Chủ Nhật, 10/09/2023, 18:54 (GMT+7)
.

Huyện Gò Công Đông: Xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với giảm nghèo bền vững

(ABO) Sau khi ra mắt huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2020, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang tiếp tục tập trung huy động nguồn lực xây dựng huyện NTM nâng cao, phấn đấu ra mắt vào năm 2024. Trong đó, huyện xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM nâng cao.

Huyện Gò Công Đông thực hiện xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Huyện Gò Công Đông thực hiện xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Nhờ thực hiện đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nên khi ra mắt huyện NTM, tính đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 55,77 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo trên địa bàn các xã giảm còn 1.061 hộ, chiếm 2,77%.

Để phát huy hơn nữa kết quả đó, tiến tới xây dựng huyện NTM nâng cao, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; trong đó, chú trọng tập trung huy động sức dân, phát huy tinh thần đoàn kết, coi công tác xóa khó, giảm nghèo gắn với xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Cụ thể, huyện tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; trong đó, tập trung chuyển đổi đất sản xuất lúa hiệu quả thấp sang trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao.

Theo Trường phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, qua thời gian, huyện đã thực hiện cắt vụ được 29.000 ha, chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 1.700 ha.

Trong đó, thanh long là cây trồng được lựa chọn nhiều nhất của huyện. Hiện diện tích thanh long toàn huyện là 238 ha; trong đó, thanh long ruột đỏ là 236 ha, chiếm 99% tổng diện tích thanh long của huyện với sản lượng đạt hơn 5.900 tấn/vụ.

Qua đối chiếu năng suất, hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích, lợi nhuận của thanh long cao gấp 3 - 5 lần so với trồng lúa. Diện tích thanh long trên địa bàn huyện được chứng nhận VietGAP hiện nay là 21 ha và đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 68,75 ha, sang thị trường Mỹ là 10,95 ha.

Chăn nuôi trên địa bàn huyện Gò Công Đông được đầu tư phát triển theo hướng bán công nghiệp với quy mô trang trại vừa và nhỏ.
Chăn nuôi trên địa bàn huyện Gò Công Đông được đầu tư phát triển theo hướng bán công nghiệp với quy mô trang trại vừa và nhỏ.

Hiện nay, địa phương vẫn tiếp tục vận động, khuyến khích người dân tiếp tục duy trì tái chứng nhận VietGAP và mở rộng diện tích đạt chứng nhận VietGAP để tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện cũng được đầu tư phát triển theo hướng bán công nghiệp với quy mô trang trại vừa và nhỏ.

Ngành Chăn nuôi hiện chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện. Đến nay, huyện có trên 15.000 con heo, 5.299 con bò và 1.455.000 con gia cầm lấy trứng và thịt mỗi năm.

Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật ngày càng đồng bộ, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng tập trung và bền vững.

Cùng với đó, huyện luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thành lập và hoạt động để thu hút lao động, tạo thêm việc làm cho lao động.

Từ đầu năm đến nay, huyện đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo dạy nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng cho lao động nông thôn trên lĩnh vực nông nghiệp (7 lớp, với 208 học viên); trên lĩnh vực phi nông nghiệp (6 lớp, có 195 học viên).

Bên cạnh đó là giải quyết việc làm cho 815 lao động có nhu cầu tìm việc làm theo nguyện vọng; tổ chức đưa 17 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Qua hơn 2 năm xây dựng NTM nâng cao, nhờ chủ động thực hiện các giải pháp trong Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và các chính sách an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo của huyện tiếp tục giảm.

Đến nay, toàn huyện còn 422 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,09%. Thu nhập bình quân đầu người hơn 60 triệu đồng/người/năm.

Thực tế cho thấy, thoát nghèo đã khó, thoát nghèo bền vững lại càng khó hơn. Đặc biệt là khi yêu cầu xây dựng NTM nâng cao lại càng cao hơn.

Do đó, trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững tiến tới xây dựng huyện NTM nâng cao, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững huyện tiếp tục xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Gò Công Đông Phạm Hồng Phúc cho biết: “Thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu UBND huyện tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các chính sách, chủ trương của Đảng trong công tác giảm nghèo để góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo.

Đồng thời, có hướng dẫn các xã thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Đơn vị sẽ tiếp nhận sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách, nguồn vốn vận động từ cộng đồng để hỗ trợ cho các hộ nghèo.

Đặc biệt là tham mưu UBND huyện thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động là người nghèo, giúp họ có cuộc sống ổn định, nâng cao thu nhập”.

Có thể thấy, việc lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo thoát nghèo bền vững, không còn xảy ra trường hợp tái nghèo.

Đồng thời, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần thúc đẩy các hộ nghèo còn lại ý thức và tự lực vươn lên thoát nghèo.

HẢI QUÂN - Ý PHƯƠNG

.
.
.