Thứ Tư, 06/09/2023, 09:11 (GMT+7)
.
BẢO HIỂM Y TẾ - CHUNG TAY DỆT "LƯỚI" AN SINH

Bài 2: Những khó khăn, bất cập

Bài 1: Nghĩa cử nhân văn từ tấm thẻ BHYT

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang quan tâm chỉ đạo việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, những bất cập từ cơ chế chính sách, tăng phí đóng BHYT, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) bằng BHYT chưa đảm bảo... làm cho tỷ lệ người tham gia BHYT thiếu bền vững. Cho đến nay, ngành chức năng vẫn đang loay hoay tháo gỡ những khó khăn, hạn chế về BHYT.

VƯỚNG TỪ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) và ngành Y tế tỉnh Tiền Giang, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là những bất cập, vướng từ cơ chế chính sách trong việc thanh quyết toán chi phí KCB BHYT vượt trần, vượt dự toán. Tại nhiều diễn đàn, lãnh đạo Trung tâm Y tế (TTYT) tuyến huyện đã có phản ánh về thực trạng này.

Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế  cơ sở, y tế dự phòng tại Trung tâm Y tế huyện Gò Công Tây.
Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại Trung tâm Y tế huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.

Quyền Giám đốc TTYT huyện Châu Thành Nguyễn Văn Khai cho biết, TTYT huyện thiếu kinh phí hoạt động, do chi phí vượt trần, vượt dự toán chưa được cơ quan BHXH quyết toán nhiều năm qua. Số tiền chưa được cơ quan BHXH quyết toán từ năm 2018 đến nay khoảng 37 tỷ đồng. Do nợ quá hạn nên các đơn vị không cung cấp vật tư y tế, TTYT gặp khó trong việc điều trị cho bệnh nhân. Có giai đoạn đơn vị không có tiền trả lương cho cán bộ, nhân viên, TTYT huyện phải “cầu cứu” đến Huyện ủy, UBND huyện mới có kinh phí trả lương.

Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai cho biết, với trách nhiệm quản lý nhà nước, UBND huyện rất xót xa khi TTYT huyện không có tiền trả lương cho bác sĩ, nhân viên. Để gỡ khó, trước mắt năm 2022, huyện đã xin ý kiến và được Ban Thường vụ Huyện ủy đồng ý ứng 2 lần kinh phí. Cụ thể, năm 2022 ứng 6 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2023 ứng hơn 3 tỷ đồng cho TTYT huyện với tinh thần không để cán bộ, nhân viên y tế huyện làm việc mà không có lương.

Không riêng gì huyện Châu Thành mà đây là vướng mắc chung của nhiều cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang khi thực hiện theo Nghị định 146 ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT (gọi tắt là Nghị định 146), làm cho nguồn kinh phí của các đơn vị bị giảm, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động KCB BHYT.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Linh cho rằng, ngành BHXH tỉnh đã rất nỗ lực cùng ngành Y tế tháo gỡ khó khăn nhưng những bất cập từ cơ chế chính sách dẫn đến việc quyết toán chi phí KCB BHYT vượt quỹ, vượt định mức kéo dài chưa giải quyết dứt điểm.

“Trước đây chưa có Nghị định 146 thì Tiền Giang chỉ có 1 - 2 TTYT tuyến huyện gặp khó khăn, nhưng khi Nghị định 146 ra đời thì hầu hết các TTYT tuyến huyện đều gặp khó khăn, vướng mắc từ các quy định của nghị định này nên không đủ kinh phí hoạt động khiến nhiều cán bộ, y, bác sĩ băn khoăn, lo lắng”, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Linh cho biết thêm.

Theo phân tích của BHXH tỉnh Tiền Giang, các vướng mắc tồn động từ năm 2016 đến thời điểm hiện tại phần lớn là do cơ chế, chính sách. Theo quy định tại khoản 5, điều 24, Nghị định 146 của Chính phủ “Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được thẩm định nhưng không vượt tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT được xác định theo quy định tại khoản 4 điều này”. Trên cơ sở đó, hằng năm, BHXH tỉnh đã thực hiện thanh quyết toán theo đúng quy định. Tuy nhiên, các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn không chấp nhận, liên tục đề nghị cơ quan BHXH phải thanh toán chi phí vượt tổng mức này, gây khó khăn cho cơ quan BHXH.

Từ năm 2020, BHXH tỉnh Tiền Giang đã chủ động phối hợp với Sở Y tế tháo gỡ được một số vấn đề còn tồn đọng trước đó. Cụ thể, chi phí Khu khám, điều trị bệnh kỹ thuật cao thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang với số tiền 105 tỷ đồng, đã được Hội đồng Quản lý chấp thuận.

Trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, BHXH Việt Nam đã cho cấp tạm ứng 80% chi phí này; chi phí X-quang năm 2016 do không người đọc của TTYT huyện Gò Công Tây và TTYT TX. Gò Công đã được chấp thuận, đưa vào quyết toán năm 2019 với với số tiền 328 triệu đồng; chi phí vượt tổng mức năm 2021 trên 49 tỷ đồng đã được thanh toán (theo Nghị quyết 144 ngày 5-11-2022 của Chính phủ).

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, còn một số chi phí đã thống nhất với Sở Y tế, UBND tỉnh đã có công văn kiến nghị về trung ương, đang chờ Hội đồng quản lý, Thủ tướng Chính phủ giải quyết trên 160 tỷ đồng…

BẤT CẬP TRONG KCB BHYT

Qua nhiều đợt tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang, HĐND tỉnh, nhiều cử tri trên địa bàn tỉnh phản ánh Nhà nước luôn vận động, khuyến khích người dân tham gia BHYT nhưng khi có bệnh đi KCB BHYT thì thường xuyên bị thiếu thuốc; một số cơ sở KCB cơ sở vật chất y tế chưa đảm bảo, dẫn đến tâm lý người tham gia BHYT vẫn còn ngại khi đi KCB.

Theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, nhân lực y tế toàn ngành còn thiếu để đáp ứng công tác KCB cho nhân dân. Số lượng bác sĩ đào tạo theo yêu cầu, theo địa chỉ, đào tạo liên thông chưa đủ bổ sung cho các đơn vị. Cán bộ y tế nghỉ việc từ năm 2020 đến tháng 12-2022 là 212 người.

Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập thấp, môi trường làm việc nhiều nguy hiểm… nên đội ngũ y, bác sĩ ngành Y tế xin ra các cơ sở tư nhân hoặc bỏ nghề sang làm những công việc khác. Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu y, bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là khi tỷ lệ người tham gia BHYT ngày càng tăng trong khi đội ngũ cán bộ y tế ngày càng giảm.

Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ y tế chưa theo kịp nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân. Mặc dù, trang thiết bị trong ngành Y tế được quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ của các dự án hợp tác quốc tế vẫn chỉ mới đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho công tác KCB của nhân dân trong tỉnh. Việc trang bị mới trang thiết bị chuyên sâu còn hạn chế do thiếu nguồn vốn; việc đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung.

Chi ngân sách nhà nước cho y tế chủ yếu là chi thường xuyên, chi đầu tư còn thấp, nên chưa đủ khả năng cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập.

Thêm vào đó, chính sách thông tuyến trên phạm vi cả nước tạo thuận lợi cho người dân KCB, tuy nhiên cũng có những bất lợi, như: Thông tuyến bệnh viện tuyến huyện dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở y tế trong việc gia tăng các dịch vụ kỹ thuật không cần thiết để “lấy lòng” người bệnh như gia tăng chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng siêu âm, nội soi, xét nghiệm… mà người bệnh vẫn lầm tưởng việc được cung cấp nhiều dịch vụ y tế, thuốc trong mỗi lần KCB, như vậy đồng nghĩa với chất lượng KCB tốt, do đó các trạm y tế xã, phường không còn người bệnh đến khám. Đối với thông tuyến nội trú tuyến tỉnh thì các bệnh nhân tập trung điều trị tại các bệnh viện tuyến trên gây tình trạng quá tải, trong khi các TTYT huyện, trạm y tế xã vắng bệnh  nhân hơn so với trước đây.

THIẾU BỀN VỮNG

Để ghi nhận những khó khăn bất cập từ các địa phương trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tỉnh Tiền Giang đã tổ chức đợt kiểm tra trên toàn tỉnh.

Ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy, hiện nay nhiều người dân tham gia BHYT thường xuyên gián đoạn khiến tỷ lệ này không giữ vững. Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Phục Quang cho biết, quyền lợi về thụ hưởng chính sách BHYT của người dân nói chung ngày càng được mở rộng.

Tuy nhiên hiện nay, một bộ phận người dân tham gia BHYT hộ gia đình ở khu vực nông thôn cuộc sống còn khó khăn do hậu quả đại dịch Covid-19 kéo dài, nguồn thu nhập chưa ổn định trong điều kiện giá cả sinh hoạt lại tăng nên khó có khả năng tài chính để duy trì đóng cho toàn bộ thành viên trong hộ gia đình, nhất là hộ gia đình đông người.

Tương tự, tại TX. Gò Công, Phó Chủ tịch UBND TX. Gò Công Dương Văn Sanh cho biết, qua nắm bắt dư luận và phản ánh của người dân trong các hội nghị tuyên truyền, đối thoại về chính sách BHYT, BHXH trên địa bàn thị xã cho thấy, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới không bền vững, thường xuyên gián đoạn, chỉ tham gia 3 tháng hoặc 6 tháng, khi hết hạn thì không tiếp tục tham gia. Nguyên nhân do nhiều hộ gia đình còn gặp khó khăn với nguồn tài chính không ổn định…

Một bộ phận người dân kinh tế khá hơn thì không mặn mà KCB BHYT do thuốc BHYT là thuốc trong danh mục theo quy định và cơ số thuốc phân theo tuyến, trong khi khám và lấy thuốc dịch vụ mặc dù tốn chi phí nhiều hơn nhưng người dân vẫn chấp nhận. Đặc biệt, hiện nay, một số gia đình khá, giàu không cần đến BHYT, mà tham gia các loại hình bảo hiểm sức khỏe khác để KCB hoặc tự chọn nơi khám theo yêu cầu, nhất là ở TX. Gò Công rất gần với các bệnh viện lớn, có uy tín tại TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 146 của Chính phủ, mức đóng BHYT được tính bằng 4,5% mức lương cơ sở. Nếu đóng BHYT theo hộ gia đình, người thứ nhất đóng 100% mức đóng theo quy định, người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Tuy nhiên, từ ngày 1-7-2023, mức đóng BHYT theo hộ gia đình (12 tháng), được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng; theo đó, mức đóng BHYT theo tháng sẽ tăng tương ứng người thứ nhất là 972.000 đồng (tăng 167.400 đồng), người thứ hai là 680.400 đồng (tăng 117.180 đồng), người thứ ba là 583.200 đồng (tăng 100.440 đồng), người thứ tư là 486.000 đồng (tăng 83.700 đồng) và người thứ năm là 388.800 đồng (tăng 66.960 đồng).

Chính vì vậy, một số gia đình kinh tế không ổn định còn đắn đo khi bỏ ra số tiền lớn để tham gia BHYT cùng lúc cho cả hộ gia đình nên không duy trì tham gia... làm cho tỷ lệ người tham gia BHYT thiếu bền vững.

HOÀI THU - ĐỖ PHI

(còn tiếp)

 

.
.
.