Kết quả kiểm toán phòng chống tham nhũng còn chưa tương xứng
Qua thẩm tra báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), có ý kiến tại Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng với quy mô, phạm vi kiểm toán khá rộng, nhưng kết quả kiểm toán phòng chống tham nhũng của KTNN chưa tương xứng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 26 |
Sáng 12-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 26. Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Tổng hợp kết quả kiểm toán đối với 61 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN cho biết đã kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 980 tỷ đồng, giảm chi NSNN 2.234 tỷ đồng; kiến nghị khác 7.409 tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự phiên họp |
Đồng thời, KTNN cũng kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Báo cáo một số kết quả kiểm toán chủ yếu, KTNN nêu, một số đơn vị còn sử dụng xe ô tô vượt quy định. Cụ thể, tính đến ngày 31-12-2022, một số đơn vị trực thuộc Bộ Công thương đang quản lý sử dụng xe vượt 109 xe (trong đó 93 xe hư hỏng không còn sử dụng được). Bộ Công thương cũng chưa thực hiện việc chuyển từ giao đất sang thuê đất để kê khai và nộp tiền thuê đất. Bộ Tư pháp chưa phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục liên quan về nộp tiền thuê đất theo quy định đối với các đơn vị công lập tự chủ tài chính.
Đáng lưu ý, một số chi nhánh thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội có tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh cao gấp nhiều lần so với số bình quân chung của hệ thống, kéo dài nhiều năm nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội chưa có biện pháp hiệu quả để khắc phục; cho vay sai đối tượng, vượt hạn mức.
Các đại biểu phiên dự họp |
Qua thẩm tra báo cáo của KTNN, có ý kiến tại Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng với quy mô, phạm vi kiểm toán khá rộng, nhưng kết quả kiểm toán phòng chống tham nhũng của KTNN chưa tương xứng. So với cùng kỳ năm 2022, số kiến nghị sửa đổi, bổ sung ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tương đương cùng kỳ năm trước (năm 2022 kiến nghị 102 văn bản). Tuy nhiên, số kiến nghị xử lý về tiền 8 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng 20,6% cùng kỳ năm 2021 và 48,7% cùng kỳ năm 2022.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị KTNN cần đánh giá làm rõ nguyên nhân kết quả này là do các bộ, ngành, địa phương năm 2022 đã không còn vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN, tài chính công, tài sản công, hay do số cuộc kiểm toán năm 2023 giảm so với các năm trước?
Cơ quan thẩm tra cũng nêu câu hỏi, liệu có phải việc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2023 đã lựa chọn các chuyên đề, các cuộc kiểm toán không phù hợp, không lựa chọn kiểm toán các đối tượng có nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN, tài chính công, tài sản công; có hay không trường hợp các đơn vị kiểm toán/các đoàn kiểm toán loại trừ các vấn đề phức tạp hoặc có sai phạm không tổ chức kiểm toán?
Theo sggp.org.vn