Thứ Sáu, 20/10/2023, 17:22 (GMT+7)
.

Tạo việc làm cho lao động nữ, thúc đẩy bình đẳng giới

Thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ đã được các cấp, các ngành của tỉnh Tiền Giang tập trung triển khai, góp phần thực hiện bình đẳng giới và đạt được nhiều thành tựu. Trong đó, tạo việc làm cho lao động nữ, thúc đẩy bình đẳng giới là một nỗ lực.

Công nhân, lao động nữ đang làm việc tại Công ty cổ phần May Việt Tân (TX. Cai Lậy).
Công nhân, lao động nữ đang làm việc tại Công ty cổ phần May Việt Tân (TX. Cai Lậy).

Hiện toàn tỉnh có 76.517 nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Riêng ở khu vực ngoài nhà nước có 105.868 công nhân, lao động (CNLĐ), chiếm tỷ lệ 72,32% so với tổng số CNVCLĐ; trong đó nữ CNLĐ chiếm khoảng 72,5%  làm việc chủ yếu ở các ngành nghề như may mặc, chế biến thủy sản, rau quả.

Với tỷ lệ CNLĐ nữ ở khu vực ngoài nhà nước tương đối đông nên để góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chú trọng triển khai chương trình hành động của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy về bình đẳng giới, lồng ghép giới trong các hoạt động Công đoàn tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Phấn đấu đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ CNLĐ về cơ hội, nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia vào lĩnh vực lao động, việc làm. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nữ CNLĐ, đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã đạt được những kết quả nhất định.

Nổi bật như công tác tuyên truyền, quán triệt, vận động nữ CNLĐ thực hiện tốt pháp luật có liên quan đến lao động nữ và trẻ em, kiến thức về giới, bình đẳng giới, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, phụ nữ Việt Nam.

Vận động nữ CNLĐ tích cực thực hiện nội dung Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… bằng các phong trào, phần việc cụ thể như học tập nâng cao trình độ, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, rèn luyện phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”…

Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến, quan tâm đến lao động nữ; thực hiện đầy đủ chính sách về thai sản, nuôi con nhỏ, bố trí công việc phù hợp, xây dựng môi trường làm việc an toàn…

Bên cạnh đó, hoạt động dạy nghề, tạo việc làm được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tập trung nâng cao chất lượng. Các cấp Hội đã phối hợp các ngành có liên quan tổ chức dạy nghề cho trên 10.000 lao động nữ, trên 82% số lao động sau khi học nghề có việc làm và thu nhập ổn định. Những nghề thu hút nhiều lao động nữ tham gia như: Đan lát, đan lục bình, bàng buông, may túi xách thân thiện môi trường, nấu ăn, chăn nuôi, trồng trọt...

Duy trì 411 tổ liên kết, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh do phụ nữ tổ chức quản lý điều hành, với 7.632 thành viên; giới thiệu việc làm, tạo việc làm cho hơn 17.000 phụ nữ… Từ năm 2017, triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp vận động thành lập 12 hợp tác xã (HTX) do phụ nữ quản lý với hơn 457 thành viên; trong đó, có 24 phụ nữ tham gia Ban lãnh đạo HTX; 196 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp, mô hình hộ kinh doanh cá thể do phụ nữ làm chủ được thành lập. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp tạo việc làm cho hàng chục lao động nữ. Nữ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh là nữ đang đóng góp tích cực cho đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế. 

Thông tin từ Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, năm 2022, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm 33,5% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn; 100% nữ chủ hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; tỷ lệ nữ lao động làm công hưởng lương trong năm 2022 đạt 48,8%. Mục tiêu đến năm 2025, Tiền Giang sẽ tăng tỷ lệ nữ lao động làm công hưởng lương lên 50%; đồng thời, giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp trên tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30%.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Mỹ Nương cho biết: Mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm và tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động được quan tâm đúng mức.

Cùng nhiều chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề đã tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thực hiện bình đẳng. Tại Tiền Giang, mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn đối với các nguồn lực kinh tế và thị trường lao động trong những năm qua đạt được kết quả đáng khích lệ.

HỮU NGHỊ

.
.
Liên kết hữu ích
.