Thứ Tư, 15/11/2023, 13:22 (GMT+7)
.

Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau

Tiền Giang luôn coi trọng công tác giảm nghèo, việc giúp đỡ và chia sẻ khó khăn với người nghèo là trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền, đoàn thể địa phương. Trong quá trình thực hiện công tác giả nghèo, các địa phương của tỉnh đã xây dựng, duy trì và nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả, giúp nhiều gia đình thoát nghèo bền vững.

NHIỀU CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Tiền Giang Lý Văn Cẩm cho biết, thời gian qua, xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh nên công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Trong đó, tập trung nguồn lực triển khai nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả trong công tác giảm nghèo, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững các cấp của tỉnh được kiện toàn, hoạt động có hiệu quả, thực hiện khá tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, UBND điều hành lãnh đạo thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương; đồng thời, triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách, chương trình hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đồng chí Nguyễn Chí Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng quà cho  các hộ nghèo, hộ khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Chí Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng quà cho các hộ nghèo, hộ khó khăn.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể, đặc biệt là của người nghèo, cận nghèo về tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa công tác giảm nghèo để mọi người đồng lòng, cùng chung tay thực hiện giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, Nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ can thiệp cụ thể nhằm giải quyết khó khăn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua đó góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội.

“Để đảm bảo thực hiện các chính sách giảm nghèo có hiệu quả, tỉnh đã xây dựng các giải pháp phù hợp, tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã được áp dụng và triển khai tới các hộ nghèo, cận nghèo, đáp ứng được nhu cầu của người dân”, đồng chí Lý Văn Cẩm cho biết thêm.

Hằng năm, UBND tỉnh bố trí ngân sách bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Trong 2 năm 2021 - 2022, UBND tỉnh đã bổ sung vốn ủy thác hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác cho Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Tiền Giang tổng số tiền 45 tỷ đồng (năm 2021: 15 tỷ đồng và năm 2022 là 30 tỷ đồng); nâng tổng số vốn ngân sách cấp tỉnh ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh là 261,5 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân cho 71.039 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn, với tổng số tiền hơn 2.458 tỷ đồng. Qua đó, đã hỗ trợ tạo việc làm cho 16.649 lao động; 107 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 30.393 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; 7.037 học sinh, sinh viên được vay vốn tiếp tục đi học…

Kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên năm 2021, 2022 và 6 tháng năm  2023, hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, có tổng số 7.470 học sinh nghèo, cận nghèo được ưu đãi giáo dục với tổng kinh phí hỗ trợ miễn, giảm học phí của ngành Giáo dục là 15,403 tỷ đồng; có 420 học sinh, sinh viên và người lao động thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ về đào tạo nghề. Hỗ trợ mua  bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng khó khăn khác với tổng kinh phí 137 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho 17.541 hộ nghèo, số tiền hơn 10.612 tỷ đồng. Hỗ trợ về nhà ở, tỉnh đã xây dựng mới 1.209 nhà đại đoàn kết, sửa chữa  62 căn nhà cho người nghèo, tổng kinh phí 56,891 tỷ đồng…

Các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo vế y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn… được lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời. Từ đó, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo.

HIỆU QUẢ TỪ CÁC DỰ ÁN, MÔ HÌNH GIẢM NGHÈO

Theo đồng chí Lý Văn Cẩm, bên cạnh việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, thời gian qua tỉnh cũng đã chú trọng giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn vốn, áp dụng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu để áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Các chính sách hỗ trợ, các dự án lồng ghép khác của các dự án giảm nghèo cũng đã kịp thời giúp người nghèo ở các địa phương có điều kiện phát triển sản xuất, giải quyết việc làm tăng thêm thu nhập, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Nhiều dự án giảm nghèo thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2023 dành cho các hộ nghèo, cận nghèo được UBND tỉnh triển khai đến từng địa phương kịp thời và hiệu quả. Tổng nguồn vốn trung ương phân bổ năm 2022 và 2023 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh là 89,56 tỷ đồng. Nguồn vốn này được UBND tỉnh phân bổ cho các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị, thành trong tỉnh để triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo thông tin; Nâng cao năng lực, giám sát đánh giá…

Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai thực hiện công tác khuyến nông lâm ngư, chuyển giao kỹ thuật, cách làm ăn cho người nghèo với nhiều dự án, mô hình trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh… nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tỉnh Tiền Giang đã triển khai các nguồn lực đầu tư của trung ương, địa phương và các chính sách, giải pháp giảm nghèo hiệu quả. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu năm năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, toàn tỉnh Tiền Giang có 8.112 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,6% so tổng số hộ toàn tỉnh (506.184 hộ) và 16.113 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,18% so tổng số hộ toàn tỉnh. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 1,27%, đạt vượt kế hoạch đề ra (1,4%).

Năm 2023, thực hiện Kế hoạch 80 ngày 8-3-2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo năm 2023, với mục tiêu: Giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 xuống còn 1,07% so với số hộ nghèo toàn tỉnh (giảm khoảng 1.000 hộ nghèo, tương đương giả tỷ lệ khoảng 0,2%). Phấn đấu đến cuối nă 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn dưới 1% theo kế họach của Tỉnh ủy đề ra. 

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo; những điển hình về giảm nghèo ngày càng được nhân rộng. Kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.

HỮU NGHỊ

.
.
.