Đường về tết gần hơn - Bài 1: "Giải vây" vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
LTS: Một trong những kết quả ấn tượng nhất trong năm qua của ngành GTVT là nhiều tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ được đầu tư mới, nâng cấp mở rộng; nhiều cây cầu được xây dựng hoàn thành bắc qua sông… Qua đó không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, mà còn là niềm hân hoan của hàng vạn người con đi làm ăn xa xứ: tết này, đường về quê không còn xa nữa!
TPHCM nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung là khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, quy tụ đông đảo người dân từ mọi miền đất nước đến học tập, làm ăn, sinh sống. Cũng vì vậy mà mỗi khi tết đến, ùn tắc giao thông xảy ra khắp nơi, khiến đường về quê hết sức gian nan. Tuy nhiên, tết năm nay, việc đi lại đã khác khi tuyến cao tốc từ TPHCM đến Cần Thơ, TPHCM đến Vĩnh Hảo (Bình Thuận) thông suốt.
Về miền Tây nhanh hơn
Sau khi cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khánh thành ngày 24-1-2023, việc đi lại, giao thương của người dân thuận tiện hơn nhiều lần. Áp lực giao thông trên quốc lộ 1A được giảm tải gần một nửa. Năm nay, đường về quê ăn tết của người dân miền Tây ngắn hơn, nhanh hơn, đỡ chật vật hơn.
Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông suốt giúp người dân về quê ăn tết thuận tiện. Ảnh: NGỌC PHÚC |
Từ giữa tháng Chạp đến nay, rất đông công nhân, người lao động làm việc tại TPHCM và các tỉnh miền Đông đã bắt đầu đổ về quê miền Tây đón tết, nhưng tình trạng kẹt xe trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, khu vực cửa ngõ hầu như chưa xảy ra. Anh Thành, quê huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), làm công nhân ở KCN Thuận An (Bình Dương), cho biết, năm nay là năm thứ 5 vợ chồng anh và 2 con nhỏ về quê đón tết bằng xe máy. “Hành trình về quê ăn tết năm nay của gia đình tôi mất 6 giờ, thay vì 10 giờ như năm ngoái. Về đến nhà, trẻ con cũng đỡ mệt mỏi, không phát bệnh như những lần trước”.
Theo anh Thành, do có cao tốc thông tuyến từ TPHCM đến Cần Thơ nên lượng ô tô, đặc biệt là xe khách trên quốc lộ 1A giảm đi khá nhiều. Tình trạng xe khách phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn trên quốc lộ 1A ít xảy ra nên nguy cơ tai nạn được kéo giảm.
Bên cạnh đó, các tuyến đường khác đưa vào vận hành cũng góp phần giảm tải giao thông trên tuyến quốc lộ khá tốt. Ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết, sau khi đường Vành đai Tân An được khánh thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 12-2023 thì cửa ngõ miền Tây thực sự thông thoáng hơn. Bởi đây là trục giao thông liên kết giữa TP Tân An - huyện Châu Thành - huyện Tân Trụ - huyện Thủ Thừa. Đồng thời cũng là tuyến giao thông quan trọng nối cao tốc TPHCM - Trung Lương - quốc lộ 62 - quốc lộ 1 và hai bên sông Vàm Cỏ Tây hướng về trung tâm TPHCM, giúp chuyển hướng lưu thông ra vùng ven, ngoại thành, giảm áp lực cho quốc lộ 1, quốc lộ 62 và khu vực trung tâm.
Đáng chú ý, sự túc trực tại điểm nóng giao thông của các lực lượng chức năng góp phần rất lớn trong việc giảm ùn tắc xe cộ. Cầu Bến Lức (Long An) trước đây luôn là điểm nóng kẹt xe ở khu vực cửa ngõ miền Tây trong các dịp lễ tết. Lý do một phần do cầu hẹp, bị thắt cổ chai, nhiều quán ăn, cửa hàng kinh doanh, xe hàng rong buôn bán lấn chiếm lòng đường. Đại tá Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An, cho biết, từ trước Tết Dương lịch 2024, công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng CSGT phối hợp với Sở GTVT tỉnh Long An, chính quyền địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp buôn bán lấn chiếm lòng lề đường; lập các tổ làm nhiệm vụ phân luồng, tổ chức giao thông từ xa, điều tiết lưu thông vào các tuyến đường dân sinh, giảm tải cho quốc lộ…
Tương tự, tại Tiền Giang, cầu Rạch Miễu là “điểm đen” kẹt xe dai dẳng, là nỗi ám ảnh không chỉ của người dân các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, mà của cả lực lượng chức năng vào thời điểm lễ tết. Để giảm ùn tắc, kẹt xe và tai nạn giao thông xảy ra tại điểm đen này, đại diện Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, đã phối hợp với Công an tỉnh Bến Tre và các đơn vị chức năng thành lập nhiều tổ điều tiết giao thông trên cầu và khu vực 2 bên cầu Rạch Miễu. Khi phương tiện lưu thông hướng nào đông, các tổ sẽ ưu tiên cắt xả một chiều hướng đó, đồng thời yêu cầu Trạm thu phí BOT Rạch Miễu xả trạm. Bên cạnh đó, địa phương cũng huy động nhiều phà (loại 100 tấn) hoạt động xuyên suốt tại bến phà tạm Rạch Miễu. Khi cầu bị quá tải, sẽ điều hướng để người dân qua sông bằng phà.
Hết thăm thẳm đường về miền Trung
Kể từ tháng 4 đến tháng 5-2023, khi 2 tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi vào hoạt động, quãng đường từ TPHCM và các tỉnh thành phía Nam về các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận được rút ngắn cả về thời gian lẫn khoảng cách, cả người dân các tỉnh thành phía Bắc cũng hưởng lợi. Tết Nguyên đán này là tết đầu tiên bà con tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận về quê ăn tết bằng xe khách, ô tô thuận lợi hơn bao giờ hết.
Anh Lê Quý Bình (làm công nhân tại TPHCM, quê TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cho biết, trước đây dù quãng đường về quê khoảng 200km nhưng do tất cả phương tiện buộc phải di chuyển trên quốc lộ 1A nên luôn gặp cảnh khổ sở vì ùn tắc, nhất là những ngày giáp tết. Có năm, từ TPHCM đi về Phan Thiết phải mất 7-8 giờ. “Tết này, nhờ có cao tốc, tôi sẽ chọn xe khách để về nhà, thời gian di chuyển chỉ mất hơn 2 giờ”, anh Bình nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quýnh (làm việc tại tỉnh Bình Dương, ngụ huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) phấn khởi cho hay: “Tết năm nay, tôi sẽ lái ô tô đưa gia đình về thăm nội, ngoại. Từ Bình Dương vào cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết rồi chạy một mạch về nút giao ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận là xem như đã về tới quê. Không chỉ dịp tết, từ khi có cao tốc, tôi cũng thường xuyên đưa các con về quê vì đi lại thuận tiện”.
Theo Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, 2 tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết qua địa phương dài trên 160km, nối liền mạch với TPHCM và các tỉnh thành phía Nam. Trên cao tốc có 7 nút giao liên thông, người dân ở các huyện, ở vùng xa tỉnh Bình Thuận có thể từ các nút giao đó đi về địa phương của mình rất thuận lợi. Điều này không chỉ giúp người dân về quê ăn tết nhanh hơn mà việc vận chuyển hàng hóa phục vụ tết cũng nhanh chóng, tiết kiệm chi phí.
Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Để đảm bảo an toàn giao thông, đơn vị đã tổ chức kiểm tra tất cả tuyến quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch. Những bất hợp lý ảnh hưởng đến lưu thông sẽ xử lý ngay. Hiện nay, tất cả các tuyến đường đều lưu thông an toàn, không có điểm nào bị ách tắc. Đối với các điểm đang sửa chữa, nâng cấp trên các tuyến đường, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các nhà thầu cố gắng hoàn thành trước ngày 31-1 hoặc thu dọn để trả lại sự thông thoáng, đảm bảo nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong dịp tết được thuận lợi, an toàn nhất”.
Sẽ thông toàn tuyến đèo Prenn trước tết âm lịch Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) khởi công tháng 2-2023, nhằm phục vụ việc thi công tuyến đường đèo đã tạm đóng cửa gần một năm. Từ mặt đường rộng 7m, 2 làn xe, sau khi hoàn thành đèo Prenn có 4 làn xe, rộng 14,5m, nhiều đoạn đường cua gắt đã được nắn thẳng.
Thiếu tá Nguyễn Huỳnh Quốc Trung, Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an TP Đà Lạt, cho biết: “Bên cạnh việc huy động 100% lực lượng ứng trực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị lắp đặt biển hướng dẫn, cảnh báo, vạch kẻ đường… Để tăng ý thức chấp hành luật giao thông cho người dân, chúng tôi tiến hành khảo sát, đề xuất lắp đặt hệ thống camera giám sát tích hợp vào trung tâm điều hành giao thông của TP Đà Lạt để kiểm soát, xử lý tình trạng vi phạm giao thông tại đèo”. Tết Dương lịch 2024, đèo Prenn được mở cửa tạm thời đã góp phần giảm tải đáng kể lượng phương tiện lưu thông qua tuyến đèo Mimosa. Anh Nguyễn Văn Quốc (du khách từ Đồng Nai) chia sẻ: “Đi đường đèo Mimosa thì phải mất 20-25 phút do lượng phương tiện hỗn hợp gồm xe tải, xe khách, xe du lịch. Sau khi đèo Prenn hoàn thành nâng cấp, thời gian di chuyển chỉ còn 10 phút do mặt đường rộng, xe tải không được phép lưu thông”. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, toàn tuyến đèo Prenn sẽ được thông xe trước Tết Nguyên đán để thuận tiện cho người dân về quê đón tết cũng như chào đón du khách đến với xứ sở ngàn hoa. |
Theo sggp.org.vn