.

Cần quy định rõ nội dung cấm "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn"

Cập nhật: 18:18, 10/11/2023 (GMT+7)

Sáng 10-11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về: dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tại đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội TPHCM, các ĐB tập trung thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Đáng chú ý, điều 8 dự luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Đây cũng là căn cứ để lực lượng chức năng dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát. Cơ quan thẩm tra - Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết một số ý kiến trong ủy ban đề nghị cân nhắc nội dung này vì “quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương".

a
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ sáng 10-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Các ý kiến này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, một số thành viên khác của ủy ban lại nhất trí với đề xuất của Chính phủ vì nội dung này đã được quy định tại khoản 6, điều 5, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.

a
ĐB Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: QUANG PHÚC

Cho ý kiến về vấn đề này, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, đồng ý cấm "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" nhưng phải nêu rõ là nồng độ cồn bao nhiêu thì bị cấm, cho hợp lý. Theo ĐB, Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định lái xe sẽ bị xử phạt khi có nồng độ cồn vượt mức 0.

Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 - 600.000 đồng; xe máy 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng; ô tô 30 - 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng. Tức là đưa ra các mức xử phạt nhưng chưa thực sự cụ thể, quy định nồng độ cồn trong máu không vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/1 lit khí thở nhưng biên độ dài, vì có thể là 49 miligam/100 mililit máu hoặc ít hơn mức đó cũng bị phạt.

Do đó, ĐB đề nghị luật cần phải thiết kế lại, thật cụ thể để làm sao người dân ý thức được rằng, nồng độ cồn trong máu ở mức bao nhiêu là được, chứ không phải “cứ thổi là dính”. ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị phải quy định rõ là cấm tham gia giao thông khi nồng độ cồn trong máu vượt quá quy định cho phép.

a
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ. Ảnh: QUANG PHÚC

Cũng thảo luận về các hành vị cấm, ĐB Trần Kim Yến (TPHCM) đề nghị cần cấm tự ý lập bến bãi để kinh doanh, vì hiện nay thực tế đang diễn ra ở nhiều nơi, gây lộn xộn, khó quản lý, gây nhiều nguy hiểm. ĐB Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) cho rằng, các hành vi cấm cũng đã cơ bản đầy đủ, nhưng ĐB đề nghị cấm thêm hành vi thả rông động vật, vật nuôi, gia súc, gia cầm ra đường gây tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, cũng nên có quy định không được quay đầu xe trong giờ cao điểm để tránh ùn tắc.

Về vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô, ĐB Nguyễn Thị Lệ đề nghị cần quy định phù hợp về tải trọng xe, phù hợp với kết cấu hạ tầng. Điều này nhằm tránh tình trạng xe chở hàng cồng kềnh, che khuất tầm nhìn, gây tai nạn giao thông. Thực tế đã có nhiều trường hợp người dân bị tử vong thương tâm vì tình trạng này.

ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM) cho rằng, 2 dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nhiều điểm liên quan với nhau, nên quan trọng là phải làm sao để người dân có lợi nhất khi thi hành luật. Các ĐB đều có chung ý kiến cần rà soát 2 luật này để tránh trùng lắp các quy định.

ĐB Nguyễn Minh Hoàng đề nghị cần có quy định trách nhiệm, quyền hạn của lượng kiểm tra, tuần tra giao thông. “Quyền lực của lực lượng này phải được kiểm soát”, ĐB nói.

a
ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Dự thảo luật quy định tổng thời gian lái xe trong một ngày của lái xe kinh doanh vận tải không quá 8 giờ. Cụ thể, từ 6 đến 22 giờ, thời gian lái xe liên tục không quá 4 tiếng. Từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, thời gian lái xe liên tục không quá 3 tiếng. Về nội dung này, ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM) đề nghị cần xem xét lại quy định về giờ lái xe liên tục, trong đó có quy định về giờ lái xe ban đêm không quá 3 giờ. “Hạ tầng của chúng ta chưa hoàn thiện, có nhiều quy định cấm giao thông ban ngày, nên nếu thời gian lái xe ban đêm ngắn quá sẽ gây áp lực lên giao thông ban ngày. Do đó, nên xem xét lại”, ĐB Dương Ngọc Hải nêu.

Về các hành vi cấm, ĐB Dương Ngọc Hải cho rằng, có một số hành vi cấm không nên quy định trong luật này, ví dụ hành vi nồng độ cồn trong máu đã được cấm trong Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, nên không cần đưa vào luật này.

Hay quy định “khi có điều kiện mà cố ý không cấp cứu, giúp đỡ người bị tai nạn giao thông” cũng đã có trong Bộ Luật hình sự, nên không cần vào luật này. ĐB cho rằng cần rà soát lại các quy định để tránh trùng lắp, chồng chéo.

Trong khi đó, một nội dung rất quan trọng mà ĐB Dương Ngọc Hải cho rằng cần quy định trong luật, đó là quy định rõ việc ưu tiên phát triển phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện xe cá nhân, nhất là ở các đô thị lớn...

Theo sggp.org.vn



 

.
.
.