.

Hiệu quả từ một chương trình

Cập nhật: 09:30, 12/10/2023 (GMT+7)

Đó là Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” (gọi tắt Chương trình) được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh triển khai thực hiện 2 năm qua, đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong đoàn viên (ĐV), công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo khí thế thi đua sôi nổi chào mừng đại hội Công đoàn (CĐ) các cấp, Đại hội CĐ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI và Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

VƯỢT CHỈ TIÊU

Với sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp CĐ, của đông đảo ĐV, CNVCLĐ toàn tỉnh, kết thúc Chương trình, Tiền Giang có 16.745/11.400 sáng kiến được cập nhật lên phần mềm, đạt 146,89% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lê Minh Hùng trao Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng cho 1 tập thể  và 2 cá nhân đã có thành tích xuất sắc thực hiện Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lê Minh Hùng trao Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng cho 1 tập thể và 2 cá nhân đã có thành tích xuất sắc thực hiện Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”.

Theo thống kê từ Chương trình, tổng giá trị làm lợi của sáng kiến ước tính hơn 318,529 tỷ đồng, đã góp phần giúp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả công tác. LĐLĐ tỉnh xếp hạng thứ 22 cả nước và thứ 5 trong cụm thi đua LĐLĐ 12 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về thực hiện Chương trình.

Đặc biệt, ở giai đoạn 1 (tính đến 24 giờ ngày 31-5-2022), ĐV, người lao động tỉnh Tiền Giang đã cập nhật, đăng tải 6.263 sáng kiến, đạt 184,2% so với chỉ tiêu phấn đấu thực hiện giai đoạn 1, hoàn thành sớm hơn kế hoạch 32 ngày.

Để góp phần hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu Chương trình, LĐLĐ tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Tổ hỗ trợ sáng kiến cấp tỉnh gồm 5 đồng chí, phân công 2 đồng chí trong Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động của LĐLĐ tỉnh thường trực thực hiện nhiệm vụ quản trị hệ thống.

Định kỳ hằng tuần, hằng tháng vào phê duyệt xác định tính hợp lệ của sáng kiến, trích xuất dữ liệu kết quả cập nhật sáng kiến để thông tin đến các cấp CĐ được biết. Phân công Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh phụ trách LĐLĐ cấp huyện, CĐ cấp ngành, định kỳ hằng tháng họp báo CĐ khối huyện, ngành đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện; kịp thời tuyên truyền, giới thiệu những mô hình mới, cách làm hay tại cơ sở; phát động “Chiến dịch thi đua Tháng cao điểm” thực hiện Chương trình.

Qua đó, các sáng kiến được cập nhật tăng về số lượng và chất lượng, một số đơn vị đạt kết quả rất tích cực, có số lượng sáng kiến vượt cao so với chỉ tiêu LĐLĐ tỉnh giao, cụ thể như: CĐ ngành Giáo dục đạt 380%; CĐ ngành Y tế đạt 181,36%; CĐ các Khu công nghiệp tỉnh đạt 169,86%; LĐLĐ TP. Mỹ Tho đạt 163,84%, huyện Châu Thành đạt 158,33%; CĐ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 145,71%...

Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tiêu biểu có Công đoàn cơ sở (CĐCS) của các doanh nghiệp như Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam 1.489 sáng kiến, Công ty TNHH Nissei Electric Mỹ Tho 81 sáng kiến, Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng 75 sáng kiến, Công ty Cổ phần May Công Tiến 73 sáng kiến… của công nhân, lao động được cập nhật lên Chương trình.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lê Minh Hùng cho biết, Chương trình là giải pháp hiệu quả, góp phần cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chương trình còn góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ĐV, CNVCLĐ qua việc phát huy sáng kiến, sáng tạo; trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, tổ chức CĐ Việt Nam.

Nhiều sáng kiến được ứng dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp, công tác của cơ quan, đơn vị. Nhiều doanh nghiệp quan tâm, ủng hộ, có các chế độ ưu đãi, khen thưởng cho ĐV, công nhân, lao động phù hợp với giá trị làm lợi được ứng dụng từ các sáng kiến tham gia Chương trình.

ĐỒNG HÀNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

Các cấp CĐ căn cứ tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh, đề xuất và chủ động phối hợp với chuyên môn đồng cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động đồng hành thực hiện Chương trình.

Bằng các nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật, các chế độ, chính sách động viên khen thưởng người lao động có sáng kiến hiệu quả, nhân rộng các sáng kiến có giá trị làm lợi cao, tác động lớn, tầm ảnh hưởng rộng. Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng các tập thể, cá nhân tích cực hưởng ứng, tham gia Chương trình với nhiều sáng kiến.

Anh Nguyễn Văn Bé Ba, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Dụ Đức (Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành) cho biết, nhằm khích lệ động viên ĐV, công nhân, lao động hăng hái tham gia Chương trình, có nhiều ý tưởng sáng tạo trong lao động sản xuất, công ty xét khen thưởng, tặng Giấy khen hằng tháng cho công nhân ưu tú “Đã phát huy ý tưởng cải thiện để loại bỏ lãng phí”; trao Giải “Ý tưởng hay nhất”, đoạt “Giải Cống hiến” cho công nhân có thành tích xuất sắc trong tháng.

Chị Lê Thị Ngọc Hân, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước) cho biết, công ty xét khen thưởng cho công nhân, lao động khi có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả, đối với sáng kiến làm lợi dưới 3 triệu đồng sẽ được tặng 1 phiếu đổi quà; trên 3 triệu đồng sẽ thưởng 50%/tổng giá trị làm lợi cho người đề xuất và 50% còn lại thưởng cho các cá nhân trong Tổ sản xuất cùng tham gia thực hiện.

Hay Công ty Cổ phần May Công Tiến (TX. Gò Công) thưởng 50.000 đồng/sáng kiến đề xuất. Đối với sáng kiến làm lợi dưới 10 triệu đồng sẽ thưởng bằng tiền, trị giá 100.000 đồng/sáng kiến. Đối với sáng kiến làm lợi trên 10 triệu đồng cho đến 50 triệu đồng sẽ thưởng bằng tiền, trị giá 200.000 đồng đến 500.000 đồng/sáng kiến; còn trên 50 triệu đồng sẽ do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của công ty xét khen thưởng… Qua đó, tạo động lực khích lệ ĐV, công nhân, lao động công ty tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất.

Có thể nói, công tác phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động trong triển khai Chương trình và phát hiện, tôn vinh, khen thưởng đã có sự chuyển biến tích cực từ khi thực hiện đến khi kết thúc Chương trình.

Các cấp CĐ đã tranh thủ, tham mưu với lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp trong phát động, khen thưởng cho ĐV, CNVCLĐ tham gia thực hiện Chương trình. Bản thân ĐV, CNVCLĐ trong tỉnh đã nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Chương trình thật sự mang lại hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa lớn, với nhiều sáng kiến hay, thiết thực ra đời từ ĐV, CNVCLĐ, góp phần phát triển kinh - tế xã hội của tỉnh.

LÝ OANH

.
.
.