Thứ Năm, 21/09/2023, 17:52 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Triển khai Đề án Phòng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép

(ABO) Chiều 21-9, UBND tỉnh Tiền Giang triển khai Đề án Phòng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản (đất, cát, sỏi…) trái phép trên địa bàn tỉnh, vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh (gọi tắt là Đề án). Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì hội nghị.
 
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
 
Từ năm 2022 đến đầu tháng 3-2023, các ngành tỉnh, địa phương đã phối hợp, kiểm tra, xử lý, đồng thời mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra tập trung tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản; phát hiện 208 vụ vi phạm với 369 đối tượng khai thác cát trái phép, vận chuyển khoáng sản không hóa đơn, chứng từ với số tiền phạt trên 18 tỷ đồng, tịch thu 12 phương tiện và tang vật vi phạm là cát san lấp với hơn 7.500 m3 cát. 
 
Tuy nhiên, từ thực trạng cho thấy, tình hình khai thác, kinh doanh, vận chuyển trái phép khoáng sản (đặc biệt là cát lòng sông) vẫn còn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. Nguyên nhân là do hoạt động khai thác, kinh doanh cát trái phép hiện được đánh giá là siêu lợi nhuận nên nhiều đối tượng lợi dụng điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp để khai thác khoảng sản trái phép và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng, cố tình cung cấp thông tin không chính xác, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi bị phát hiện, xử lý hành vi khai thác khoáng sản trái phép, gây bức xúc trong nhân dân, làm phát sinh đơn thư phản ánh cũng như dư luận, báo chí trong thời gian qua.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại hội nghị triển khai Đề án.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại hội nghị triển khai Đề án.
 
Hiện nay, tài nguyên cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chủ yếu tập trung ở 2 nhánh sông chính là sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 thì trữ lượng cát có thể đầu tư khai thác đạt hiệu quả kinh tế là 50,3 triệu m3; lượng cát bổ cập hằng năm khoảng 6,4 triệu m3. Qua rà soát kết quả thăm dò, phê duyệt thì tổng trữ lượng cát trên địa bàn tỉnh còn lại khoảng 35 khu vực mỏ, trữ lượng khoảng 40,7 triệu m3
 
Dự báo nhu cầu sử dụng cát san lấp các công trình đầu tư công trọng điểm các khu, cụm công nghiệp và các công trình, dự án, nhu cầu của nhân dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2030 với tổng khối lượng khoảng hơn 27 triệu m3.
 
Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội nghị.
Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội nghị.
 
Đề án đã đề ra các giải pháp cụ thể và phân công nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương. Trong Đề án có nội dung sẽ công khai việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi để lộ lọt thông tin, tiếp tay, bao che, làm lơ để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý…
 
Hội nghị đã triển khai các Quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn khu vực biên giới, vùng biển của tỉnh; kiện toàn Tổ công tác liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
 
 
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị các ngành, các cấp căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án. Đồng thời, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thực hiện liên tục và thường xuyên. Tổ công tác liên ngành xây dựng kế hoạch để mở từng đợt cao điểm thực hiện Đề án. Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp và công bố đường dây nóng để nhân dân biết và tố giác kịp thời các hoạt động khai thác, tập kết khoáng sản trái phép trên địa bàn; có trách nhiệm bảo vệ người tố giác theo quy định của pháp luật…
VĂN THẢO
 
.
.
.