Để gia đình luôn là tổ ấm
Thời gian qua, các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực trong thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Tuy nhiên, trong thực tế bình đẳng giới vẫn đứng trước nhiều thách thức định kiến về giới còn tồn tại và bất bình đẳng giới cũng được coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu của nạn bạo lực gia đình.
Tiểu phẩm truyền thông tuyên truyền giáo dục về bình đẳng giới. |
Từ những thực tế trên, thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trên địa bàn tỉnh đã giữ vững vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới. Thông qua các phong trào, hoạt động đã giải quyết những vấn đề thiết thực, chăm lo cho phụ nữ.
Hội còn giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Bên cạnh đó, các cấp Hội LHPN đã linh động, sáng tạo tuyên truyền vận động mọi người cùng tham gia xây dựng các mô hình “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc”, Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng… nhằm góp phần hiện thực hóa bình đẳng giới, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em; hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Đặng Thị Ngọc Diệp cho biết: “Hội LHPN tỉnh Tiền Giang hiện đang phối hợp với Tổ chức Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam để triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ thiết yếu cho phụ nữ bị bạo lực và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng Covid-19. Hoạt động truyền thông là một trong những nội dung của Dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư ở Tiền Giang”, nhằm nâng cao nhận thức các vấn đề liên quan đến phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới...”. |
Để nâng cao nhận thức cho phụ nữ, nam giới, trẻ em gái, trẻ em trai và người dân hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, truyền thông sâu rộng cho hội viên, phụ nữ và nam giới về thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng ngừa, ứng phó mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới, chuyển đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới.
Vừa qua, Ban Quản lý Dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư ở Tiền Giang” (gọi tắt là Ban quản lý Dự án) đã có buổi truyền thông với chủ đề “Làm người tiên phong và vận động cho bình đẳng giới”, qua đó thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; phòng, chống bạo lực, bạo lực trên cơ sở giới.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Đặng Thị Ngọc Điệp, Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án cho biết, sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự vào cuộc, tham gia, hưởng ứng của các tổ chức, tập thể, cá nhân trong xã hội, nhất là vai trò tiên phong của nam giới. Để thúc đẩy bình đẳng giới, hướng đến một xã hội văn minh, tiến bộ và phát triển bền vững, các cấp Hội LHPN tỉnh đã có các giải pháp đổi mới và truyền thông sáng tạo.
Đặc biệt là quan tâm tuyên truyền các hình mẫu của phụ nữ và nam giới trong vai trò lãnh đạo, đề cao trách nhiệm của nam giới trong đóng góp bình đẳng tại nơi làm việc cũng như ở gia đình, cùng chăm sóc gia đình, chia sẻ việc nhà với chị em phụ nữ... Sự tham gia đồng hành của nam giới sẽ góp phần thay đổi những định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương, gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.
Tham gia buổi truyền thông, ông Trần Văn Xuân (ấp Tân Phú 2, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo) chia sẻ: “Muốn giữ được bình đẳng giới thì chính người chồng, người cha phải là người đi đầu, tiên phong làm điều đó. Bản thân phải xem vợ mình như một người bạn, luôn đồng hành chia sẻ để giảm áp lực cuộc sống trong gia đình. Nếu vợ sai thì góp ý, xây dựng lúc thích hợp; lớn tiếng cũng chỉ làm vợ, con tổn thương, nóng giận sẽ gây mất hòa nhiều hơn”.
Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về bình đẳng giới, các cấp Hội LHPN của tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền với nhiều hình thức, đặc biệt là thông qua hình thức truyền thông bằng kịch nói kết hợp lời hát sinh động…
Qua đó, công tác bình đẳng giới đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức nhằm thúc đẩy người dân thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ tạo điều kiện để phụ nữ tham gia tích cực công tác xã hội, quản lý nhà nước và thực hiện bình đẳng giới, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh.
HÀ NAM