Tiền Giang: Công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng trong rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2023
UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025. Việc rà soát bắt đầu từ tháng 9 và hoàn thành vào cuối tháng 11-2023.
XÁC ĐỊNH ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG
Mục đích của việc rà soát nhằm xác định và lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đến thời điểm cuối năm 2023, để làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo hằng năm của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu công tác rà soát phải đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng, có sự tham gia của người dân trong quá trình rà soát; xác định được số hộ thoát nghèo, tái nghèo, nghèo mới phát sinh trên địa bàn từng ấp, khu phố.
Kết thúc cuộc rà soát, từng địa phương phải xác định chính xác số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để theo dõi, quản lý, báo cáo cấp trên phê duyệt, công nhận. Đảm bảo thời gian kết thúc việc rà soát để lập danh sách mua bảo hiểm y tế kịp thời, đúng đối tượng, tránh trùng lắp hoặc bỏ sót.
Huyện Cai Lậy tổ chức giám sát công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 tại xã Phú Cường. Ảnh: QUẾ NGÂN |
Việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm nay sẽ thực hiện theo phương pháp khảo sát thu thập thông tin của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo đảm phù hợp với chuẩn nghèo theo quy định tại Điều 3 Nghị định 07 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.
Chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác năm 2024.
Theo Kế hoạch 80 ngày 8-3-2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, Tiền Giang phấn đấu đến cuối năm 2023, toàn tỉnh sẽ giảm 1.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 giảm xuống còn 1,07% so với số hộ toàn tỉnh. |
Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 được quy định cụ thể gồm chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên; chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiểu hụt từ 3 chỉ số đo lường múc độ thiểu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều gồm tiêu chí thu nhập; tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Các dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ), gồm: Việc làm; y tế, giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; tiếp cận thông tin.
Trong đó, các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm có việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
ĐẢM BẢO TIẾN ĐỘ THỜI GIAN
Cùng với yêu cầu về độ chính xác của đối tượng, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương và đơn vị có liên quan thực hiện rà soát đảm bảo đúng quy định về quy trình thực hiện cũng như tiến độ về thời gian.
Về quy trình, phải thực hiện đúng theo quy định tại Điều 4 Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025.
Quy trình bao gồm 5 bước: Lập danh sách hộ gia đình cần rà soát; tổ chức rà soát, phân loại hộ gia đình; tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát; niêm yết, thông báo công khai; báo cáo, xin ý kiến của Chủ tịch UBND cấp huyện.
Thời gian thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 sẽ thực hiện theo tiến độ: Đến cuối tháng 8-2023 thành lập Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo các cấp; xây dựng kế hoạch rà soát; thành lập Tổ giám sát cấp huyện; thành lập Tổ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp xã; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ giám sát các cấp huyện, xã và lực lượng rà soát viên.
Từ tháng 9 đến tháng 10, cấp xã thực hiện rà soát, báo cáo bằng văn bản, gửi Chủ tịch UBND cấp huyện về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; tổng hợp, báo cáo kết quả rà soát chính thức về cấp huyện. Từ ngày 1 đến 10-11, Ban Chỉ đạo cấp huyện có ý kiến trả lời bằng văn bản kết quả rà soát của các xã, tổng hợp, báo cáo kết quả rà soát trên địa bàn huyện về Ban Chỉ đạo.
Từ ngày 11 đến 15-11, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổng hợp, báo cáo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 về UBND tỉnh và Bộ LÐTB&XH. Từ ngày 16 đến 30-11, Ban Chỉ đạo tỉnh tổng hợp báo cáo UBND tỉnh thông qua kết quả rà soát, báo cáo Bộ LÐTB&XH.
THỦY HÀ