.
HẠN, MẶN MÙA KHÔ NĂM 2023 - 2024:

Chủ động từ sớm, ứng phó từ xa

Cập nhật: 09:26, 02/10/2023 (GMT+7)

Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm (TBNN), do đó các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, Tiền Giang nói riêng đang chủ động triển khai các giải pháp để ứng phó hạn, mặn.

MẶN SẼ ĐẾN SỚM

Theo Cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), qua nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo trạng thái El Nino tiếp tục duy trì đến tháng 2-2024 với xác suất 85% - 95%. Dự báo, tổng lượng mưa tháng tháng 10-2023 ở khu vực Nam bộ phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN; tháng 11, 12-2023 thấp hơn từ 10% - 20% so với TBNN; tháng 1, 2-2024 có xu hướng thấp hơn TBNN và ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa trong thời kỳ này.

Các cống ngăn mặn tại đầu các kinh rạch trên đường tỉnh 864 đã sẵn sàng ngăn mặn, trữ ngọt.
Các cống ngăn mặn tại đầu các kinh rạch trên đường tỉnh 864, tỉnh Tiền Giang đã sẵn sàng ngăn mặn, trữ ngọt.

Đến thời điểm hiện tại, lượng nước trữ điều tiết của các hồ chứa trên lưu vực mới đạt 33,8 tỷ m3, chiếm 51,5% tổng dung tích hữu ích của các hồ. Với điều kiện thời tiết và thủy văn như nhận định, dự báo dòng chảy mùa kiệt năm 2023 - 2024 thuộc nhóm năm ít nước, diễn biến xâm nhập mặn khó lường, phụ thuộc vào vận hành của các hồ thủy điện trên lưu vực.

Đáng chú ý, các hồ thượng nguồn khả năng kéo dài tích nước đến cuối năm 2023; giai đoạn đầu mùa khô tháng 12-2023 đến tháng 3-2024 có thể xả nước hạn chế. Vì vậy, dòng chảy kiệt thấp làm tăng nguy cơ mặn có thể xuất hiện sớm. Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn so với TBNN, một số thời điểm tương đương năm 2015 - 2016, 2019 - 2020.

Tại Hội nghị sơ kết sản xuất vụ hè thu, thu đông, vụ mùa năm 2023 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024 tại khu vực ĐBSCL do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây tại TP. Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung yêu cầu trong vụ đông xuân sắp tới, các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ, các địa phương tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống đúng theo kế hoạch, nhất là phần diện tích xuống giống sớm ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL để tránh hạn, mặn có thể xảy ra.

Đồng thời, cần theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra; bố trí nguồn lực để nạo vét kinh, mương, kiểm tra và gia cố các tuyến đê bao, bờ bao, các cửa cống ngăn triều cường, mặn và có kế hoạch vận hành các cống ngăn triều kịp thời.

Một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, mặn; kịp thời ứng phó khi có hạn, mặn thiếu nước tưới xảy ra vào mùa khô; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; nhân rộng các mô hình hiệu quả cao trong sản xuất…

Cụ thể, tại vùng các cửa sông Cửu Long, tháng 11, 12-2023, ranh mặn 4 g/l vào sâu khoảng 25 - 30 km, chưa ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi. Tháng 1, 2-2024, ranh mặn 4 g/l vào sâu từ 55 - 65 km, cao hơn 10 - 15 km so với TBNN, so với năm 2020 thấp hơn 5 - 12 km, so với năm 2016 thấp hơn 1 - 3 km. Phạm vi ảnh hưởng dự kiến vượt qua các công trình kiểm soát mặn, nhất là vào các kỳ triều cường, kết hợp gió mạnh.

Cũng theo Cục Thủy lợi, vụ đông xuân 2023 - 2024, trường hợp xâm nhập mặn như năm 2015 - 2016, vùng ven biển có khả năng xảy ra thiếu nước. Dự báo vùng ảnh hưởng khoảng 66.000 ha sản xuất nông nghiệp (Long An 5.600 ha, Tiền Giang 13.000 ha, Bến Tre 12.000 ha, Trà Vinh 15.000 ha, Sóc Trăng 20.000 ha).

Các diện tích khả năng bị ảnh hưởng trên phải có giải pháp canh tác phù hợp với tình hình nguồn nước, cần chủ động gieo cấy sớm tại các vùng không chủ động nguồn nước ngọt trong cả vụ. Đối với vùng cây ăn trái, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến 4 tỉnh với tổng diện tích gần 43.300 ha gồm: Long An 3.100 ha, Tiền Giang 21.800 ha, Bến Tre 16.000 ha, Sóc Trăng 3.400 ha.

Các vùng này cần tích trữ nước tối đa vào các mương liếp, ao chứa và các dụng cụ chứa nước nhằm chủ động nguồn nước tưới khi xảy ra các đợt mặn xâm nhập sâu, nồng độ mặn trên hệ thống sông, kinh cao hơn sức chịu mặn của cây ăn trái.

TIỀN GIANG CHỦ ĐỘNG

Ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương phía Đông tiếp tục tuyên truyền nông dân cắt vụ lúa thu đông để vụ lúa động xuân không bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đề nghị các địa phương phía Đông của tỉnh tiếp tục tuyên truyền nông dân cắt vụ lúa thu đông để vụ lúa động xuân không bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, kế hoạch vụ đông xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh xuống giống 44.760 ha lúa. Dự kiến, các địa phương thuộc vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công và các huyện Cái Bè, Cai Lậy, TX. Cai Lậy và một phần huyện Châu Thành, Tân Phước sẽ tập trung xuống giống chậm nhất trong đầu tháng 11-2023; một phần huyện Tân Phước và Châu Thành còn lại tập trung xuống giống từ ngày 20-12 đến ngày 30-12.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, hiện nay, nhiều nông dân tại các huyện phía Đông không tuân thủ khuyến cáo cắt vụ lúa thu đông dẫn đến vụ lúa đông xuân 2023 - 2024 có nguy cơ bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn. Trước dự báo mặn mùa khô năm 2023 - 2024 sẽ đến sớm và xâm nhập sâu vào nội đồng, đối với những diện tích đã gieo sạ vụ lúa thu đông, sau khi thu hoạch xong, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương khuyến cáo nông dân chuyển sang trồng rau màu hoặc không gieo sạ vụ đông xuân.

Đối với cây ăn trái, để giảm ảnh hưởng của hạn, mặn, ngành Nông nghiệp khuyến cáo thực hiện rải vụ khoảng 4.750 ha. Để bảo vệ các vườn cây ăn trái, tỉnh cùng các địa phương sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, ứng phó với hạn, mặn, không chủ quan. Cụ thể, ngành Nông nghiệp sẽ theo dõi và kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên sông Tiền và phối hợp theo dõi diễn biến mặn từ cửa sông Hàm Luông xâm nhập qua sông Tiền để thông tin trên rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân chủ động tích trữ nước ngọt trong mương vườn, ao... sử dụng các hệ thống tưới tiết kiệm nước và giữ vệ sinh nguồn nước; khuyến cáo áp dụng các giải pháp kỹ thuật phòng, chống hạn, mặn. Về giải pháp công trình, tỉnh sẽ tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời các công trình ngăn mặn theo phân cấp quản lý; củng cố hệ thống đê bao ngăn lũ, ngăn triều cường có sẵn; tổ chức đắp đập nhằm ngăn mặn, trữ ngọt.

Đồng thời, phối hợp Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Long An tổ chức vận hành công trình hợp lý; kiểm soát ngăn mặn triệt để từ hướng sông Vàm Cỏ Tây. Một trong những giải pháp quan trọng là đóng ngăn mặn cống Nguyễn Tấn Thành.

Dự kiến, cống này sẽ lắp đặt cửa trước Tết Nguyên đán để ngăn mặn; trường hợp không đảm bảo tiến độ, tỉnh sẽ đề nghị Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 có phương án đảm bảo ngăn mặn, không để mặn xâm nhập vào phía bên trong.

Hiện nay, tỉnh đã triển khai hoàn thành 6/6 cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch trên đường tỉnh 864. Khi độ mặn trên sông Tiền tại Vàm kinh Nguyễn Tấn Thành vượt ngưỡng >1 g/l và có xu thế tiếp tục tăng, xâm nhập sâu vào nội đồng, ngành Nông nghiệp sẽ vận hành đóng 6 cống trên để ngăn mặn.

Cũng theo Sở NN&PTNT, ngoài những giải pháp trên, để bảo vệ vườn cây ăn trái, tỉnh sẽ tổ chức 8 điểm bơm chuyền để bổ cấp nguồn nước cho các khu vực của các xã: Song Thuận, Long Hưng, Kim Sơn, Phú Phong, Vĩnh Kim, Đông Hòa của huyện Châu Thành bị thiếu nước khi các cống, đập đóng ngăn mặn từ phía sông Tiền.

Trong trường hợp khi độ mặn trên sông Hàm Luông tại Vàm Mơn, huyện Chợ Lách, cách sông Tiền 9 km lên mức từ 1,5 - 2 g/l và có xu thế tiếp tục tăng, tỉnh sẽ đắp 3 đập thép ngăn mặn gồm: Trà Tân, Ba Rài, Phú An. Đồng thời, tổ chức vận hành các giếng khoan dự phòng để bổ sung nguồn nước tưới khi bị nhiễm mặn, thiếu nguồn nước ngọt.

T. ĐẠT

 

.
.
.