Tuyên truyền bình đẳng giới qua hình thức sân khấu hóa
(ABO) Truyền thông bằng các tiểu phẩm như cách làm của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang tại Hội thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 mang lại hiệu quả cao.
Các tiểu phẩm tuyên truyền tại hội thi. |
Tham dự hội thi có gần 100 cán bộ, hội viên, tuyên truyền viên tham gia công tác bình đẳng giới và gia đình đến từ 11 đơn vị thuộc các huyện, thành, thị. Các thí sinh trải qua 3 phần thi, gồm: Trắc nghiệm kiến thức pháp luật, hiểu ý đồng đội và trình bày tiểu phẩm tuyên truyền kiến thức pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Nội dung tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ); Luật Hôn nhân và Gia đinh, các nghị định của Chính phủ quy định thi hành, quy định biện pháp và xử phạt hành chính về bình đẳng giới.
Với sự chuẩn bị chu đáo, các đơn vị đã đem đến cho người xem những nội dung và sắc thái riêng, đáp ứng được yêu cầu của hội thi. Đặc biệt, ở phần thi tiểu phẩm, các đội đã mang đến cho người xem những kịch bản với nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú phản ánh thực trạng vấn đề BLGĐ, bất bình đẳng giới, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình dưới nhiều hình thức, ý nghĩa, kết hợp lồng ghép nhiều thể loại nghệ thuật, cổ động trực quan, tạo thêm không khí sôi nổi và hấp dẫn, đánh dấu chất lượng hội thi.
Phát biểu tại hội thi, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kiều Tiên cho biết: Hội thi nhằm phổ biến kiến thức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; tạo không khí thi đua sôi nổi, thu hút sự tham gia của các ngành, từ đó nâng cao tinh thần tự giác, ý thức chấp hành pháp luật, đưa công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đi vào cuộc sống.
Qua đó, tôn vinh những giá trị cao đẹp của gia đình, góp phần từng bước xóa bỏ định kiến giới, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội bình đẳng, tiến bộ và phát triển bền vững. Đây còn là dịp để cán bộ, hội viên phụ nữ, tuyên truyền viên có dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới.
Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của đại biểu, khán giả là phần thi truyền thông các thông điệp qua biểu diễn các tiểu phẩm. Những tiểu phẩm là các tình huống đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong các gia đình. Bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được ít nhiều, đâu đó chuyện tương tự đang xảy ra ở ngay trong chính ngôi nhà của mình, của anh em, bạn bè, hàng xóm láng giềng…
11 đội là 11 tiểu phẩm với các nội thông, thông điệp khác nhau. Các thành viên trong đội thi đã thể hiện khả năng sáng tạo trong việc vận dụng pháp luật sao cho thuyết phục, thấu tình đạt lý, giúp công chúng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng tình huống để tuyên truyền tiếp cho gia đình, dòng họ, hàng xóm…
Phát biểu kết thúc hội thi, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Mỹ Nương nhận xét: Các đội xây dựng tiểu phẩm đều bám vào chủ đề nội dung, kế hoạch hội thi, phản ánh những vấn đề thời sự và đưa ra những thông điệp ý nghĩa cho khán giả. Thông qua các tiểu phẩm đã giúp cho cán bộ, hội viên phụ nữ, cộng tác viên, tuyên truyền viên bình đẳng giới và gia đình ở các đơn vị nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm về công tác bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ. Nhiều đơn vị đã đầu tư khá tốt về tiểu phẩm, dàn dựng kỹ lưỡng, gây được ấn tượng với Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và khán giả. Những tiểu phẩm được dàn dựng kết hợp nhiều thể loại ca múa nhạc, cải lương, góp phần cho hội thi thêm sinh động.
Tại hội thi, xuất hiện nhiều diễn viên, tuyên truyền viên trẻ, diễn xuất tốt, tạo cảm xúc cho người xem. Ở phần thi hỏi đáp kiến thức và trắc nghiệm, các đơn vị có sự quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu, nắm vững kiến thức về công tác gia đình, phòng, chống BLGĐ và bình đẳng giới; trả lời tự tin, truyền cảm, thuyết phục; nhiều đơn vị có liên hệ thực tiễn trong công tác ở địa phương.
Từ thành công của hội thi, các đội, đơn vị mong muốn Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang thường xuyên tổ chức những hoạt động tương tự, vì đây là cách làm hay, có khả năng đem lại hiệu quả cao trong tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Mặt khác, mọi người cùng học hỏi nhau cách giải quyết hay đối với những tình huống xảy ra trong gia đình, cộng đồng, để tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ; thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
SỚM MAI
.