Thứ Tư, 20/09/2023, 11:19 (GMT+7)
.

Gắn kết dạy nghề, tạo việc làm trong giảm nghèo bền vững

Tiền Giang luôn xác định giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xóa khó, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được tỉnh quan tâm thực hiện, xem đây là một trong những giải pháp để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

HIỆU QUẢ TỪ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Tiền Giang Lý Văn Cẩm cho biết, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay có nhiều khởi sắc. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở LĐTB&XH đã giải quyết việc làm cho khoảng trên 7.500/16.000 lao động (đạt khoảng 47% so với kế hoạch năm).

Lao động nông thôn tại một cơ sở may túi xách ở xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy.                                                                                                                                                                           Ảnh: Q.N
Lao động nông thôn tại một cơ sở may túi xách ở xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy. Ảnh: Q.N

Trong đó, từ hoạt động cho vay giải quyết việc làm trên 2.600 người; đã tổ chức 25 phiên giao dịch, ngày hội việc làm ở tỉnh và các huyện, thành, thị, thu hút trên 4.500 người lao động, học sinh, sinh viên, các đoàn thể, hội viên, đoàn viên tham gia và có trên 1.200 người được tuyển dụng.

Trong tháng 7-2023, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Tỉnh đoàn Tiền Giang đã tổ chức Ngày hội Việc làm cấp tỉnh. Cùng với đó, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm. Đến nay, tỉnh có tổng số lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài là 249 người, đạt 83% kế hoạch năm, dự kiến cuối năm 2023 có 400 người tham gia đạt 133% kế hoạch.

Để đạt được những kết quả trong công tác giải quyết việc làm, Sở LĐTB&XH đã đưa ra nhiều biện pháp, như: Triển khai hiệu quả Dự án “Hỗ trợ giảm nghèo bền vững” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm, chú trọng dự án phi nông nghiệp kết hợp với dự án dạy nghề nông thôn nhằm tạo thêm việc làm cho người lao động; phát triển các mô hình sản xuất, hỗ trợ đào tạo giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm…

Mặt khác, chủ động nâng cao chất lượng, hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp từng đối tượng người lao động, nhu cầu doanh nghiệp. Địa phương quan tâm phát huy vai trò kết nối doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tìm việc thông qua sàn giao dịch việc làm. Tổ chức khảo sát, thu thập, tổng hợp, phân tích, xử lý thông tin cần thiết nhằm dự báo ngắn hạn và dài hạn về thông tin thị trường lao động cung cấp cho người lao động, doanh nghiệp có nhu cầu.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Tiền Giang thực hiện tư vấn nghề, việc làm, pháp luật lao động và tư vấn khác cho trên 13.000 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho trên 1.200 lượt lao động có nhu cầu; tổ chức 4 ngày hội việc làm và 20 phiên giao dịch việc làm định kỳ.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, thông tin, giới thiệu chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp đến người lao động gắn với tuyển sinh vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng, trung cấp để hướng nghiệp cho học sinh có nhu cầu, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%. Từ đó, thiết thực giúp người lao động có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp năng lực, trình độ nghề nghiệp, đảm bảo thu nhập và an sinh xã hội.

CHÚ TRỌNG ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

Huyện Cai Lậy tổ chức dạy nghề cắm hoa cho phụ nữ nông thôn.
Huyện Cai Lậy tổ chức dạy nghề cắm hoa cho phụ nữ nông thôn.

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững. Hằng năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm; khảo sát nhu cầu học nghề của người dân; xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề tại địa phương, giúp lao động nông thôn có kiến thức để áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo.

Theo Sở LĐTB&XH, những năm qua, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hàng ngàn lao động; trong đó rất nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Các ngành nghề mà tỉnh Tiền Giang tập trung đào tạo cho lao động nông thôn như: Sửa chữa xe gắn máy; hàn; may công nghiệp; sửa chữa, lắp đặt điện dân dụng; sửa chữa máy may công nghiệp; kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có số lao động học nghề thuộc nhóm phi nông nghiệp chiếm 32,3%.

Thời gian qua, Tiền Giang đẩy mạnh tổ chức các hoạt động, giới thiệu, tư vấn việc làm cho lao động
Thời gian qua, Tiền Giang đẩy mạnh tổ chức các hoạt động, giới thiệu, tư vấn việc làm cho lao động (ảnh chụp buổi tư vấn việc làm cho lao động ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy). Ảnh: QUẾ NGÂN

Đồng chí Lý Văn Cẩm cho biết, đối với nghề phi nông nghiệp như may, sửa chữa máy may, cơ khí, đan lát… người lao động được giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp hoặc nhận gia công hàng cho các cơ sở sản xuất nên có việc làm ổn định. Đối với nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, sản phẩm mới không nhiều, chủ yếu giúp người lao động giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Qua tổ chức dạy kỹ thuật nông nghiệp cho lao động nông thôn, người dân đã biết lựa chọn giống, theo dõi, phòng bệnh nên hạn chế được dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Những trường hợp thuộc diện khó khăn, số lao động này sau khi học nghề sẽ được tạo điều kiện vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, tạo việc làm.

Qua khảo sát, đánh giá đối với lao động nông thôn đã tốt nghiệp sau 1 năm, tỷ lệ lao động đã có việc làm đạt hơn 85%. Thu nhập tăng thêm với mức khoảng 750.000 đồng/tháng/hộ đối với lao động học kỹ thuật nông nghiệp; 1,5 triệu đồng/tháng/lao động đối với lao động học nghề phi nông nghiệp vì đa số chỉ tận dụng thời gian nông nhàn, số làm việc ở các doanh nghiệp còn ít.

Trong năm 2022, tỉnh Tiền Giang đã có thêm trên 1.000 hộ được công nhận thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,27% so tổng số hộ toàn tỉnh. Năm 2023, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phấn đấu kéo giảm thêm 0,2% số hộ nghèo so với năm 2022, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống mức 1,07% so tổng số hộ nghèo trong tỉnh.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong năm 2023, tỉnh Tiền Giang đưa ra nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ hộ nghèo đa dạng hóa các mô hình sinh kế phù hợp với đặc thù từng vùng, từng địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với đó, địa phương quan tâm tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo cũng chính là giúp họ có cơ hội tiếp cận với nhiều dịch vụ hiện đại, có được kỹ năng, nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, từ đó có được việc làm ổn định, thu nhập tăng lên.

Giai đoạn 2021 - 2025, Tiền Giang đề ra mục tiêu sẽ hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp dưới 3 tháng cho 20 ngàn lao động và chú trọng các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật; đào tạo nghề nghiệp cho 7.500 sinh viên trình độ cao đẳng, 14.700 học sinh trình độ nghề trung cấp.

Tỉnh cũng tạo điều kiện để các trường cao đẳng, trung cấp liên kết với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đào tạo nhiều ngành nghề trình độ trung cấp, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất các trung tâm và thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau trung học nhằm phục vụ công tác đào tạo nghề nông thôn.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Tiền Giang tiếp tục rà soát, cập nhật các chương trình đào tạo nghề theo yêu cầu của công nghệ mới, quy trình sản xuất mới; xây dựng các chương trình đào tạo nghề phù hợp theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đồng thời yêu cầu các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn triển khai đào tạo nghề phù hợp từng lĩnh vực.

Cụ thể, đối với lĩnh vực phi nông nghiệp, cần quan tâm khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và nhu cầu về kỹ năng nghề của người lao động để đào tạo đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp cũng như đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, yêu cầu việc đào tạo nghề cho lao động phải hướng đến phục vụ sản xuất ứng dụng công nghệ cao và tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa…

HỮU NGHỊ

.
.
.