Thứ Tư, 25/10/2023, 15:46 (GMT+7)
.

Sạt lở nghiêm trọng ở xã Tân Phong và Xuân Đông: Cần được đầu tư và xử lý cấp bách

Cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) và xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo) đang xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến đời sống, sản xuất của người dân. Người dân nơi đây đang mong chờ được chính quyền đầu tư công trình kè chống sạt lở để được an cư.

SẠT LỞ UY HIẾP CÙ LAO TÂN PHONG

Những năm qua, tình hình sạt lở tại các cồn, cù lao trên sông Tiền diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng nhất là tại khu vực cù lao Tân Phong. Cấp bách đến nỗi, UBND tỉnh phải ban hành Quyết định 3640 công bố tình huống khẩn cấp sạt lở nguy hiểm.

Sạt lở đe dọa đường giao thông tại xã Xuân Đông.
Sạt lở đe dọa đường giao thông tại xã Xuân Đông.

Người dân nơi đây ngày ngày phải sống trong cảnh thấp thỏm trước nguy cơ sạt lở đe dọa đến đất đai, tài sản, tính mạng của gia đình. Ông Nguyễn Văn Tùng, chủ Điểm du lịch Năm On (ấp Tân Thiện, xã Tân Phong) cho biết, phần đất tiếp giáp sông Tiền của gia đình ông dài hơn 20 m. Đến nay, sạt lở đã ăn sâu vào hơn 10 m, làm mất khoảng 500 m2. Gia đình ông phải tự đầu tư kè bằng bê tông, nhưng sạt lở vẫn cứ ngày đêm ăn sâu vào trong.

“Đến nay, gia đình tôi đã 2 lần đầu tư bờ kè, nhưng đều bị sập. Tâm lý của gia đình đang hoang mang lắm. Hiện tôi phải chờ triển khai thi công bờ kè xong mới dám đầu tư để phát triển du lịch, còn không thì nguy cơ đổ sông, đổ bể” - ông Tùng lo lắng.

Tương tự, tại khu vực phía bờ Bắc đầu cù lao Tân Phong, sạt lở cũng đang liên tục tấn công vào vườn cây ăn trái của nhiều hộ dân. Ông Từ Thiện Xã (ấp Tân Thiện, xã Tân Phong) cho biết, thời gian qua, gia đình phải tự gia cố đê bao để chống sạt lở.

“Vào mùa gió Nam, sóng đánh mạnh vào đầu cù lao nên gây sạt lở rất nhiều. Bây giờ chỉ nhờ Nhà nước đầu tư kè chống sạt lở cho bà con nơi đây an tâm sản xuất. Ở đây, chúng tôi tối ngày cứ lo chống sạt lở, không có làm ăn gì được thành ra năng suất của vườn cây ăn trái cũng bị giảm” - ông Xã cho biết.

 

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Phong Nguyễn Văn Mười, tình hình sạt lở trên địa bàn xã Tân Phong hiện đang rất nghiêm trọng, nhất là đoạn phía Nam và phía Bắc đầu cù lao; nghiêm trọng nhất là bờ Nam từ bến phà Cái Bè - Tân Phong đến khu vực gần Điểm du lịch Năm On, sạt lở rất nghiêm trọng.

Sạt lở tại đoạn này đã ăn vào sâu khoảng 10 m. Người dân phải tự bỏ tiền gia cố để bảo vệ vườn cây ăn trái. Vừa qua, xã đã hỗ trợ bao để người dân vô đất, cát gia cố tạm thời. Tuy nhiên, về lâu dài đòi hỏi phải có vốn để xây dựng bờ kè, nhằm bảo vệ tốt vườn cây ăn trái trên địa bàn xã.

“Bây giờ chỉ có nguồn vốn Trung ương hỗ trợ mới có thể đầu tư bờ kè, chứ địa phương không có khả năng. Có những đêm, ngủ tới sáng dậy mất vài trăm mét đất là bình thường. Những hộ dân gần mé sông có tâm lý lo sợ đã kiến nghị HĐND các cấp xin vốn Trung ương để sớm đầu tư bờ kè cho người dân an tâm lao động, sản xuất” - đồng chí Nguyễn Văn Mười cho biết thêm.

Theo thống kê, hiện nay, khu vực cù lao Tân Phong có nhiều điểm sạt lở. Tuy nhiên, nghiêm trọng và cấp bách nhất là đoạn có chiều dài 450 m phía bờ Nam (từ bến phà Cái Bè - Tân Phong đến khu vực Điểm du lịch Năm On) và đoạn 800 m ở phía Bắc cù lao tiếp giáp với tuyến kè (đoạn 4) đang xây dựng.

VÀM KỲ HÔN SẠT LỞ NGHIÊM TRỌNG

Xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo) có rạch Kỳ Hôn thuộc kinh Chợ Gạo đi qua. Đây là tuyến vận tải đường thủy huyết mạch từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi TP. Hồ Chí Minh.

Theo thống kê, mỗi ngày đêm tuyến kinh này có khoảng 1.500 phương tiện thủy có tải trọng lớn từ 200 - 1.000 tấn qua lại. Tuy nhiên, hàng chục năm qua, sạt lở bờ đã làm kinh Chợ Gạo rộng thêm gấp 3 lần so với thời Pháp thuộc. Một số tuyến đường dọc kinh bị xóa sổ do các điểm sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 25 - 30 m.

Tính từ năm 2015 đến năm 2022, vàm Kỳ Hôn, xã Xuân Đông đã sạt lở ước tính 0,3 ha. Đường giao thông nông thôn đã được dời nhiều lần vào sâu bên trong đất liền, chiều sâu sạt lở hơn 7 m.

Ước tính, mỗi năm đường bờ bị lấn sâu do sạt lở hơn 1 m. Chính quyền địa phương cùng với người dân cũng đã nỗ lực đầu tư xây dựng các công trình tạm để chống sạt lở tại khu vực này, nhưng chỉ chống được trong thời gian ngắn, hiệu quả không cao.

Sạt lở nghiêm trọng tại phía bờ Nam cù lao Tân Phong.
Sạt lở nghiêm trọng tại phía bờ Nam cù lao Tân Phong.

Theo ghi nhận, đoạn đê từ bến phà Lộ Vàm đến cầu Chợ Gạo đang xây dựng (dài khoảng 500 m) là khu vực các tàu có tải trọng lớn qua lại rất nhiều. Các phương tiện hoạt động liên tục trong kinh gây xói lở mặt, uy hiếp trực tiếp bờ kinh, đe dọa an toàn đường giao thông nông thôn và khu dân cư.

Chỉ tay về phía con rạch Kỳ Hôn, ông Phan Văn Lắm (ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông) cho biết, trước đây, ngôi nhà của gia đình nằm tận phía ngoài kia (cách vị trí nhà hiện hữu khoảng 16 m). Tuy nhiên, sạt lở tấn công buộc gia đình ông phải di dời vào sâu bên trong.

Song sạt lở vẫn tiếp diễn và buộc gia đình ông phải di dời thêm một lần nữa. “Dù đã dời nhà 2 lần, nhưng giờ sạt lở vẫn tiếp tục uy hiếp. Người dân ở đây đang trông Nhà nước đầu tư bờ kè ở đoạn này lắm” - ông Lắm bày tỏ.

Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Văn Triệu (ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông) cũng phải sống trong cảnh thấp thỏm trước nguy cơ sạt lở đang chực chờ. Ông Triệu cho biết: “Tôi sinh sống ở đây từ nhỏ đến lớn, do sạt lở nên đã phải dời nhà vào nhiều lần.

Nhà nước đầu tư bờ kè chống sạt lở ở đoạn đầu Vàm Kỳ Hôn bà con rất mừng. Tuy nhiên, còn một đoạn từ cầu Chợ Gạo đến bến phà Lộ Vàm, tình trạng sạt lở hiện đang rất phức tạp, vẫn chưa được đầu tư. Người dân ở khu vực này mong muốn Nhà nước tiếp tục đầu tư bờ kè đoạn còn lại này để ổn định cuộc sống”.

Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Đông Nguyễn Văn Mười, hiện nay, phía bờ Nam kinh Chợ Gạo từ xã Xuân Đông đến xã Hòa Định, sạt lở rất nghiêm trọng. Thời điểm tháng 9, 10, 11 âm lịch, triều cường dâng cao tràn qua đê bao tại một số đoạn gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Đoạn đê từ đầu vàm Kỳ Hôn đến vị trí quy hoạch cảng cá mới hiện sạt lở cũng xảy ra rất nghiêm trọng.

Riêng đoạn từ bến phà Lộ Vàm đến cầu Chợ Gạo đang xây dựng dù trước đây đã được gia cố, nhưng hiện sạt lở rất nghiêm trọng, cần được đầu tư xử lý cấp bách. UBND xã mong cấp trên xem xét hỗ trợ xây dựng kè chống sạt lở các tuyến này để phục vụ phát triển kinh tế.

T. ĐẠT

.
.
.