Thứ Ba, 14/11/2023, 09:38 (GMT+7)
.

Thay đổi góc nhìn bình đẳng giới thông qua báo chí

Ngày 13/11, tại Hà Nội, Hội nhà Báo Việt Nam phối hợp cùng tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức tọa đàm và trưng bày "Báo chí qua lăng kính giới".

a
 Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: hanoimoi.vn

Tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam nhận định: Để thay đổi nhận thức của công chúng, cần đề cao việc khai thác các chủ đề, câu chuyện liên quan đến bất bình đẳng giới, chú trọng thay đổi góc nhìn bình đẳng giới, theo đó, cả nam, nữ và giới khác đều được phát triển tối đa tiềm năng. Các tiêu chí đánh giá sản phẩm báo chí về đề tài nhạy cảm giới, đó là: Phản ánh trung thực, chính xác về nhạy cảm giới - không có sạn giới trong tác phẩm; thực hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử; phù hợp với trình độ tiếp cận thông tin của nhóm công chúng  đề tài hướng tới.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng nêu rõ, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho công chúng về bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội. Các nhà báo, dù ở vai trò nào cũng đã, đang đóng góp quan trọng trong việc phản ánh các vấn đề bất bình đẳng giới đang xảy ra, các vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em. Bên cạnh những thành công, điểm tích cực của báo chí, vẫn cần phải có những định hướng nhằm xây dựng nền báo chí có trách nhiệm giới.

Yêu cầu về trách nhiệm giới cần được thực hiện trong toàn bộ quy trình sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất và một số nguyên tắc cần tuân thủ nhằm tăng cường tần suất, chất lượng sản phẩm báo chí về giới, bình đẳng giới, gợi ý các giải pháp mang tính chất rất kỹ thuật như cách thức sử dụng hình ảnh có trách nhiệm giới; sử dụng hài hòa các nhân vật, hình ảnh minh họa…

Nhận định về một số biểu hiện của định kiến giới trong sản phẩm báo chí hiện nay, chuyên gia Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng gợi ý các nội dung nhằm bảo đảm nhạy cảm giới trong truyền thông, gồm: Không sử dụng hình ảnh làm nặng thêm định kiến giới, khuôn mẫu giới vốn có; sử dụng hài hòa hình ảnh minh họa, ý kiến của nam, nữ trong sản phẩm báo chí; bảo đảm sự hiện diện bình đẳng về hình ảnh, ý kiến của nam, nữ trong sản phẩm báo chí… Cùng với đó là sử dụng câu chuyện, hình ảnh truyền cảm hứng cho công chúng về bình đẳng giới theo nguyên tắc chia sẻ và hợp tác giữa các giới để cùng phát triển…

Tại tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ các vấn đề liên quan đến vai trò của báo chí trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy bình đẳng giới; nhận diện về tình trạng định kiến giới trong xã hội thể hiện trên báo chí - truyền thông; thảo luận về khuôn mẫu giới, sạn giới, cách thức xây dựng tác phẩm báo chí có nhạy cảm giới.

Theo nhiều đại biểu, định kiến giới vẫn "lẩn khuất" trong các tác phẩm truyền thông, gây tác động về nhận thức, thái độ, đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò, năng lực của nam hoặc nữ. Nâng cao hiểu biết về bình đẳng giới trong giới truyền thông là việc làm thiết thực nhằm hỗ trợ các nhà báo thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, đặc biệt là Điều 4 với nội hàm: "Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân".

Để thay đổi nhận thức, hành vi, thúc đẩy bình đẳng giới, các sản phẩm báo chí cần hướng tới thay đổi, xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu về giới, giúp hiểu đúng, tôn trọng đa dạng về giới. Cần có nhiều sản phẩm báo chí chuyên về nam giới hoặc giới khác, huy động sự chung tay cùng vào cuộc của các giới để phát huy bình đẳng giới...

Trong khuôn khổ sự kiện, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trưng bày chuyên đề có tính lịch sử về các sản phẩm báo chí đề cập đến vấn đề giới tại Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua.

Theo TTXVN

.
.
.