Thứ Hai, 04/09/2023, 09:00 (GMT+7)
.
BẢO HIỂM Y TẾ - CHUNG TAY DỆT "LƯỚI" AN SINH

Bài 1: Nghĩa cử nhân văn từ tấm thẻ BHYT

Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, cùng với bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) được xem là một trong hai chính sách nhân văn, ưu việt, giữ vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Tại tỉnh Tiền Giang, những năm qua, chính sách BHYT đã được triển khai sâu rộng trong nhân dân, tỷ lệ người tham gia BHYT không ngừng tăng lên. Song, chính sách BHYT vẫn chưa đảm bảo tính bền vững do còn không ít bất cập cần tháo gỡ.

Không phải ngẫu nhiên, dân gian có các câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, “sức khỏe là vàng”, “có sức khỏe là có tất cả”… Bởi một khi đã ốm đau, bệnh tật thì có “tiền núi cũng lở” và với những người nghèo lại càng khó khăn thêm. Vì thế, tấm thẻ BHYT có giá trị hơn bao giờ hết, trở thành “phao cứu sinh” của người nghèo. Để chia sẻ những khó khăn về kinh tế và nâng tầm nhận thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe cho chính mình, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách về BHYT.

NHIỀU CHÍNH SÁCH VỀ BHYT

Chính sách BHYT được Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện từ nhiệm kỳ Đại hội VII đến Đại hội X của Đảng. Tuy nhiên, phải đến nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, Luật BHYT mới quy định cụ thể: BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận.

Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang Võ Khánh Bình trao tặng thẻ BHYT từ Chương trình “Hỗ trợ thẻ BHYT - Chia sẻ yêu thương”.
Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang Võ Khánh Bình trao tặng thẻ BHYT từ Chương trình “Hỗ trợ thẻ BHYT - Chia sẻ yêu thương”.

Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT. Luật BHYT ra đời năm 2008 và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, là cơ sở pháp lý quan trọng, thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế, thông qua BHYT toàn dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương, trong từng thời điểm cụ thể, nhiều chính sách BHYT đã được kịp thời ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, năm 2023, các chính sách BHYT được tổ chức triển khai thực hiện với nhiều điểm mới, như: Điều chỉnh các nhóm đối tượng tham gia BHYT, nâng cao chất lượng, quyền lợi của người tham gia BHYT…

Cùng với đó là việc ban hành quy trình giám định BHYT mới; đồng bộ danh mục kỹ thuật với giá dịch vụ y tế mới và đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, dịch vụ công về khám, chữa bệnh (KCB) BHYT trên Cổng dịch vụ công quốc gia; mở rộng diện bao phủ, phát triển BHYT theo chỉ tiêu của Chính phủ giao…

Tại tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo việc triển khai thực hiện chính sách BHYT. Theo đó, chỉ tính riêng năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 10 Quyết định, Chỉ thị, Công văn, Kế hoạch về phát triển BHYT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Mới đây, năm 2023, Tỉnh ủy Tiền Giang cũng đã ban hành Nghị quyết 16 ngày 19-1-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023; trong đó, chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 93%...

“PHAO CỨU SINH” CHO NGƯỜI NGHÈO

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, mỗi năm Quỹ BHYT chi trả khoảng 100 ngàn tỷ đồng cho hoạt động KCB BHYT. Vừa trở về nhà sau thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo tại TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ với chúng tôi, chú N.T.Đ., 72 tuổi, ngụ thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây cho biết, sức khỏe chú đã dần hồi phục. Khoảng tháng 11 năm ngoái, khi thấy trong người xuất hiện những cơn đau không thuyên giảm, chú Đ. đến bệnh viện khám bệnh.

Qua các xét nghiệm và chẩn đoán, bác sĩ kết luận chú bị bệnh đa u tủy. Hoàn cảnh gia đình chú khó khăn, vợ chú cũng mắc nhiều bệnh do lớn tuổi, nhưng nhờ có mua thẻ BHYT đã giúp chú rất nhiều trong việc KCB. Sau 7 tháng điều trị, BHYT đã chi trả cho chú Đ. trên 406 triệu đồng trong tổng kinh phí điều trị bệnh trên 435 triệu đồng. “Hiện nay, sức khỏe tôi đã ổn định hơn trước. Đều đặn 2 tuần, tôi lên bệnh viện tái khám 1 lần, có bệnh tật mới thấy giá trị lớn lao của thẻ BHYT”, chú Đ. chia sẻ.

Cũng giống như chú Đ., trường hợp anh B.V.H., ngụ xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè cũng được Quỹ BHYT chi trả với số tiền khá lớn. Là lao động chính trong gia đình, không may, anh H. mắc bệnh phải lên bệnh viện tuyến TP. Hồ Chí Minh điều trị, với chi phí trên 424 triệu đồng, trong đó anh được BHYT thanh toán trên 337 triệu đồng chi phí KCB. “Cha mẹ tôi bị bệnh tai biến nằm một chỗ, mẹ lớn tuổi hay đau ốm, nhờ có BHYT thanh toán nên gia đình đã bớt gánh nặng về kinh tế. Sau quá trình điều trị bệnh, hiện nay sức khỏe tôi đã ổn định và đi làm trở lại”.

Để hiểu hơn về giá trị của thẻ BHYT đối với người bệnh, chúng tôi tiếp tục đến thăm chị L.T.P., 41 tuổi, ngụ phường 2, TX. Cai Lậy. Chị P. tâm sự, sau khi cưới nhau, vợ chồng chị lên TP. Hồ Chí Minh làm ăn, buôn bán. Khoảng hơn 1 năm trước, khi thấy trong người có biểu hiện bất thường, chị đi kiểm tra sức khỏe thì được bác sĩ cho biết chị bị bệnh tiểu đường. Kể từ ngày bị bệnh, chị phải nghỉ làm, cuộc sống gia đình càng trở nên khó khăn.

Chi phí sinh hoạt, điều trị bệnh ngày một tăng cao, vợ chồng chị đã quyết định về quê sinh sống. Chị P. tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang. Tổng chi phí điều trị trên 200 triệu đồng và chị được Quỹ BHYT thanh toán trên 152 triệu đồng.

Trên thực tế, những trường hợp như chú Đ., anh H., chị P… chỉ là 3 trong rất nhiều trường hợp được BHYT chi trả khi KCB trong thời gian qua. Từ chính sách BHYT của Đảng, Nhà nước ta, mỗi năm có hàng ngàn mảnh đời bất hạnh, nghèo khó đã vượt qua bệnh tật, giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình cũng như hạn chế việc tái nghèo do bệnh tật.

LAN TỎA NHỮNG VIỆC LÀM Ý NGHĨA

Thời gian qua, tại tỉnh Tiền Giang đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, phát triển người tham gia BHYT, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn tốt đẹp. Điển hình như Chương trình “Hỗ trợ thẻ BHYT - Chia sẻ yêu thương” do BHXH tỉnh Tiền Giang phát động từ năm 2020 đến nay đã vận động trên 2,31 tỷ đồng hỗ trợ 11.943 thẻ BHYT và 357 sổ BHXH tự nguyện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hằng năm, BHXH tỉnh Tiền Giang còn tổ chức thực hiện Chương trình “Tết ấm cho bệnh nhân BHYT có hoàn cảnh khó khăn”, trung bình mỗi năm 30 phần quà với số tiền 15 triệu đồng.

Theo Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang Võ Khánh Bình, đây là chương trình rất ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn; đồng thời, thể hiện rõ tinh thần sẻ chia cùng cộng đồng qua những nghĩa cử cao đẹp, tinh thần “tương thân tương ái”, giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với dịch vụ BHYT để chăm sóc sức khỏe được tốt hơn.

Tính đến hết ngày 31-7-2023, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 1,654 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 92,6%. Nhóm người tham gia BHYT tăng trong 7 tháng đầu năm gồm: Bảo trợ xã hội tăng 2.400 người; hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tăng 4.200 người; hộ gia đình tăng 14.600 người… Như vậy, so với Nghị quyết còn 0,4%, tương đương 6.300 người tham gia BHYT thì sẽ đạt được chỉ tiêu tỉnh giao trong năm 2023.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh Tiền Giang xây dựng nhiều mô hình hiệu quả tuyên truyền vận động hội viên, phụ nữ và người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện như: “Tổ phụ nữ tiết kiệm mua BHYT”, “Vận động các nhà hảo tâm tặng thẻ BHYT”…

Điển hình như tại huyện Gò Công Tây, từ năm 2017 đến nay, mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua BHYT hộ gia đình” đã triển khai và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Hiện mô hình này đã được nhân rộng ra các huyện, thành phố, thị xã với 456 tổ, nhóm có 7.793 thành viên tham gia.

Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Tiền Giang cũng tích cực hỗ trợ thẻ BHYT cho người nghèo. Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Tiền Giang Võ Thị Chín cho biết, thời gian qua, Hội đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân thường xuyên đến vùng sâu, vùng xa trao hàng ngàn thẻ BHYT cho người nghèo, những hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, trong năm 2022, Hội phối hợp với Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm thương mại Ngọc Hà và Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy đồng tài trợ tổ chức trao tặng 1.600 thẻ BHYT (kỳ hạn 12 tháng) cho các đối tượng có mức sống trung bình làm nông, lâm, ngư nghiệp chưa tham gia BHYT tại các huyện: Cái Bè, Gò Công Đông, Cai Lậy và TX. Gò Công với tổng kinh phí trên 514 triệu đồng… 

Có thể thấy, nhờ có BHYT mà các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện các chính sách về BHYT vẫn còn tồn tại một số bất cập nhất định, cần kịp thời tháo gỡ.

HOÀI THU - ĐỖ PHI

(còn tiếp)

.
.
.