Bà Lê Ngọc Thu suốt đời nhớ lời má dặn
Phóng viên Báo Ấp Bắc 2 lần được gặp gỡ và kịp ghi lại những lời tâm sự, chia sẻ của bà Lê Ngọc Thu về người mẹ của mình - đồng chí Nguyễn Thị Thập.
Trong những năm kháng chiến giành độc lập, việc được gặp má - đồng chí Nguyễn Thị Thập - là niềm mong ước lớn đối với bà Lê Ngọc Thu. Những lần được gặp má, bà Thu đều cho đó là món quà ân tình quá lớn mà cuộc đời dành cho bà.
Bà Lê Ngọc Thu kể lại những kỷ niệm về má Thập với phụ nữ TP. Hồ Chí Minh và phụ nữ Tiền Giang tại Nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập. |
Mỗi khi nhắc về má, trong bà lại dâng lên niềm tự hào, tôn kính. “Tôi có 3 anh em, anh hai tôi Lương Quang Thuận hy sinh trong kháng chiến chống Pháp năm 1954; em trai tôi Lê Văn Quang hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ năm 1967.
Tôi sinh năm 1938, từ nhỏ ở với bà nội, đến 13 tuổi được đón về Tỉnh đội Tiền Giang. Cuối năm 1952, trước khi má ra Bắc, tôi được đưa về cơ quan Hội Phụ nữ Nam bộ gặp má. Nghe má nói về C.Mác, Ph.Ăng-ghen… là những người cách mạng của giai cấp vô sản trên toàn thế giới. Tôi thấy sao mà vĩ đại quá đối với một đứa trẻ chưa hiểu chuyện như tôi lúc bấy giờ”, bà Thu nhớ lại.
Năm 1953, đồng chí Nguyễn Thị Thập được lệnh ra Bắc, để đứa con gái ở lại cho các chị em trong Hội Phụ nữ Nam bộ chăm sóc, dạy bảo. Các cô trong Hội Phụ nữ khi ấy như cô Tư Định, cô Hai Được đã động viên thiếu nữ Lê Ngọc Thu đi học văn hóa cấp 2. “Khi đó, các cô biết thế nào tôi cũng không chịu đi học vì phải học chung với mấy anh giao liên.
Trong suy nghĩ non nớt và háo thắng của tôi khi ấy, là má mình làm lớn mà mình lại phải đi học với mấy người nhân viên, thì tôi không chịu. Ai nói gì cũng không chịu. Với lại, lúc ấy, tôi nghĩ mình chỉ đánh máy, viết phong bì, in ấn, thì học nhiều làm gì”, bà Thu kể.
Lúc bấy giờ, để thuyết phục bà Thu tới lớp học văn hóa phải nhờ đến bà Nguyễn Thị Sáu, phu nhân của nhà chí sĩ cách mạng Nguyễn An Ninh (mọi người thường gọi là bà Nguyễn An Ninh). Bà Thu cũng gọi bà Nguyễn An Ninh bằng má. “Chiều hôm đó, má Nguyễn An Ninh nói: Tối nay mấy đứa chuẩn bị cho má cây bút và cuốn tập để chiều nay má học. Tôi nói: Ủa, má cũng đi học hả má? Má nói: Phải học có trình độ cao mình mới phục vụ Đảng, phục vụ Nhà nước, nhân dân được nhiều hơn. Tôi liền nói: Vậy má học thì con cũng học. Từ đó trở đi tôi mới chịu đi học”, bà Thu kể lại.
Bà Thu nhớ lại và kể cho chúng tôi nghe mà đến giờ bà vẫn còn mắc cỡ với câu nói của má Thập: “Hiệp định đình chiến năm 1954, má quay trở về Nam. Mấy cô trong Hội Phụ nữ đã kể với má về việc tôi không chịu đi học. Má gặp tôi và hỏi: Con ở nhà thế nào? Má nghe nói con làm tốt, chịu khó, nhưng lại không chịu đi học. Con nghĩ con đã làm gì cho Đảng, cho Nhà nước mà đòi là “công thần”? Má bao năm liền đi làm việc mà vẫn còn cảm thấy chưa đủ. Con hãy tự suy nghĩ đi. Câu nói của má khiến tôi thấy mắc cỡ với má, với mọi người rất nhiều. Bắt đầu từ đó, tôi đã thấu hiểu được mọi lẽ ở đời”.
Cũng năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn chịu sự đàn áp của giặc. Các cơ quan Nam bộ phải chia ra, xuống nông thôn, ra thành thị, một số ra Bắc. Bà Thu được diện đi ra Bắc, nhưng bà xin ở lại. Bà Thu kể tiếp: “Cô Tư Định gọi tôi lên nói: Việc ở lại này ác liệt lắm, nguy hiểm lắm, bị bắt, tù đày, đánh đập dã man lắm; con phải đi ra Bắc để được học.
Ra Bắc con được gần má, được gặp Bác Hồ. Tôi nói: Con biết, nhưng mà con thích ở lại, vì con đi kháng chiến mà chưa được rèn luyện trong lửa đạn, đây là cơ hội của con. Con từng nghe nói là mình làm tròn nghĩa vụ với Đảng, với dân thì “Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng. Lòng khỏe nhẹ, anh dân quê sung sướng. Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành”. Con muốn như vậy, con làm tròn nhiệm vụ mà Đảng giao, con có bị đánh trọc da lưng như cô Tư, con cũng chịu”.
Trong ký ức và dòng hồi tưởng về má Nguyễn Thị Thập, bà Thu đã đọc bài thơ “Thương mẹ” được viết năm 1967 khi hay tin em trai hy sinh tại Tây Ninh. Bài thơ có đoạn: “Giữa mùa thu, một ngày thu u uất/ Đôi mắt mẹ già đẫm lệ khóc thương con/ Bên đất lửa quân thù cướp mất… Chiều hôm nay mưa rơi tầm tã/ Giữa đêm trường gió rét lạnh từng cơn/ Con lắng nghe tiếng lặng thầm thủ thỉ/ Thương mẹ già mà lệ đẫm đôi mi/ Mẹ yêu ơi, mỗi bước đi cùng Tổ Quốc/ Có máu xương người ruột thịt thương yêu/ Hướng vầng dương mẹ đi không dừng bước/ Chúng con đây, con của mẹ bước theo mau!”.
Sau ngày giải phóng, bà Thu là giáo viên công tác tại trường trung học phổ thông, sau chuyển về Sở Giáo dục TP. Hồ Chí Minh cho đến ngày nghỉ hưu, hiện bà sống tại quận 4, TP. Hồ Chí Minh. Dù không được bên cạnh má nhiều, nhưng những lời má Thập dạy vẫn trở thành mệnh lệnh để bà Thu sống và làm nhiệm vụ sau này. Phong cách lãnh đạo, cách dạy con đã ăn sâu, hình thành lẽ sống của bà Thu. Gần 90 tuổi, bà Thu vẫn lấy những lời dạy đó làm lẽ sống và giáo dục con cháu.
MỸ PHƯƠNG