Sâu sát với nạn nhân chất độc da cam
Những năm qua, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (viết tắt là NNCĐDC) huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang không ngừng kiện toàn tổ chức, nâng chất hoạt động, sâu sát với NNCĐDC, tăng cường vận động nguồn lực chăm lo cho nạn nhân, giúp họ có cuộc sống tốt hơn.
Huyện Cai Lậy hiện có 1.562 NNCĐDC, trong đó có 177 nạn nhân thuộc diện gia đình chính sách. Hầu hết các gia đình có NNCĐDC cuộc sống rất khó khăn. Để làm tốt vai trò, chức năng của một tổ chức xã hội - từ thiện, từ nhiều năm qua, Hội NNCĐDC huyện Cai Lậy không ngừng xây dựng, củng cố và nâng chất hoạt động Hội cơ sở, xem đây là nhân tố quan trọng, sát thực tiễn cuộc sống của mỗi gia đình nạn nhân. Từ đó, các cấp Hội NNCĐDC huyện có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân kịp thời, hiệu quả.
Chủ tịch Hội NNCĐDC xã Mỹ Long Trần Thanh Nhờ thăm hỏi, động viên nạn nhân Lê Văn Vũ (ở ấp Mỹ Phú), bị teo liệt 2 chân. |
Hiện nay, Hội NNCĐDC huyện và 16 Hội NNCĐDC cơ sở của huyện Cai Lậy đều tổ chức sinh hoạt đều đặn, với tổng số hội viên 2.126 người, trong đó có 488 hội viên là NNCĐDC. Hằng năm, các cán bộ, hội viên tích cực tham gia công tác vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp hỗ trợ, giúp đỡ NNCĐDC, với số tiền vận động mỗi năm trên 1,5 tỷ đồng.
Từ nguồn vận động được, các cấp Hội NNCĐDC huyện Cai Lậy triển khai nhiều hình thức hỗ tợ, giúp đỡ NNCĐDC như tặng quà nhu yếu phẩm (năm 2023 là 2.803 suất, mỗi suất quà từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng); xây nhà “Mái ấm da cam” (năm 2023 là 7 căn, mỗi căn được hỗ trợ 50 triệu đồng); khám bệnh, phát thuốc miễn phí; tặng xe lăn, xe lắc; hỗ trợ sản xuất…
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo cuộc sống bền vững cho NNCĐDC, các cấp Hội NNCĐDC huyện Cai Lậy còn hỗ trợ vốn sản xuất nhỏ cho những gia đình nạn nhân có điều kiện lao động sản xuất, chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Trong đó có Mô hình “Hỗ trợ bò giống” do Trung ương Hội NNCĐDC Việt Nam phát động (hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ), thời gian 3 năm không tính lãi. Thời gian qua, cũng nhờ mô hình này mà nhiều hộ NNCĐDC ở huyện Cai Lậy đã được nhận vốn đầu tư nuôi bò đạt hiệu quả và có lãi, tạo thêm thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.
Điển hình như ở ấp 3, xã Mỹ Thành Bắc có anh Trần Văn Trường là NNCĐDC bị dị tật 1 chân, nhận vốn 10 triệu đồng để nuôi bò sinh sản. Qua 2 năm chăn nuôi có hiệu quả, anh Cường đã hoàn lại vốn. Giống như hộ anh Cường, ở xã Mỹ Thành Bắc còn có nhiều hộ NNCĐDC có điều kiện sản xuất (đất đai và còn khả năng lao động) được chính quyền, các đoàn thể trong xã, cùng bà con láng giềng hỗ trợ, giúp đỡ và chính sự nỗ lực của bản thân các nạn nhân đã vượt qua nỗi đau da cam, ổn định cuộc sống, như các hộ Đặng Văn Mum (ấp 2); Đỗ Thị Thùy Dung (ấp 5)…
Còn ở xã Mỹ Long, Chủ tịch Hội NNCĐDC xã Trần Thanh Nhờ cho biết, trong xã có 75 NNCĐDC luôn được cán bội Hội sâu sát và nắm rất chắc hoàn cảnh mỗi gia đình nạn nhân nên đã có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện để những gia đình nạn nhân khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Trong đó có các NNCĐDC đã vượt khó vươn lên như anh Ngô Văn Lệ (ấp Mỹ Phú), anh Phạm Văn Thời (ấp Mỹ Điền), chị Đỗ Thị Khuyên (ấp Mỹ Hội)…
Trong những năm qua, ở huyện Cai Lậy đã xuất hiện ngày càng nhiều Hội NNCĐDC cơ sở, cũng như cán bộ, hội viên thể hiện tình thương và trách nhiệm, luôn sâu sát, gần gũi chăm lo cho nạn nhân; đồng thời, hỗ trợ sinh kế cho gia đình NNCĐDC bằng những việc làm cụ thể, hiệu quả. Các cấp Hội NNCĐDC huyện Cai Lậy với những hoạt động chăm lo thiết thực cho NNCĐDC đã góp phần tích cực trong thực hiện an sinh xã hội, được Hội cấp trên, lãnh đạo và chính quyền địa phương đánh giá cao.
LÊ HUỲNH