Thứ Tư, 29/11/2023, 09:16 (GMT+7)
.

1.443 chị em và một dự án nhân văn

Nhằm hỗ trợ phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19 và các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu vượt khó, phát triển kinh tế, Dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư ở Tiền Giang” do Chính phủ Úc tài trợ (gọi tắt là Dự án UN Women) đã trao sinh kế cho 1.443 đối tượng (5,5 triệu đồng/đối tượng); tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, phục hồi sinh kế…

THAY ĐỔI TƯ DUY SẢN XUẤT

Khoa học - kỹ thuật (KHKT) ngày càng chứng minh vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, mục tiêu của Dự án UN Women là nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viên phụ nữ, ứng dụng KHKT vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao, hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Dự án UN Women còn phối hợp với Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang hướng dẫn phụ nữ cách quản lý tài chính cho hộ khởi nghiệp buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ tại nhà.

Đoàn đến thăm hộ chị Lê Kim Tiền, ấp Lộ Ngang, xã Bình Đức, huyện Châu Thành.
Đoàn công tác của Dự án UN Women đến thăm hộ chị Lê Kim Tiền, ấp Lộ Ngang, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, dựa trên các đặc thù kinh tế địa phương, Ban Quản lý Dự án UN Women đã tổ chức 5 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hướng dẫn cho 250 phụ nữ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cách thức quản lý tài chính cho hộ khởi nghiệp buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ tại nhà.

Cụ thể tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, tập huấn, chuyển giao KHKT về trồng cây có múi, kỹ thuật về chăn nuôi heo, cá da trơn. Tại TX. Cai Lậy và huyện Tân Phước, tập huấn, chuyển giao KHKT về trồng cây có múi, kỹ thuật trồng khóm, kỹ thuật về chăn nuôi heo, gà. Tại huyện Châu Thành và TP. Mỹ Tho, phụ nữ sẽ được tập huấn kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi heo, gà. Tại các huyện phía Đông, phụ nữ sẽ được hỗ trợ, nâng cao kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi heo, gà, dê, thủy sản, kỹ thuật trồng thanh long, rau màu…

Đoàn đến thăm hộ chị Nguyễn Thị Kim Phượng, ấp Mỹ Phú, xã Song Thuận, huyện Châu Thành.
Đoàn công tác của Dự án UN Women đến thăm hộ chị Nguyễn Thị Kim Phượng, ấp Mỹ Phú, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Chăm chú theo dõi Thạc sĩ Đỗ Khánh Linh, kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang truyền đạt về quy trình chăn nuôi heo, gà cũng như về kinh tế tuần hoàn, cô Nguyễn Thị Bé Ba, xã Long An (huyện Châu Thành) tâm đắc: Được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ trực tiếp trong chăn nuôi, trồng trọt, những kỹ thuật cơ bản về chăm sóc và phòng trừ sâu hại cho cây trồng; phổ biến một số loại giống mới cho năng suất cao; cách chế biến ngâm ủ thức ăn và phòng, chống một số bệnh phổ biến cho đàn gia súc, gia cầm… Nhờ đó, kiến thức sản xuất của chị em phụ nữ chúng tôi được nâng lên rõ rệt, giúp thay đổi tập quán canh tác và chăn nuôi, trồng trọt.

NIỀM TIN, HY VỌNG TỪ ĐỒNG VỐN VƯỢT KHÓ

Men theo con đường nhỏ, chúng tôi đến nhà của chị Nguyễn Thị Thu Sương, phường 2, TX. Cai Lậy là đối tượng được hỗ trợ nguồn vốn không hoàn lại từ Dự án UN Women. Chị Thu Sương cho biết: “Trước đây, tôi là giáo viên dạy tiểu học, cách đây 6 năm, đôi mắt của tôi không còn nhìn thấy nữa. Cuộc sống của tôi gần như lâm vào bế tắc, sau đó, tôi lại bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, công việc làm massage cho Hội Người mù không ổn định. Giờ được hỗ trợ số vốn từ Dự án, tôi sẽ mua giường, nguyên liệu để mở tiệm massage. Tôi vô cùng vui mừng".

Vừa qua, bà Cherie Rusell - Tham tán hợp tác phát triển, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam làm Trưởng đoàn đến thăm và khảo sát 2 đối tượng hưởng lợi từ Dự án UN Women do Chính phủ Úc tài trợ triển khai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Đi cùng đoàn có bà Thân Thị Thiên Hương, Chuyên gia giới, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam; bà Caroline T.Nyamayemombe, Quyền trưởng đại diện Tổ chức UN Women tại Việt Nam.

Theo đó, Đoàn đã đến thăm hộ chị Lê Kim Tiền, ấp Lộ Ngang, xã Bình Đức và hộ chị Nguyễn Thị Kim Phượng, ấp Mỹ Phú, xã Song Thuận, huyện Châu Thành. Đoàn đã tìm hiểu hoàn cảnh, mô hình sinh kế, quá trình sử dụng nguồn vốn từ Dự án UN Women tài trợ. Bà Cherie Rusell và bà Caroline T.Nyamayemombe đều rất vui mừng vì các đối tượng được hưởng lợi từ Dự án UN Women đã sử dụng nguồn vốn trao sinh kế đúng mục đích và ý chí, nghị lực của phụ nữ vượt khó vươn lên. Các thành viên trong Đoàn đều tin tưởng rằng, với nguồn vốn được hỗ trợ, kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, quản lý nguồn vốn đã được tập huấn, các đối tượng sẽ phát triển các mô hình sinh kế có hiệu quả, giúp phát triển kinh tế gia đình…

Tận tay nhận những đồng vốn nặng nghĩa tình, chị Trần Thị Lan, ngụ tại xã Mỹ Phước Tây (TX. Cai Lậy) xúc động: "Tôi bị bại liệt từ nhỏ, đi lại rất khó khăn. Nhờ Hội Phụ nữ hỗ trợ, tôi nhận giỏ xách về may gia công. Hôm nay nhận được sự hỗ trợ từ Dự án, tôi đã lên kế hoạch sẽ sử dụng số vốn này để đầu tư mua thêm máy may gia công... để tăng năng suất, đảm bảo công việc ổn định cho chị em phụ nữ trong vùng".

Tuy hơn 30 tuổi nhưng hình dáng chị Lê Kim Tiền, ấp Lộ Ngang, xã Bình Đức, huyện Châu Thành trông như cô bé 5 tuổi. Chị Kim Tiền bị tật bẩm sinh, hiện đang sống cùng đứa con trai 4 tuổi và mẹ. Được biết, khi mang thai, người chồng đã theo duyên mới bỏ lại 2 mẹ con chị. "Tôi cảm ơn Dự án UN Women đã hỗ trợ cho tôi được số vốn để mua bán tạp hóa, không phải vay nặng lãi cũng không phải hoàn vốn; đồng thời tôi được các chị em phụ nữ tập huấn giúp tôi biết cách quản lý trong mua bán", chị Kim Tiền bày tỏ.

Trực tiếp đến thăm, tìm hiểu hoàn cảnh, mô hình sinh kế của hộ chị Nguyễn Thị Kim Phượng, ấp Mỹ Phú, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, bà Cherie Rusell - Tham tán hợp tác phát triển, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và bà Caroline T.Nyamayemombe, Quyền trưởng đại diện Tổ chức UN Women tại Việt Nam không khỏi xúc động: “Chúng tôi nhận thấy chị Phượng có một nghị lực vươn lên trong cuộc sống, dù hoàn cảnh rất khó khăn, bản thân bệnh tật, căn nhà xuống cấp nhưng chị và chồng đều rất chăm chỉ lao động, hằng ngày đi làm thuê lo cho gia đình, lo cho các con ăn học…".

Dự án giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng.
Dự án UN Women giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng.

Được biết, hoàn cảnh chị Kim Phượng rất khó khăn, chồng chị thì đi làm thuê, còn bản thân chị bị bệnh, không làm được việc nặng, các con thì còn trong tuổi ăn học. Gia đình chị Phượng hiện đang sống trong căn nhà đã xuống cấp trầm trọng trên mảnh đất nhờ của người cậu. Nhận được sự hỗ trợ từ Dự án, chị Kim Phượng vui mừng, mua 2 con heo con để nuôi, cải thiện thu nhập trong thời gian tới. Tuy số vốn hỗ trợ không lớn nhưng các chị em phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn rất vui, hứa cố gắng chăn nuôi, buôn bán, sản xuất đạt hiệu quả để tăng thu nhập kinh tế cho gia đình và thực hiện đúng quy định từ nguồn vốn được hỗ trợ. 

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang, Trưởng Ban Quản lý Dự án UN Women Nguyễn Thị Kim Phượng nhấn mạnh: Dự án UN Women có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cung cấp dịch vụ thiết yếu cho phụ nữ bị bạo lực và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Qua thời gian, Dự án UN Women được triển khai thực hiện đúng kế hoạch, đúng đối tượng thụ hưởng, bước đầu Dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực; giúp hội viên phụ nữ khó khăn có vốn chăn nuôi, trồng trọt, mua bán… phát triển kinh tế gia đình; khẳng định vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

PHƯƠNG MAI

.
.
.