.
KỶ NIỆM 62 NĂM THẢM HỌA DA CAM Ở VIỆT NAM (10-8-1961 - 10-8-2023):

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Cập nhật: 14:43, 09/08/2023 (GMT+7)

Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh dài ngày nhất, có quy mô lớn nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng  80 triệu lít chất độc hóa học, 61% tổng số đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin. Dioxin là chất độc nhất trong các chất mà loài người biết đến. Cuộc chiến tranh hóa học đã gây ra thảm họa khủng khiếp đối với môi trường và sức khỏe con người Việt Nam. Hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC) và trên 3 triệu người là NNCĐDC.

Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh Phạm Văn Hai thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân ở TP. Mỹ Tho.
Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh Phạm Văn Hai thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân ở TP. Mỹ Tho.

Hơn nửa thế kỷ qua, nhân dân Việt Nam phải gánh chịu hậu quả thảm khốc của chiến tranh hóa học do Mỹ sử dụng gây ra. Đó là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam.

Ngày 18-12-2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) ra Thông báo 292 nêu rõ: “Việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC là vấn đề vừa lâu dài, vừa quan trọng và cấp bách hiện nay. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có những biện pháp tiến hành cụ thể để giải quyết tốt nhiệm vụ này”.

Ngày 14-5-2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Chỉ thị 43 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Chỉ thị nêu rõ: “Công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị…

Ở Tiền Giang với trên 11.800 NNCĐDC, hằng năm, Hội NNCĐDC các cấp trong tỉnh cũng đã vận động tổng số tiền trên 15 tỷ đồng để chăm lo, giúp đỡ NNCĐDC. Nhân kỷ niệm 62 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, các cấp hội trong tỉnh vận động gần 4.000 phần quà và tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, trao tặng cho NNCĐDC; mỗi phần từ 300.000 - 500.000 đồng. Vừa qua, cán bộ Hội tỉnh cũng đã tổ chức đoàn đến thăm hỏi và tặng trên 565 phần quà cho NNCĐDC, mỗi phần trị giá 400.000 đồng.

Những chuyển biến sâu sắc qua hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã nhận thức sâu sắc, quan tâm hơn đến việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC. Chính phủ, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã kịp thời cụ thể hóa thành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị.

Nhiều chế độ, chính sách đối với NNCĐDC và con đẻ của NNCĐDC bị di chứng được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Thông qua việc thực hiện Chỉ thị 43, công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, qua đó các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức và bạn bè quốc tế…hiểu rõ hơn thảm họa da cam/dioxin do Mỹ sử dụng và gây ra ở Việt Nam.

Phát huy tinh thần “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”, các cấp Hội đặt lên hàng đầu công tác vận động nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC và gia đình, coi đó là thước đo chủ yếu đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội. Các cấp hội đã vận động quỹ (gồm tiền và vật chất), tổng trị giá hàng ngàn tỷ đồng, sử dụng hiệu quả để đầu tư xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề, hỗ trợ vốn sản xuất, xây nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà, tặng xe lăn; khám, chữa bệnh, thăm hỏi, tặng quà NNCĐDC.

Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động từ năm 2011 tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội trong nước và quốc tế, nhằm chung tay chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC. Nhờ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chung tay góp sức của cộng đồng đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều NNCĐDC và gia đình có thêm động lực phấn đấu vượt qua khó khăn, bệnh tật, ổn định cuộc sống, hòa nhập với xã hội.

LÊ HUỲNH (tổng hợp)

.
.
.