Thứ Tư, 24/01/2024, 13:39 (GMT+7)
.

Huyện Châu Thành: Chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Với mục tiêu sớm xây dựng thành công huyện nông thôn mới, trong những năm qua, Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để lãnh đạo hiện thực hóa mục tiêu và xác định một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt là lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (viết tắt là Cuộc vận động). Với phương châm hướng về cơ sở, lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho dân, phát huy nội lực của cộng đồng dân cư địa phương, huyện Châu Thành đã huy động mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

TUYÊN TRUYỀN TẠO SỰ ĐỒNG THUẬN

Trên cơ sở kế thừa kết quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” giai đoạn trước đó, từ năm 2017 đến nay Huyện ủy đã quán triệt, cụ thể hóa Chỉ thị 10 ngày 15-12-2016 của Ban Bí thư và các văn bản lãnh đạo của Tỉnh ủy, ban hành công văn để chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động trên phạm vi toàn huyện gắn kết chặt chẽ với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện tuyên dương gương điển hình tiên tiến xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Châu Thành tuyên dương gương điển hình tiên tiến xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Huyện ủy chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc huyện có kế hoạch, chương trình phối hợp các đoàn thể, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền 5 nội dung Cuộc vận động, phát động sâu rộng phong trào thi đua “Châu Thành chung sức xây dựng nông thôn mới” trong các tầng lớp nhân dân với hình thức phù hợp.

Theo đó, các đơn vi chức năng tuyên truyền trực tiếp đến từng tổ dân cư được 786 cuộc với 39.300 lượt đoàn viên, hội viên dự; 16 cuộc cho 653 chức sắc, chức việc, tín đồ; phát hành 4.300 tờ bướm. Ngành Văn hóa - Thông tin đặt treo 45.926 băng rôn, áp phích nơi đông dân cư, trục đường chính, trụ sở làm việc UBND, trung tâm văn hóa, chợ. Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp chính quyền cơ sở tổ chức tọa đàm “Phát huy dân chủ cơ sở - giải pháp nâng cao xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao” ở 10 xã.

Đài Truyền thanh huyện duy trì chuyên mục phát thanh “Đại đoàn kết toàn dân tộc” hằng tuần với 4.570 tin, bài về nội dung Cuộc vận động, gương tiên tiến điển hình xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền đã nâng cao nhận thức của tổ chức, đơn vị, người dân về vai trò, tầm quan trọng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đặc biệt là hiểu được xây dựng nông thôn mới là để nâng cao đời sống nhân dân và người dân giữ vai trò chủ thể, là đối tượng thụ hưởng trực tiếp thành quả đó. Từ đó, người dân tích cực hưởng ứng, chung sức, chung lòng đóng góp sức công, sức của vào xây dựng nông thôn mới.

Quá trình thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, huyện Châu Thành xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay tạo bước đột phá. Việc nâng cao hiệu quả Cuộc vận động được quan tâm nhân rộng.

Có thể kể: Lĩnh vực kinh tế với mô hình “Canh tác lúa kết hợp trồng hoa sinh thái” giúp nông dân hạn chế sử dụng thuốc hóa học, giảm chi phí sản xuất; “Ứng dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học trong canh tác sa pô theo VietGAP” giúp nông dân sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học trong canh tác; “Ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước trên cây sầu riêng” giảm lượng nước 30% - 40% phù hợp với vùng chịu ảnh hưởng hạn, mặn, giúp cây sinh trưởng tốt.

Lĩnh vực xã hội có mô hình “Giúp nhau thoát nghèo” ở các xã Tân Hội Đông, Tân Lý Đông, Đông Hòa, Long Hưng đã giúp hàng trăm hộ thoát nghèo bền vững. Lĩnh vực môi trường với mô hình “Tự quản về môi trường”, “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp”, “Khu dân cư sạch đẹp, tự quản về vệ sinh môi trường”...

Qua đó, Cuộc vận động đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sức sống mới cho nông thôn, đô thị. Phong trào “Châu Thành xây dựng nông thôn mới” đã lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là sự chung sức, đồng lòng hưởng ứng của người dân.

Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức thành viên đề ra nhiều cách làm sáng tạo, điển hình như Hội Cựu chiến binh làm nòng cốt trong xây dựng đường giao thông; Đoàn Thanh niên với chương trình xung kích, tình nguyện bảo vệ môi trường; Hội Liên hiệp Phụ nữ với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; Hội Nông dân với phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi...

Từ đó đã phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, khơi dậy lòng tương thân tương ái, đùm bọc, giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững; thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng nếp sống văn minh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tham gia bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch -  đẹp; giữ gìn an ninh trật tự.

NGƯỜI DÂN LÀ TRUNG TÂM CỦA CUỘC VẬN ĐỘNG

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, việc xây dựng nông thôn mới đã đi vào chiều sâu. Nổi bật là: Đẩy mạnh vận động, khuyến khích nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ, tuân thủ các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất như quản lý dịch hại, quản lý cây trồng tổng hợp, phát triển diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; xây dựng thành công 42 sản phẩm OCOP.

Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, năm 2016 chỉ có 30 triệu đồng thì đến năm 2023 là 66,95 triệu đồng, tăng gấp 2,2 lần. Phong trào hiến đất, hiến tài sản, góp công diễn ra sôi nổi, người dân đã tự nguyện đóng góp tiền của tổng trị giá 588 tỷ đồng, trong đó hiến 956.018 m2 đất trị giá hơn 210 tỷ đồng; 53.077 ngày công làm 342 công trình giao thông (184 tuyến đường, 158 cây cầu), khơi thông dòng chảy 308 kinh mương nội đồng trị giá hơn 195 tỷ đồng góp phần thay đổi căn bản kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Phong trào xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục duy trì, phát triển; có 98,3% gia đình văn hóa, 133/133 ấp - khu phố văn hóa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh, đã huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, bình yên xóm làng.

Đặc biệt, huyện dành sự quan tâm đến bảo đảm an sinh xã hội, người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau: Bảo hiểm y tế bao phủ 91,07% dân số, tăng 16,9% so năm 2015; Quỹ Vì người nghèo, Quỹ An sinh xã hội vận động được 265,8 tỷ đồng và từ nguồn quỹ này đã xây 418 căn nhà cho hộ nghèo cùng với sự trợ giúp phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, nên hộ nghèo giảm rõ rệt từ 2.624 hộ (chiếm 3,94%) năm 2017 xuống còn 1.034 (chiếm 1,36%) năm 2023.

Cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa, đi vào đời sống nhân dân, gặt hái nhiều quả ngọt. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên; bộ mặt nông thôn, đô thị ngày càng khởi sắc như khoác lên mình chiếc áo mới. Các tầng lớp nhân dân vô cùng phấn khởi trước sự đổi mới của quê hương. Đến nay huyện có 22/22 xã nông thôn mới, 1/1 đô thị văn minh, trong đó có 5 xã nông thôn mới nâng cao; đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và trong tiến trình đề nghị Trung ương thẩm định, sớm công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Nông thôn mới, đô thị văn minh đã về trên quê hương Châu Thành, mang lại cuộc sống ấm no đến mọi nhà.

NGUYỄN MINH TÂM

.
.
.