Thứ Bảy, 25/11/2023, 16:43 (GMT+7)
.

Giới trẻ trì hoãn lập gia đình

1. Tôi có một anh đồng nghiệp, cũng là sếp trực tiếp của tôi, tôi hay gọi là “anh sếp”. Anh sếp tôi thuộc lứa cuối 8x, đầu 9x. Anh có những đặc tính của thế hệ 8x như khá hòa đồng và có phong cách làm việc chỉn chu, yêu cầu cao trong công việc như các lãnh đạo 8x; nhưng anh cũng có tính cách vui vẻ, hoạt bát và teen như thế hệ 9x. Cách nói chuyện của anh pha lẫn 8x và 9x nên khá thú vị.

a
Ham vui, giới trẻ xem lập gia đình là lựa chọn sau cùng

Anh sếp tôi mới 35 tuổi, chưa phải “già” nhưng cũng chẳng phải còn “trẻ”. Ngoài chiều cao đạt chuẩn Việt Nam “trên 1m70” cùng vẻ ngoài khá điển trai, anh còn có gu trong ăn mặc, khiếu nói chuyện hài hước, gia đình nề nếp khá giả, khiến anh thuộc hàng “con gái vây quanh”, nhưng đến giờ anh vẫn “ế”.

Tôi hỏi anh sếp tôi: “Sao giờ anh vẫn chưa lấy vợ?”. Anh nói: “Không cô nào chịu anh, sao anh cưới”. Tôi thắc mắc: “Cỡ anh thì thiếu gì cô chịu, em thấy rất nhiều chị muốn làm bạn gái anh mà”. Anh cười: “Nhưng không hợp em ạ”. Tôi hỏi tiếp: “Vậy thế nào là hợp?”. Anh chậm rãi: “Tính cách và suy nghĩ phải hợp”.

Có nhiều lần, thấy mấy bé con của các anh chị đồng nghiệp mang vào công ty chơi, anh sếp tôi nhìn chúng trìu mến và quay qua tôi thì thầm: “Mấy đứa nhỏ dễ thương quá!”. Tôi hớn hở: “Sếp em muốn có vợ, có con rồi kìa”. Anh giả lả: “Có ai chịu anh đâu mà cưới, em giới thiệu cho anh một người đi”.

Nhưng qua cách nói chuyện, tôi hiểu rằng anh sếp của tôi chưa thích bị ràng buộc, chưa thích cưới vợ, vẫn thích được tự do làm những gì mình muốn mà không bị can thiệp. Anh nói, anh thích được đi giao du với bạn bè, du lịch khắp Việt Nam, khám phá những miền hoang sơ, hay hành trình xuyên những khu rừng còn rậm rạp ở Việt Nam. Anh thích trải nghiệm những phong tục tập quán vùng miền, những món ăn mới lạ, những cảnh vật đặc trưng. Nếu lấy vợ, anh không có nhiều thời gian cho những việc đó.

2. Giới trẻ bây giờ khác xa thế hệ trước, nhiều người không còn đặt nặng vấn đề yêu là phải cưới, yêu là phải xác định lâu dài và càng ngại việc lập gia đình sinh con. Khi Việt Nam dần hội nhập với thế giới về kinh tế cũng như tăng cường giao lưu văn hóa, những tư tưởng, suy nghĩ về vấn đề gia đình, con cái của các quốc gia khác cũng ảnh hưởng phần nào đến không ít người trẻ trong nước.

Việc ngại sinh con, ngại phải lo cho những vấn đề phát sinh khi có gia đình, khiến một bộ phận giới trẻ có cái nhìn khác về khái niệm “gia đình”. Không ít bạn trẻ công khai tuyên bố trên các trang mạng xã hội: “gia đình khiến ta mất tự do, không còn thời gian cho bản thân”.

Có bạn lại cho rằng, khi có gia đình sẽ bị vợ/ chồng kiểm soát, ngăn cấm đủ thứ, khiến không còn được tự do làm những thứ mình thích, phải chịu cực, chịu khổ đủ thứ, đấy là chưa kể thời gian đầu còn mặn nồng thì không sao, sau khi phải tất bật với cơm áo gạo tiền con cái thì cuộc sống màu hồng sẽ trở nên ảm đạm u ám.

Thế hệ khác nhau, quan niệm khác nhau. Thế hệ ông bà ta thường đặt chữ hy sinh lên hàng đầu. Chồng hy sinh kiếm sống, vợ hy sinh chăm lo gia đình… Nhưng nay thì khác hoàn toàn, bởi cuộc sống tất bật, cả vợ và chồng đều phải đi làm kiếm tiền, con cái cũng cần cả hai chăm sóc, rồi còn đủ thứ phải lo cũng khiến nhiều bạn trẻ e ngại việc lập gia đình.

Ngoài ra, người trẻ hiện nay có nhiều cơ hội, nhiều mối quan tâm khác nhau như sự nghiệp, ước mơ, hoài bão, trải nghiệm, du lịch... làm bớt đi nhu cầu kết hôn, hay dành thời gian cho mối quan hệ ràng buộc như cuộc sống gia đình. Như anh sếp của tôi, ngoài thời gian cho công việc, những ngày rảnh là anh lại có kế hoạch đi chơi với bạn bè, đi trải nghiệm, đi khám phá… Do đó, việc “kết hôn” rơi xuống nơi thấp trong bảng ưu tiên của anh.

Bố mẹ anh cũng thôi thúc giục chuyện lập gia đình, bởi họ nhìn thấy “con ngựa bất kham” ở con trai mình khó có ai thuần phục được. Họ cũng chỉ mong chờ vào một ngày đẹp trời nào đó, anh chán chạy nhảy và mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ”, nhận ra đã đến lúc phải lập gia đình.

Hiện nay, tỷ lệ đổ vỡ hôn nhân khá cao, có những cặp mới kết hôn được 1-2 tháng là chia tay, có những gia đình cũng ráng gượng được 5-10 năm rồi đường ai nấy đi; hay việc sống thử trước hôn nhân cũng khiến cho cuộc sống gia đình không còn thú vị. Đổ vỡ hôn nhân sẽ là một vết sẹo và hệ lụy từ những câu chuyện đó khiến không ít người trẻ cảm thấy mất niềm tin vào hạnh phúc gia đình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ ngày càng trì hoãn việc lập gia đình hoặc không muốn lập gia đình.

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.