Thứ Hai, 11/12/2023, 15:54 (GMT+7)
.
GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG Ở TP. MỸ THO:

Chìa khóa đem đến kết quả giảm nghèo bền vững

TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang là một trong những địa phương thực hiện rất tốt công tác giảm nghèo bền vững. Kinh nghiệm của TP. Mỹ Tho chính là giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (gọi tắt là Chương trình) tại địa phương, đảm bảo chính sách ưu đãi đến tới hộ nghèo và phát huy hiệu quả tích cực.

GIÁM SÁT CHẶT CHẼ

TP. Mỹ Tho là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất toàn tỉnh.
TP. Mỹ Tho là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh Tiền Giang.

Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho Lê Thị Bé Phượng cho biết: “Hằng năm, UBND và Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình TP. Mỹ Tho đều có kế hoạch giám sát đối với việc thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn. Mục đích nhằm giám sát việc chấp hành quy định về quản lý Chương trình hằng năm trên địa bàn thành phố. Giám sát giúp chúng tôi kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình tại xã, phường. Qua đó, đề xuất các giải pháp và kiến nghị trong tổ chức thực hiện và theo dõi việc thực hiện kiến nghị đã đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý. Chúng tôi yêu cầu việc giám sát phải bám sát các nội dung tại Thông tư 10 của Bộ LĐ-TB&XH và các quy định pháp luật liên quan, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng xã, phường; giám sát đánh giá đúng thực chất, khách quan”.

Nội dung giám sát là công tác tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, việc xây dựng hệ thống văn bản quản lý, hướng dẫn thực hiện Chương trình; lập kế hoạch thực hiện giai đoạn 5 năm, hằng năm. Tình hình thực hiện Chương trình như: Tiến độ, mức độ, kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ; khối lượng thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc Chương trình; khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình và kết quả xử lý; để xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vẫn để vượt thẩm quyền.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP. Mỹ Tho có 16/122 ấp, khu phố không còn hộ nghèo và có 1 phường không còn hộ nghèo là Phường 9 (sau khi đã trừ hộ nghèo không còn khả năng lao động). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí dưới 4% theo tiêu chí nông thôn mới đến nay các xã đều đã đạt.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, việc đổi mới cách thức tiếp cận đơn chiều sang đa chiều đã phản ánh được đầy đủ tình trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Đồng thời, phân loại, đánh giá, xác định đối tượng nghèo và xây dựng các chính sách giảm nghèo mang tính tổng thể, toàn diện hơn, từ đó các hộ nghèo thoát nghèo một cách bền vững, tránh nguy cơ tái nghèo.

Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP. Mỹ Tho Nguyễn Thị Hoa cho biết: “Về phương pháp giám sát, chúng tôi thu thập các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của địa phương về thực hiện Chương trình; báo cáo giám sát theo đề cương hướng dẫn và các tài liệu liên quan. Thảo luận, trao đổi với Ban Chỉ đạo Chương trình trên địa bàn xã, phường, trưởng ấp, khu phố và giám sát việc thực hiện Chương trình ở xã, phường.

Sau đó tiến hành khảo sát, kiểm tra, giám sát thực địa; đồng thời tham vấn các đối tượng thụ hưởng để đánh giá mức độ tiếp cận và thụ hưởng Chương trình. Thành phần giám sát được huy động đầy đủ thành phần liên quan. Trong đó, cấp thành phố sẽ có đại diện Văn phòng HĐND - UBND thành phố, lãnh đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Kinh tế, Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Y tế cùng lãnh đạo và chuyên viên phụ trách công tác giảm nghèo của Phòng LĐ-TB&XH thành phố".

Ở cấp xã, phường có đại diện lãnh đạo UBND và thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình phường, xã; công chức phụ trách công tác giảm nghèo phường, xã. Tại mỗi phường, chúng tôi sẽ chọn ngẫu nhiên từ 3 ấp, khu phố trở lên để tiến hành giám sát và tham vấn trực tiếp với đối tượng hưởng lợi từ Chương trình”.

Công tác giám sát đã giúp tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác giảm nghèo ở các cấp TP. Mỹ Tho. Tiếp tục xem mục tiêu giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ hàng đầu và đưa vào Nghị quyết của cấp ủy Đảng, HĐND, UBND các cấp. Xây dựng kế hoạch giảm nghèo cho giai đoạn và kế hoạch cụ thể từng năm, gắn chương trình giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và từng địa phương, đơn vị.

Thành phố đã phân công cán bộ có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với công tác giảm nghèo và Ban Chỉ đạo điều hành Chương trình, có chủ trương, biện pháp tích cực. Quản lý chặt chẽ chương trình giảm nghèo, danh sách hộ nghèo, nhất là ở cấp cơ sở, thực hiện phân loại hộ nghèo, lập sổ quản lý hộ nghèo để có giải pháp thiết thực hỗ trợ phù hợp, theo dõi, đánh giá chất lượng thoát nghèo của từng hộ. Tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, đánh giá định kỳ để điều chỉnh các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp.

THỰC HIỆN ĐẦY ĐỦ CÁC CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO

Trong nhiều năm qua, TP. Mỹ Tho tập trung nhiều giải pháp để giúp hộ nghèo thoát nghèo. Hiện nay, TP. Mỹ Tho là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh. Đánh giá về kết quả của công tác giám sát, đồng chí Lê Thị Bé Phượng cho rằng: “Qua giám sát, cho thấy kết quả bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo của các phường, xã là khá chính xác, đảm bảo khách quan. Việc bình xét này có sự giám sát của Ủy ban MTTQ, đoàn thể và sự tham gia đánh giá của cộng đồng dân cư. Về giải pháp hộ thoát nghèo, Ban Chỉ đạo của thành phố, lãnh đạo cấp ủy, phường, xã có sự tập trung cao và đề ra nhiều giải pháp thiết thực”.

Chia sẻ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn là việc làm được TP. Mỹ Tho quan tâm thực hiện thường xuyên.
Chia sẻ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn là việc làm được TP. Mỹ Tho quan tâm thực hiện thường xuyên.

Sau khi có kết quả bình xét hộ nghèo, UBND thành phố chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình của TP. Mỹ Tho tiến hành phân loại hộ nghèo theo nguyên nhân nghèo của từng hộ. Đối với hộ nghèo do không có khả năng lao động thì cách hỗ trợ là giải quyết các chính sách bảo trợ xã hội khi hộ đủ điều kiện; đồng thời vận động hỗ trợ từ nguồn trợ giúp của các nhà hảo tâm.

Đối với hộ nghèo có lao động nhưng thiếu vốn thì hỗ trợ vốn thông qua dự án đa sinh kế của Chương trình và hỗ trợ vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đối với hộ nghèo có lao động không nghề nghiệp thì giúp đào tạo, tập huấn nghề phù hợp, sau đó giới thiệu việc làm. Nói chung, các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo của thành phố rất đa dạng và triển khai phù hợp với hoành cảnh từng hộ nghèo.

Với sự hỗ trợ đó, cộng với nỗ lực vươn lên của hộ nghèo nên kết quả thoát nghèo của TP. Mỹ Tho là khá bền vững. Hằng năm, ở Mỹ Tho cũng có tỷ lệ hộ tái nghèo nhưng tỷ lệ này không cao. Tái nghèo thường là do rủi ro thiên tai, bệnh tật hiểm nghèo đến bất ngờ. Đa phần hộ thoát nghèo còn lại đã có thu nhập ổn định, cuộc sống và từng bước vươn lên.

Cụ thể, trong năm 2023, để hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, Phòng LĐ-TB&XH thành phố phối hợp cùng UBND phường, xã, rà soát lập danh mục Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” với các mô hình được đăng ký như: Mô hình nuôi bò sinh sản, mua bán nhỏ, bán vé số với 88 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hộ mới thoát nghèo tham gia, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo điều kiện để các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, trong năm 2023 đã miễn, giảm học phí hơn  89 triệu đồng và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên nghèo, khó khăn hơn 307 triệu đồng. Hỗ trợ về y tế, toàn thành phố đã đề nghị cấp 1.839 thẻ Bảo hiểm y tế cho thành viên hộ nghèo và 3.696 thẻ Bảo hiểm y tế cho thành viên hộ cận nghèo.

Hỗ trợ tín dụng ưu đãi, trong năm đã giúp cho hộ nghèo vay hơn 1.6 tỷ đồng và 86 hộ cận nghèo vay hơn 2,8 tỷ đồng làm vốn sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ về nhà ở, giúp xây dựng 27 căn và sữa chữa 12 căn nhà cho hộ nghèo với tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng.

Công tác hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý được thực hiện tốt. Song song với thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thì TP. Mỹ Tho còn thực hiện rất tốt chính sách bảo trợ xã hội và an sinh xã hội.

THỦY HÀ

.
.
.