.

TX. Cai Lậy: Chủ động các giải pháp phòng chống hạn, mặn

Cập nhật: 15:46, 31/01/2024 (GMT+7)

Với mục tiêu đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt đủ nước tưới cho khoảng 2.900 ha lúa vụ xuân hè năm 2024 và hơn 7.450 ha cây lâu năm (dừa, cây ăn trái) trên địa bàn, ngay từ tháng 11-2023, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã có phương án phòng, chống, ứng phó với hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024.

Nông dân xã Phú Quý nạo vét mương sâu để dự trữ nước.                                                                                                                     Ảnh MINH THÀNH
Nông dân xã Phú Quý nạo vét mương sâu để dự trữ nước. Ảnh MINH THÀNH

Trước dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 có khả năng tương đương như mùa khô 2019 - 2020, sẽ ảnh hưởng đến diện tích vườn cây ăn trái ở các huyện phía Tây, trong đó TX. Cai Lậy có nguy cơ bị ảnh hưởng, để chủ động ứng phó với hạn, mặn mùa khô năm 2023 - 2024, thị xã đã có giải pháp phi công trình như: Theo dõi diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, mặn trên sông Tiền, sông Năm Thôn và sông Hàm Luông xâm nhập qua sông Tiền để chủ động đóng cống, đắp đập ngăn mặn kịp thời; giải pháp bổ cấp nguồn nước cho các khu vực có khả năng thiếu nước ở phía Nam Quốc lộ 1.

Hằng năm, Phòng Kinh tế phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Cai Lậy tổ chức trên 60 cuộc tập huấn cho nông dân ở các xã, phường về kỹ thuật chăm sóc cây lúa, cây màu, nhất là cây ăn trái (sầu riêng) trước, trong và sau khi có hạn, mặn. Giải pháp công trình là: Kiểm tra, sửa chữa và xử lý kịp thời các công trình ngăn mặn theo phân cấp quản lý; bổ cấp nguồn nước cho các khu vực nếu xảy ra thiếu nước khi các cống đóng ngăn mặn và 3 đập thép ngăn mặn (Trà Tân, Ba Rài, Phú An): Tổ chức 3 điểm bơm chuyền tại các cống Đông Tà Lượt, Tây Tà Lượt, cống 26-3… với diện tích phục vụ 100 - 300 ha. Cụ thể, cống Đông Tà Lượt phục vụ sản xuất cho 300 ha thuộc xã Phú Quý, Nhị Quý; cống Tây Tà Lượt (xã Phú Quý - xã Long Tiên) phục vụ khoảng 120 ha tại xã Phú Quý; cống 26-3 (xã Phú Quý - xã Long Tiên) phục vụ khoảng 100 ha tại xã Phú Quý, với quy mô 2 - 4 máy bơm/điểm nếu xảy ra thiếu nước.

Trưởng Phòng Kinh tế TX. Cai Lậy Ngô Thanh Sơn cho biết, để đảm bảo sản xuất cây trồng an toàn, ứng phó tốt với hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2024, Phòng Kinh tế chú trọng tuyên truyền các giải pháp phòng, chống hạn, mặn; trữ nước, chăm sóc cây trồng khỏe và đặc biệt lưu ý không để mương vườn khô để tránh trường hợp phèn ảnh hưởng cây trồng.

Ngoài ra, Phòng Kinh tế đã trình UBND thị xã cho chủ trương đầu tư các công trình thủy lợi (nạo vét kinh) năm 2024 từ nguồn vốn hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, nguồn hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công thủy lợi; đề xuất UBND thị xã cho chủ trương đóng đập tạm trữ nước ngăn mặn đối với 17 cống không đảm bảo trữ nước, ngăn mặn.

Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế còn thường xuyên thông báo, cập nhật nhanh tình hình, diễn biến xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh đến các xã, phường thông qua các nhóm Zalo nhằm thông báo kịp thời cho người dân để chủ động các biện pháp ứng phó.

Các xã, phường cần duy trì quản lý, thường xuyên trục vớt lục bình và các chướng ngại vật lòng kinh, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kinh thủy lợi trên địa bàn. Đồng thời, thông báo lịch vận hành công trình cống và diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên sông Tiền, sông Năm Thôn và các tuyến sông chính qua địa bàn thị xã; tổ chức đo đạc diễn biến xâm nhập mặn các tuyến sông, kinh, rạch trên địa bàn xã, phường để thông báo rộng rãi cho nhân dân biết chủ động nguồn nước tưới; tận dụng các ô bao ngăn lũ và triều cường của các địa phương để ngăn mặn, trữ ngọt; củng cố hệ thống đê bao ngăn lũ, ngăn triều cường có sẵn, tổ chức đắp đập ngăn mặn, tôn cao các tuyến đê bao, sửa chữa các cống do địa phương quản lý…

Bên cạnh đó, địa phương vận động nhân dân chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, mặn như nạo vét kinh, mương nội đồng, cải tạo mương vườn để tăng diện tích trữ nước. Các xã, phường huy động lượng máy bơm để tổ chức bơm chuyền 2 cấp cung cấp nước cho cây trồng, bơm trữ nước trên kinh, ao, mương khi mực nước nội đồng xuống thấp… và chuẩn bị vật tư để đắp đập ngăn mặn khi có khuyến cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã; tuyên truyền nhân dân sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm, không sử dụng nước sinh hoạt cho mục đích khác, không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

HÀ NAM


 

.
.
.