệnh viện. Điều này gây nguy cơ xung đột do những khác biệt về sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, kỹ năng làm việc, cạnh tranh việc làm do quá trình di cư - nhập cư…

GIẢI PHÁP ĐỂ ĐẠT MỨC SINH THAY THẾ

Ngày 30-12-2020, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch 356 thực hiện Chương trình Điều chỉnh mức sinh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2030, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đoàn thể có liên quan triển khai thực hiện các giải pháp nhằm điều chỉnh mức sinh của tỉnh. Tiền Giang đã đề ra và đang thực hiện 5 nhóm giải pháp cơ bản. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể. Tiếp tục quán triệt sâu sắc việc chuyển hướng công tác dân số từ tập trung vào việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế. Thống nhất nhận thức trong lãnh đạo và chỉ đạo cuộc vận động thực hiện mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có chỉ tiêu cụ thể đạt mục tiêu đạt mức sinh thay thế; mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, thực hiện giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi trong hệ thống giáo dục. Mục tiêu của giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản là định hình giá trị mỗi gia đình nên có 2 con vì lợi ích gia đình và tương lai bền vững của đất nước. Điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, bãi bỏ các quy định không còn phù hợp với mục tiêu duy trì mức sinh thay thế. Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sinh đủ 2 con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Thực hiện thí điểm các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, như: Hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình; xây dựng câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi. Hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con như mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên cho con học tại các trường công lập, thuận tiện với nơi làm việc, sinh sống.

Tỉnh cũng đã mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ có liên quan. Phổ cập dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản tới mọi người dân đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ, không phân biệt giới, người đã kết hôn, người chưa kết hôn.  Triển khai các loại hình phòng, tránh vô sinh từ tuổi vị thành niên tại cộng đồng; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển mạng lưới hỗ trợ sinh sản theo hướng dẫn của trung ương.

Ngoài những giải pháp trên, tỉnh đã có chính sách khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt cuộc vận động thực hiện mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. UBND tỉnh đã đề xuất và HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 26/2021 về các mức khen thưởng cho xã 3 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con; xã 5 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con; phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi.

Kết quả, đến tháng 6-2023, toàn tỉnh đã rà soát lập hồ sơ cho 3.055 phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi đủ điều kiện khen thưởng và đã có 2.450 phụ nữ được nhận tiền khen thưởng. Các địa phương đang tiếp tục rà soát lập hồ sơ khen thưởng cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi và trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định công nhận xã, phường, thị trấn thực hiện đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh con sinh đủ 2 con năm 2022..

MAI HÀ

.
.
.