.

Vượt khó thời chiến, đảm đang thời bình

Cập nhật: 11:16, 29/07/2023 (GMT+7)

Đó là cô Nguyễn Thị Ngọc Sương (sinh năm 1956, ngụ khu phố 2, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Cô sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, tham gia cách mạng khi mới 17 tuổi, là một nữ tuyên truyền viên năng nổ, tháo vát trong những năm tháng chiến tranh. Hòa bình, cô Sương là một giáo viên vượt lên hoàn cảnh nghèo khó, một mình nuôi các con ăn học nên người và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục huyện Gò Công Tây.

ĐẾN VỚI CÁCH MẠNG KHI ĐANG HỌC LỚP 11

Sinh ra và lớn lên ở xã Đạo Thạnh, bên dòng sông Bảo Định, TP. Mỹ Tho, những năm tháng tuổi thơ của cô Sương gắn liền với cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống Mỹ cứu nước. Khi mới lên 4, 5 tuổi, cô Sương đã được mẹ dắt thăm cha trong nhà tù và không ít lần theo mẹ ra chợ, khi mẹ tham gia đấu tranh chính trị. Rồi cô được các anh chị văn công dạy hát những bài hát cách mạng.

Không chỉ thế, cô còn tận mắt chứng kiến những người dân vô tội chết sau mỗi trận càn của lính địch; nhìn thấy sự chiến đấu kiên cường, sự hy sinh anh dũng của các anh du kích bảo vệ cách mạng. Đến năm 12 tuổi khi đang học lớp Đệ thất (lớp 6) Trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân, chỉ sau một trận pháo bắn từ Tân Mỹ Chánh, bỗng chốc cô Sương trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cảm nhận sự khốc liệt của chiến tranh và khát vọng hòa bình, cô Sương đến với cách mạng khi đang là học sinh lớp 11.

Dù lớn tuổi nhưng cô Sương vẫn hăng hái lao động, phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia các phong trào ở địa phương.
Dù lớn tuổi nhưng cô Sương vẫn hăng hái lao động, phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia các phong trào ở địa phương.

Theo lời cô Sương kể, ngày ấy, khoảng đầu năm 1973, mặc dù Hiệp định Paris đã được ký kết nhưng chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Hòa cùng phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh cả nước, học sinh ở Mỹ Tho dưới sự lãnh đạo của tổ chức Thành đoàn Mỹ Tho đã tham gia hoạt động sôi nổi, nhất là trong các trường học. Cô Sương được giới thiệu tham gia công tác trong cơ sở hoạt động bán công khai do Thành đoàn Mỹ Tho tổ chức.

Cụ thể, công việc của cô Sương là tham gia Ban Biên tập Tập san “Bút Việt” do Thành đoàn Mỹ Tho xuất bản, lưu hành bí mật trong lực lượng thanh niên và học sinh nội thành, thông qua tổ chức này mà vận động tập hợp thanh niên, học sinh TP. Mỹ Tho; đồng thời, nắm tình hình các trường học và giới học sinh, giáo viên báo cáo về tổ công tác; cùng một số cơ sở khác lấy hình ảnh, tư liệu theo yêu cầu từng lúc, nhất là đeo bám hệ truyền thanh của Mỹ - Ngụy tại TP. Mỹ Tho để khi tiếp quản biết cách sử dụng ngay.

Đến năm 1975, cô Sương cùng tổ công tác nội thành tiếp quản đài truyền thanh còn nguyên vẹn, kịp thời truyền mọi mệnh lệnh của Ủy ban Quân quản TP. Mỹ Tho và kêu gọi bọn tàn quân nộp vũ khí đầu hàng. Từ đấy, cô Sương chính thức trở thành xướng ngôn viên của đài truyền thanh, đồng thời tích cực tuyên truyền bằng xe loa lưu động tại TP. Mỹ Tho.

Có thể nói, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, cô Sương đã vượt lên khó khăn, trở ngại gắn bó với công tác tuyên truyền phục vụ sản xuất và chiến đấu, cùng dân tộc đi trọn vẹn chặng đường cách mạng vẻ vang trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và để lại những dấu ấn khó phai theo thời gian. Với sự đóng góp của mình, cô Sương đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì.

GƯƠNG MẪU THỜI BÌNH

Cô Sương lớn lên lập gia đình với ông Lê Bá Hạnh, ngụ xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, vợ chồng có với nhau 2 người con. Năm 1984, chồng cô hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Sự ra đi đột ngột của chồng cô - liệt sĩ Lê Bá Hạnh đã làm cho cuộc sống gia đình cô vô cùng khốn khó. “Chồng hy sinh khi tôi 28 tuổi với 2 con nhỏ, một đứa 5 tuổi và đứa mới lên 3 và đang là giáo viên Trường cấp 2 Vĩnh Bình 2, huyện Gò Công Tây. Cái khó khăn lớn nhất lúc này là căn nhà nhỏ được cha mẹ cất cho khi ra riêng, mái lá đã bị dột nát, mấy đêm trời mưa lớn, 3 mẹ con ôm nhau khóc, không ngủ được vì mưa dột ướt và cả nỗi lo nhà bị sập”, cô Sương nhớ lại.

Với những cống hiến, cô Sương đã được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Bằng khen của Tòa án nhân dân tối cao; nhiều Bằng khen của Tỉnh ủy Tiền Giang, UBND tỉnh Tiền Giang; được tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp Công đoàn, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tòa án, Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.

Trước những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được, cô Sương đã nhận được sự giúp đỡ của gia đình chồng, luôn động viên, an ủi, phụ giúp đưa rước 2 con của cô đi học, sửa lại nhà cửa cho chắc chắn hơn; cùng sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè, đồng nghiệp trong công tác giảng dạy. Bản thân cô luôn kiên trì, nỗ lực vươn lên, từng bước vượt qua khó khăn.

Đến năm 1994, cô Sương được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang phân công về giảng dạy tại Trường THPT Vĩnh Bình. Đến năm 2011, cô nghỉ hưu, phụ chăm sóc cháu và tham gia công tác Đảng nơi cư trú. Trong suốt quá trình công tác ở Trường THPT Vĩnh Bình, cô Sương luôn giữ mối quan hệ tốt, đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp trong công tác giảng dạy, góp phần xây dựng nhà trường đạt trường tiên tiến xuất sắc; chi bộ trường đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu; giúp học sinh nghèo vượt khó bằng nhiều suất học bổng…

Ngoài ra, từ năm 1989 đến nay (28 năm), cô Sương còn tham gia vào Đoàn hội thẩm Tòa án nhân dân huyện Gò Công Tây, cùng Tòa án giải quyết các vụ án, góp phần bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của người dân. Khi về sinh hoạt ở địa phương, với vai trò là chi ủy viên, cô đã cùng các đồng chí trong chi ủy lãnh đạo Chi bộ Khu phố 2, thị trấn Vĩnh Bình đạt chi bộ trong sạch vững mạnh nhiều năm liền.

Cô Sương đã có 30 năm một mình vừa công tác, nuôi dạy con, vừa làm kinh tế, phát triển vườn cây ăn trái, đến nay cuộc sống của cô đã ổn định với căn nhà kiên cố khang trang và 2 con cô đều tốt nghiệp đại học, có việc làm thành đạt. Dù tuổi đã cao nhưng cô Sương vẫn nhiệt tình, tích cực, gương mẫu trong nhiều phong trào của địa phương và cộng đồng. Cô Sương xứng đáng là tấm gương để thế hệ trẻ noi theo.

HOÀI THU

.
.
.