.

Tiền Giang: Giao thông đường thủy gặp khó do lục bình dày đặc

Cập nhật: 20:51, 14/10/2023 (GMT+7)

(ABO) Gần đây, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, lục bình phát triển dày đặc trên sông, rạch gây khó khăn cho giao thông đường thủy, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa nông sản.

Giao thông đường thuỷ gặp nhiều khó khăn.
Giao thông thủy gặp nhiều khó khăn.
Từ đầu năm cho đến nay, lục bình phát triển rất nhanh tại hầu hết các tuyến kinh nội đồng của huyện Tân Phước, nhiều nhất trên địa bàn các xã Tân Hòa Đông, Tân Hòa Tây, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân... Theo ước tính, có trên 50% tuyến kinh nội đồng có tình trạng lục bình dày đặc.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số tuyến kinh như Trung Tâm, Tràm Mù, Xáng Chìm, Dỡ Dang, 250, 500…, lục bình dày đặc, bao phủ mặt nước gây khó khăn cho giao thông đường thủy, hạn chế dòng chảy phục vụ nông nghiệp. Đặc biệt, tình trạng trên gây khó khăn cho việc thu hoạch và vận chuyển khóm để đưa đi tiêu thụ bằng đường thủy, dẫn đến tăng chi phí vận chuyển. 

Các phương tiện lớn di chuyển rất khó khăn.
Các phương tiện lớn di chuyển rất khó khăn.

Anh Bùi Hữu Thiện (xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước) chia sẻ: “Trước đây, một số xã tổ chức trục vớt lục bình nhưng đến nay tình trạng trên lại tái diễn, thậm chí còn nhiều hơn trước. Lục bình dày đặc khiến ghe không thể vào tới đồng để vận chuyển khóm. Nhiều nơi, nông dân phải đi bằng đường bộ để vào cánh đồng khóm, nhưng rất khó khăn, nhất là khi trời mưa. Người dân vận chuyển khóm bằng đường bộ rất bất tiện, chi phí tăng cao”.

Theo chủ trương của các địa phương, các tuyến kinh có chiều ngang dưới 6 m thì chính quyền cấp xã tổ chức trục vớt lục bình, còn kinh trên 6 m thì huyện trục vớt. Tuy nhiên, cấp xã không có đủ nguồn kinh phí để chi cho công tác này nên rất khó khăn trước tình trạng lục bình ngày càng dày đặc.

Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước Trần Thị Ngọc Điệp cho biết, hiện nay lục bình dày đặc, cỏ rất nhiều trên các tuyến kinh nội đồng. Về kinh phí để trục vớt lục bình, xã không có khả năng, nên đề nghị các ngành, cấp trên quan tâm việc trục vớt lục bình cũng như khơi thông dòng chảy để người dân vận chuyển hàng hóa thông suốt bằng đường thủy. Hiện nay, trên địa bàn xã hàng hóa chỉ vận chuyển được trên các huyện lộ, do đường nông thôn đã xuống cấp trầm trọng. Đường thủy thì vướng lục bình nên xã đề xuất huyện, tỉnh quan tâm trục vớt lục bình trên các tuyến kinh nội đồng đi qua địa bàn xã.

Người dân cũng đã phản ánh, kiến nghị sớm giải quyết vấn đề trên tại các cuộc tiếp xúc cử tri với các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Trong khi chờ giải pháp, lục bình trên các tuyến kinh ngày càng dày đặc hơn. Một số hộ dân kém ý thức đã phun thuốc hóa học diệt lục bình gây ô nhiễm môi trường nước.

Phó Chủ tịch HĐND huyện Tân Phước Lê Trường Sơn cho biết, tại các cuộc họp, huyện đều nêu vấn đề này ra bàn bạc để đưa ra hướng xử lý, hằng năm kinh phí trục vớt lục bình lên đến tiền tỷ nhưng vẫn chưa thấm vào đâu. Một số mô hình hay như ở Tân Lập 1 cũng đang được làm thí điểm, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng ra các địa phương khác. Tuy nhiên, nếu thực hiện mô hình này phải phát động đồng loạt và cần sự đồng lòng của người dân chung tay, tránh tình trạng nơi này diệt nhưng nơi khác tràn tới. 

Ngoài việc khẩn trương trục vớt lục bình, chính quyền, các ngành chức năng huyện Tân Phước nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung cần có giải pháp căn cơ, lâu dài, hiệu quả như: Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến lục bình thành phân hữu cơ, sử dụng lục bình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ... Có như thế mới kéo giảm tình trạng lục bình xuất hiện dày đặc trên các kinh, rạch.

HOÀNG LONG

 

.
.
.