.

'Chặn đứng' tin đồn, tin thất thiệt: Tổng lực nhiều giải pháp

Cập nhật: 21:25, 26/11/2023 (GMT+7)

Việc loại bỏ, “chặn đứng” tin đồn, tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận, tác động tiêu cực đến an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, an ninh đầu tư cũng là diệt trừ một loại “virus độc hại” phát tán trên không gian mạng.

Xây dựng không gian mạng an toàn

Đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT cho biết, tin giả là thông tin sai sự thật được cố ý đăng tải, lan truyền nhằm mục đích không chính đáng, gây hiểu lầm cho người đọc, người xem hoặc những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do không được kiểm chứng, xác minh hoặc bị phóng đại, suy diễn làm thay đổi bản chất của sự việc.

Tin giả thường được thể hiện dưới hình thức phát ngôn thù địch, tin bịa đặt, bôi nhọ, kích động, xúc phạm và quấy rối, chủ yếu nhằm mục đích chính trị hoặc tài chính.

Việc lan truyền tin giả gây ra hậu quả nghiêm trọng, như thao túng dư luận, gây ra sự lo lắng, sợ hãi, chia rẽ, bất hòa cho công chúng và xói mòn niềm tin vào các nguồn tin tức hợp pháp.

Hiện tại, Việt Nam có 71% người dân sử dụng mạng xã hội. Đây là môi trường cho tin giả ngày càng phát triển trong thời gian gần đây, tin giả được lan dễ dàng qua môi trường này.

Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, từ năm 2021 đến nay, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam tiếp nhận 6.398 phản ánh tin giả, trong đó có 1.832 tin có thể kiểm chứng; 952 tin phản ánh về tin xấu độc; 1.311 tin báo tin sai, tin không đúng nội dung phản ánh, không đúng thẩm quyền xử lý; 1.226 tin báo về lừa đảo tài chính qua mạng.

Trung tâm đã công bố hơn 30 website giả mạo doanh nghiệp; yêu cầu mạng xã hội nước ngoài xử lý gỡ bỏ 543 tin giả, tin xấu độc; chặn gỡ 725 tên miền cờ bạc.

Theo đó, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Youtube, TikTok là nơi phát tán nhiều nhất thông tin xấu độc, tin giả. Do đó, muốn quản lý tốt không gian mạng thì phải đấu tranh buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Ở Việt Nam, trên nền tảng Youtube có 63 triệu lượt tài khoản, nền tảng Facebook có 66,2 triệu lượt tài khoản, Tiktok có 49,86 triệu tài khoản…

Về khung pháp lý phòng chống loại tội phạm mạng này, có Bộ luật Hình sự 2015; Luật An ninh mạng 2018; Nghị định số 72/2013/ND-CP và 27/2018/ND-CP (bổ sung Nghị định số 72) về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trực tuyến; Nghị định số 70/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Nghị định; Luật Quảng cáo…

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, các biện pháp xử lý tin giả cần được thực hiện là: Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý hoạt động cung cấp, sử dụng, quản lý thông tin và chống tin tin giả; nâng cao khả năng giám sát không gian mạng và thẩm định, công bố tin giả; đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới như xử lý nhãn hàng, đại lý quảng cáo thực hiện quảng cáo sai sự thật, cài đặt quảng cáo vào nội dung tin giả, vi phạm pháp luật; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm phòng chống tin giả của người dân và toàn xã hội.

Nhưng để "tin đồn" không có "cửa" tấn công, gây ảnh hưởng tiêu cực, thì mỗi người cần phải luôn tỉnh táo trước các luận điệu sai trái, bôi nhọ, kích động, không hùa theo kiểu "hội chứng đám đông", nhất là khi sử dụng mạng xã hội.

Việc xây dựng không gian mạng an toàn cũng cần được đẩy mạnh, mà trong đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường các biện pháp hữu hiệu để quản lý. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, diệt trừ virus xấu độc – "virus tin đồn", không để phát tán trên không gian mạng, từ đó góp phần hiệu quả "chặn đứng" tin giả, tin sai sự thật.

Được biết, Bộ TT&TT đang đề xuất bổ sung các quy định đảm bảo an toàn an ninh mạng cho người dân khi sử dụng mạng xã hội. Đó là xác thực người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại di động; ngừng cung cấp internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật; đối với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, yêu cầu phải gỡ nội dung vi phạm trong 24 giờ và gỡ ngay nếu ảnh hưởng an ninh quốc gia; quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương tham gia quản lý không gian mạng theo ngành, lĩnh vực, địa bàn theo hướng quản lý lĩnh vực gì trong đời thực thì cũng quản lĩnh vực đó trên mạng.

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an:
Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an: "Kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật về hành chính và hình sự đối với những đối tượng có hành vi đưa tin thiếu kiểm chứng, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân...".

Mạnh tay diệt trừ ‘virus tin đồn’

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, thời gian qua Bộ Công an triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng tung tin đồn thất thiệt.

Bộ Công an đã tham mưu Đảng, Nhà nước hoàn thiện chính sách, pháp luật, trọng tâm là Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành, củng cố cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý những hành vi đưa tin thất thiệt, thiếu kiểm chứng, vi phạm pháp luật. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến thực hiện pháp luật, để người dân hiểu, chấp hành pháp luật, không có các hành vi tung tin thất thiệt thiếu kiểm chứng, xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh.

Bên cạnh đó, tổ chức lực lượng, biện pháp, bao gồm cả biện pháp nghiệp vụ chuyên biệt để thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ về các hành vi đưa tin thiếu kiểm chứng, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh; giáo dục, thuyết phục những đối tượng có hành vi đưa tin sai sự thật.

Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, lực lượng công an kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật về hành chính và hình sự đối với những đối tượng có hành vi đưa tin thiếu kiểm chứng, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đến sự phát triển kinh tế-xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh.

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết thêm, với những đối tượng tung tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh, tùy theo mức độ vi phạm pháp luật có thể xử phạt hành chính theo Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 3/22020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử về hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội hoặc xử lý hình sự tội "Vu khống" theo Điều 156 Bộ luật Hình sự hoặc tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Thực tế, trong thời gian qua, Bộ Công an đã xử lý, khởi tố bắt giam nhiều đối tượng tung tin đồn, đưa tin giả, tin không chính xác, chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức, thị trường tài chính, ngân hàng.

Như vậy, tung tin thất thiệt, nhất là thông tin xấu độc, gây hoang mang dư luận xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, các đối tượng sẽ bị phạt tiền (xử phạt hành chính) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Hãy là người dùng mạng xã hội thông thái

PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, khi có tin đồn thất thiệt ngay lập tức cần nhanh chóng cắt đứt tin đồn, lời đàm tiếu bằng cách tham gia ngay trước khi mọi thứ bị lan truyền đi quá xa (nguyên tắc là trước 72 giờ sau khi tin đồn đầu tiên bị phát tán).

PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội
PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Và để ngăn chặn những tin đồn thất thiệt, cần tập trung thực hiện một số biện pháp, như cơ quan Nhà nước phải chủ động thông tin đúng đắn, chính xác; người dân cần phải tỉnh táo trước những tin đồn thất thiệt. Để ngăn chặn những tin đồn thất thiệt, trước hết các cơ quan quản lý nhà nước phải nắm bắt thông tin một cách kịp thời, nhanh chóng có phát ngôn chính thống để bác bỏ các tin đồn thất thiệt.

Khi có tin đồn thất thiệt thuộc lĩnh vực bộ, ngành nào quản lý, nhất thiết phải cử cơ quan chuyên ngành xác minh kịp thời, truy nguyên nguồn gốc, diễn biến hình thành tin đồn, đưa ra kết luận để công bố trước công luận, không thể để chậm trễ, nhằm chủ động ngăn chặn sự lan rộng của nó, hạn chế tác động tiêu cực.

Nhanh chóng cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về sự kiện đang xảy ra tin đồn thất thiệt. Việc công bố có thể thực hiện ngay thông qua thông cáo báo chí trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm được. Đồng thời có những biện pháp xử lý kiên quyết những đối tượng cố tình tung tin đồn thất thiệt để trục lợi, phá hoại.

Về phía người dân, cần bình tĩnh, tỉnh táo trước những tin đồn thất thiệt là điều cần thiết. Thực tế, nhiều người do không rõ thông tin thực hư và cũng không có điều kiện tìm hiểu, đã hành động theo thói quen, theo cảm tính hoặc theo phong trào. Trước những tin đồn thất thiệt, người dân phải thực sự bình tĩnh, tự mình thẩm định, đánh giá thông tin hoặc chờ tin chính thống được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, mỗi chúng ta hãy là người dùng mạng xã hội thông thái. Khi tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội nên chọn những trang thông tin chính thống, những trang tin cậy, những tờ báo chính thống, uy tín; biết đặt ra nghi vấn đối với các thông tin nhận được; không tò mò bấm xem các tin, bài giật tít câu view; chủ động kiểm chứng thông tin nhận được từ các nguồn không tin tưởng; không chia sẻ khi chưa kiểm chứng thông tin...

(Theo baochinhphu.vn)

 

 

 

 

 

.
.
.