.

"Tự tin vào chính mình để có cuộc sống tốt đẹp hơn"

Cập nhật: 13:55, 13/12/2023 (GMT+7)

Đó là lời tâm sự của nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC) Nguyễn Quốc Kra, sinh năm 1972, ở xã  Phước Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Anh được sinh ra và lớn lên với một cơ thể không lành lặn, chân tay đều bị tật, ngực bị lép một bên, đi đứng hết sức khó khăn, hoàn cảnh gia đình thiếu thốn mọi thứ. Nhưng với ý chí và nghị lực vươn lên của bản thân, anh quyết tâm đeo đuổi việc học và đã tốt nghiệp đại học, có việc làm tại địa phương.

Anh Nguyễn Quốc Kra, tấm gương khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Anh Nguyễn Quốc Kra, tấm gương khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bà của anh Kra là Mẹ Việt Nam Anh hùng; cha, mẹ đều là bộ đội. Anh kể: “Cha mẹ tôi tham gia vào quân ngũ và nhiều năm đóng quân ở chiến trường miền Đông. Thời gian đi chiến đấu trên chiến trường đất bạn Campuchia và sinh ra tôi ở tỉnh Kra-Chê nên cha mẹ đặt tên cho tôi là Kra như là một kỷ niệm ở đất bạn. Trong những năm tháng ở chiến trường, cha mẹ tôi đều bị phơi nhiễm chất độc da cam rồi di truyền sang tôi…”.

Được biết, hoàn cảnh và quá trình học tập của anh Kra cũng lắm gian nan. Tuy thân thể bị tật nguyền, lao động rất hạn chế, nhưng với nỗ lực của bản thân, anh đã miệt mài học tập đến lớp 12. Anh muốn học tiếp lên đại học nhưng không có đủ sức khỏe, hơn nữa kinh tế gia đình lại quá khó khăn nên anh đành phải nghỉ học.

Năm 1990, anh tham gia công tác tại xã nhà và làm cán bộ hộ tịch, rồi làm cán bộ phụ trách Văn hóa - thông tin. Trong quá trình công tác tại địa phương, trải qua các vị trí được phân công, anh luôn hoàn tốt nhiệm vụ, được UBND tỉnh, huyện tằng Bằng khen và Giấy khen. Sau đó, lãnh đạo địa phương giới thiệu và cử anh đi học lớp liên thông đại học, chuyên ngành Quản lý Văn hóa tại TP. Hồ Chí Minh.

Để có đủ tiền trang trải cho gia đình, bởi chỉ có đồng lương công chức xã không thể nuôi sống vợ chồng cùng 2 con đang tuổi ăn học; nhiều đêm anh trăn trở, suy nghĩ, phải làm cách nào đó để có thêm thu nhập cho gia đình. Suy nghĩ mãi, cuối cùng anh chọn cho mình nghề mua, bán phế liệu là phù hợp với hoàn cảnh của gia đình anh. Bên cạnh đó, nhiều lần các đoàn thể ở địa phương đến hỗ trợ, giúp đỡ, động viên, nhất là cán bộ Hội NNCĐDC xã, huyện.

Đầu tiên, anh nhận 10 triệu đồng từ vốn của Hội NNCĐDC hỗ trợ. Lúc đầu, vốn ít, mỗi sáng vợ anh Kra mang gánh đi mua trong xóm, chiều về vựa bán lại. Riêng anh, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, trở về nhà, anh phụ vợ lựa, sắp xếp phế liệu để đi bán cho vựa.

Sau nhiều năm chịu khó mua bán, tích lũy được số vốn nên gia đình anh mở luôn vựa phế liệu tại nhà để có lãi nhiều hơn. Vựa phế liệu của vợ chồng anh Kra mỗi tháng thu khoảng 5 triệu đồng, cộng với tiền lương công chức của anh, tiền trợ cấp NNCĐDC… cuộc sống gia đình dần dần ổn định.

Anh Nguyễn Quốc Kra tâm sự: “Từ thực tiễn của bản thân, tôi muốn nhắn nhủ cùng các anh, chị, em là NNCĐDC như tôi rằng, xin các bạn đừng nản lòng, hãu phấn đấu vượt qua khó khăn, bệnh tật. Hãy bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất, những việc mà chúng ta có thể làm được, rồi một ngày kia chúng ta sẽ làm được việc lớn hơn, những việc mà chính mình tưởng không bao giờ có thể làm được, chúng ta hãy tự tin vào chính mình để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chung quanh chúng ta còn có rất nhiều tấm lòng vàng, trái tim nhân ái, họ sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ chúng ta…”.

Có thể nói, anh Nguyễn Quốc Kra là một tấm gương sáng giàu nghị lực, biết vượt qua số phận và vươn lên trong cuộc sống, là người không biết chùn bước trước gian nan thử thách. Chất độc da cam có thể hoành hành, tàn phá, làm đau đớn thể xác và tâm hồn con người, nhưng không thể làm mất đi nghị lực vươn lên khi mỗi người biết thích nghi với hoàn cảnh của cuộc sống.

LÊ HUỲNH

 

 

.
.
.