Huyện Tân Phước: Đảm bảo rà soát không bỏ sót hộ nghèo
Mục đích của việc rà soát nhằm xác định và lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đến thời điểm cuối năm 2023 để làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội. Đồng thời, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo hằng năm của huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cũng như của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Do đó, việc rà soát hộ nghèo phải đảm bảo xác định đúng và không bỏ sót đối tượng.
XÁC ĐỊNH ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG
Thông qua hội nghị truyền thông chính sách, hộ nghèo của huyện Tân Phước nắm bắt được các chính sách hỗ trợ đang triển khai đến đúng và đầy đủ với đối tượng. |
Để chuẩn bị tốt cho việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023, UBND huyện Tân Phước ban hành Quyết định 1823 về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giám sát rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn huyện.
Căn cứ Kế hoạch 401 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, UBND huyện Tân Phước tiếp tục ban hành Kế hoạch 443 về việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.
UBND huyện Tân Phước phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 cho Ban Chỉ đạo, Tổ giám sát rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 cấp huyện, xã và các rà soát viên của các ấp/khu phố trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện của cấp mình.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Hải, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Phước cho biết: “Với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện, Phòng LĐ-TB&XH đã tiến hành giám sát công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 tại các xã, thị trấn. Qua giám sát cho thấy, công tác rà soát đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng, có sự tham gia của người dân trong quá trình rà soát; xác định được số hộ thoát nghèo, tái nghèo, nghèo mới phát sinh trên địa bàn từng ấp, khu phố.
Kết thúc rà soát, từng địa phương đã xác định chính xác số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để theo dõi, quản lý, báo cáo cấp trên phê duyệt, công nhận. Đảm bảo thời gian kết thúc việc rà soát để lập danh sách mua bảo hiểm y tế kịp thời, đúng đối tượng, tránh trùng lắp hoặc bỏ sót”.
Việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm nay thực hiện theo phương pháp khảo sát thu thập thông tin của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo đảm phù hợp với chuẩn nghèo theo quy định tại Điều 3 Nghị định 07 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.
Chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác năm 2024.
Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 được quy định cụ thể gồm chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Chuẩn hộ cận nghèo khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều gồm thu nhập; mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (gồm 6 dịch vụ: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, tiếp cận thông tin. Trong đó, các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm có việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
TOÀN HUYỆN CÒN 291 HỘ NGHÈO
Cải tạo và trồng mới cây khóm đã tạo sinh kế hiệu quả cho nhiều hộ nghèo của huyện Tân Phước trong những năm qua. |
Theo đồng chí Nguyễn Tuấn Hải, công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện Tân Phước luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của UBND huyện, cùng với sự chủ động thực hiện của UBND và Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn trong công tác triển khai; đồng thời, có sự phối hợp đồng bộ, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nên nhận được hưởng ứng của nội bộ và nhân dân. Do đó, việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 của huyện là tương đối chính xác, đạt hiệu quả.
Đến nay, công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 trên địa bàn huyện Tân Phước đã hoàn thành. Kết quả đến cuối năm 2023 toàn huyện còn 291 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,59% so tổng số hộ toàn huyện; trong đó khu vực thành thị có 29 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,16% và khu vực nông thôn có 262 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,43%. Huyện còn 462 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,52%; trong đó khu vực thành thị có 80 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,43% và khu vực nông thôn có 382 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,08%.
Qua phân tích kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện Tân Phước cho thấy nguyên nhân nghèo chủ yếu là do thiếu việc làm và mất khả năng lao động. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số) cho thấy, trong số 291 hộ nghèo vừa được công nhận có 68 hộ thiếu việc làm; 178 hộ có người phụ thuộc trong hộ gia đình; 6 hộ có trẻ dinh dưỡng; 258 hộ thiếu bảo hiểm y tế; 30 hộ hạn chế về trình độ giáo dục của người lớn; 13 hộ có trẻ em trong độ tuổi đi học không đến trường; 45 hộ chất lượng nhà ở tạm bợ; 58 hộ có diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp; 16 hộ chưa tiếp cận nguồn nước sạch sinh hoạt; 130 hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh; 157 hộ thiếu hụt sử dụng dịch vụ viễn thông; 61 hộ thiếu phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Phân tích về tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thị trấn của huyện Tân Phước cho thấy, Tân Lập 1 là xã có tỷ lệ hộ nghèo 0,67% (12 hộ nghèo) thấp nhất huyện; xếp thứ hai là xã Thạnh Mỹ tỷ lệ hộ nghèo 1,12% (8 hộ nghèo); kế đến là xã Tân Hòa Thành tỷ lệ hộ nghèo 1,16% (31 hộ nghèo)… và Phú Mỹ là xã có tỷ lệ hộ nghèo 2,77% (62 hộ nghèo) cao nhất huyện.
Kết quả rà soát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đến thời điểm cuối năm 2023 là cơ sở để huyện Tân Phước thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. Từ việc phân tích nguyên nhân nghèo của từng hộ, thị trấn Mỹ Phước và các xã của huyện sẽ có kế hoạch hỗ trợ sinh kế phù hợp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
Chủ trương của huyện Tân Phước là giảm nghèo phải thực chất, không chạy theo thành tích hay chỉ tiêu. Chủ trương này được quán triệt trong cả hệ thống chính trị của huyện. Do đó, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, họp phân công cụ thể các thành viên trong Ban Chỉ đạo và các ban, ngành, đoàn thể, nhằm theo dõi, nắm bắt tình hình tạo điều kiện giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo cơ hội cho lao động của những hộ này có việc làm ổn định, từng bước cải thiện cuộc sống, từ đó giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện.
MAI HÀ