Lượng mưa thiếu hụt sẽ dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của ngành trồng trọt. Vì vậy, dù chưa bước vào mùa vụ sản xuất năm 2024, nhưng thời điểm này, các địa phương trong toàn vùng đã chủ động xây dựng kế hoạch, tập trung ứng phó tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn không chỉ ở vụ đông xuân 2023-2024 mà cả vụ hè thu và vụ mùa tiếp theo, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Giải pháp mà các địa phương đề ra là: Ðối với vùng an toàn nguồn nước cho sản xuất, tập trung canh tác đúng lịch thời vụ, tăng cường thâm canh; vùng có nguy cơ hạn hán, không đủ lượng nước cho sản xuất thì bố trí chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ, hoặc bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để né hạn, mặn và áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của hạn, mặn đến sản xuất lúa. Ðồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi những vùng thiếu nước tưới sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm nước tưới. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, nhờ chủ động triển khai các giải pháp ứng phó hạn hán; chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng; tưới luân phiên ướt, ráo nên sản xuất lúa ở nhiều tỉnh trong vùng không những né được hạn mà còn được mùa. Thí dụ tại Quảng Ngãi, vụ hè thu 2020, nắng hạn gay gắt diễn ra trên diện rộng, mực nước các hồ chứa xuống thấp nhưng nhờ né hạn cho nên năng suất bình quân gần 60 tạ/ha.
Trên cơ sở dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chủ động vào cuộc, phối hợp lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương trong vùng cùng ngồi lại bàn thảo, xây dựng quy mô, kế hoạch sản xuất cho từng vùng, từng địa phương một cách sát sao nhất, đúng thực tế nhất, đặc biệt là đưa ra giải pháp thời vụ, cơ cấu giống hợp lý để vừa né sinh vật gây hại vừa né hạn, mặn.
Theo đó, riêng từng vùng đều xây dựng giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất. Cụ thể, khu vực Trung Bộ, nguồn nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi là yếu tố quyết định mức độ ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước.
Do vậy, cần theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để tổ chức tích nước hợp lý các hồ chứa, bảo đảm tích được lượng nước tối đa theo năng lực công trình, đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình và không gây ngập, lụt vùng hạ du; tổ chức phân phối nước hợp lý, tiết kiệm ngay từ năm 2023 để dành nguồn nước cho thời gian tới; tăng cường theo dõi việc vận hành các công trình thủy lợi và chủ động phối hợp các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện trong việc vận hành các nhà máy bổ sung nước cho vùng hạ du; trường hợp vận hành không đúng quy định hoặc khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có phương án giải quyết kịp thời; rà soát, sắp xếp đẩy sớm hợp lý thời vụ gieo trồng vụ đông xuân 2023-2024, để có thể tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên từ các ao hồ, sông suối và lượng mưa cuối mùa mưa năm 2023, dành lượng nước trữ từ các hồ chứa cho thời gian cao điểm mùa khô.
Về phương án lâu dài để ứng phó biến đổi khí hậu, theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các địa phương trong vùng cần áp dụng phương pháp quản lý nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn bằng các công cụ viễn thám; quản lý, vận hành và khai thác các hệ thống công trình thủy lợi tối ưu bằng các công cụ diễn toán; áp dụng các phương pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu và lựa chọn các giống cây trồng vật nuôi phù hợp, có khả năng chống chịu hạn hán, mặn; tăng cường năng lực giám sát, dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn, đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan; tiếp tục xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi để nâng cao năng lực trữ nước, lấy nước.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung, vùng Ðông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ là vùng rất quan trọng của ngành nông nghiệp, kết quả sản xuất của toàn vùng đạt được có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì vậy, việc các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các giải pháp, có cách thức tổ chức sản xuất bài bản từ rất sớm, là yếu tố tiên quyết để sản xuất mùa vụ bảo đảm kế hoạch và hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.
(Theo nhandan.vn)