Tăng cường công tác truyền thông Đề án 06 của Chính phủ
Nhằm truyền thông sâu rộng về việc triển khai, thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06 của Chính phủ) và công tác chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, BHXH tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Kế hoạch 1310 ngày 11-9-2023 về việc truyền thông thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Theo đó, Kế hoạch 1310 xác định 3 nội dung chính cụ thể như sau:
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang Võ Oanh Liệt phát biểu trong buổi làm việc với Tổ Công tác Đề án 06 của UBND tỉnh. |
- Về chủ thể truyền thông là cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể các cấp; các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp; người dân, người lao động; người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
- Một số nội dung truyền thông chủ yếu: Phổ biến, triển khai Đề án 06 của Chính phủ theo đúng tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh; Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ của ngành và BHXH tỉnh. Kết quả của việc chuẩn hóa, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) của ngành BHXH Việt Nam trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ dữ liệu của cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư hoặc sử dụng định danh và xác thực điện tử do Bộ Công an cung cấp. Mở rộng giao dịch với tất cả các ngân hàng đủ điều kiện kết nối khi thực hiện các thủ tục thanh toán trực tuyến về BHXH, BHYT trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Truyển thông về ý nghĩa, kết quả số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN có số định danh cá nhân, Căn cước công dân (CCCD) được thu thập, cập nhật trong CSDL của ngành BHXH Việt Nam quản lý và được xác thực với CSDL quốc gia về dân cư. Tình hình triển khai, sử dụng CCCD gắn chíp để khám, chữa bệnh BHYT tại địa phương. Ứng dụng xác thực sinh trắc dựa trên CCCD gắn chíp, ứng dụng VNeID và CSDL quốc gia về dân cư trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận “Một cửa” của BHXH tỉnh và Trung tâm Hành chính công tỉnh.
- Các hình thức truyền thông: Thông qua các sản phẩm đa phương tiện như Infographic, motion graphic, video với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với từng chủ thể truyền thông để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; Fanpage Facebook; Zalo OA của BHXH tỉnh.
Truyền thông trực tiếp thông qua các báo cáo định kỳ với cấp ủy, chính quyền các cấp (trong đó chú trọng phối hợp với Ban Tuyên giáo các cấp trong việc cung cấp, định hướng thông tin, truyền thông cho đội ngũ báo cáo viên). Phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và các đơn vị liên quan, tổ chức các hội thảo, hội nghị tập huấn, hội thi, tọa đàm, đối thoại.
Truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng thuộc cơ quan thông tấn, báo chí trung ương/địa phương (Báo Ấp Bắc, Báo Pháp Luật Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tạp chí BHXH…) sản xuất, đăng tải/phát sóng các tin, bài, phóng sự,…Truyền thông cao điểm nhân dịp Ngày Chuyển đổi số quốc gia (ngày 10-10) hằng năm.
Với những hình thức và phương pháp truyền thông đa dạng, linh hoạt phù hợp cho từng chủ thể và tình hình thực tế, kế hoạch truyền thông Đề án 06 của BHXH tỉnh Tiền Giang sẽ mang lại hiệu quả, tạo sự lan tỏa sâu rộng đến người dân, đơn vị, doanh nghiệp về việc triển khai, thực hiện công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam nói chung và BHXH tỉnh Tiền Giang nói riêng. Từ đó, củng cố và xây dựng hình ảnh ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
NGUYỄN VĂN THANH