Thứ Năm, 01/02/2024, 16:20 (GMT+7)
.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang: Đưa chuyển đổi số vào quản lý người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT

Năm 2023, với những nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Tiền Giang quyết tâm hoàn thành tốt, xuất sắc các chỉ tiêu cơ bản được BHXH Việt Nam, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh giao. Trong đó, công tác chuyển đổi số tiếp tục có những bước đột phá quan trọng, mang lại lợi ích lớn cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn.

Lãnh đạo BHXH tỉnh và các sở, ngành tại Hội nghị sơ kết công tác chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam.
Lãnh đạo BHXH tỉnh và các sở, ngành tại Hội nghị sơ kết công tác chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam.

Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, chỉ tiêu chủ yếu trong năm, công tác chuyển đổi số của BHXH tỉnh Tiền Giang tiếp tục có những bước tiến vững chắc, đặc biệt là trong việc triển khai thực hiện theo Kế hoạch 176 ngày 31-5-2023 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị 05 ngày 23-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 08 ngày 10-5-2023 của Tỉnh ủy.

Đối với thực hiện Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), công tác này đã và đang mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của đơn vị, góp phần kiến tạo và xây dựng thành công của ngành BHXH Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại.

Hiện nay, BHXH tỉnh Tiền Giang đã triển khai 28 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, đảm bảo 100% thực hiện trên phần mềm ứng dụng; 100% công chức, viên chức và người lao động của đơn vị được định danh và cấp chữ ký số phục vụ quản lý và giải quyết các hoạt động nghiệp vụ.

100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của BHXH tỉnh được thực hiện trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (Eoffice), được thống nhất, có kết nối liên thông để gửi, nhận văn bản với các đơn vị, tổ chức. 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; 100% hồ sơ được tạo lập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.

Kết nối với hơn 216 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) BHYT trên toàn tỉnh để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT; hơn 3.352 đơn vị giao dịch điện tử với cơ quan BHXH thông qua cổng thông tin điện tử với bình quân gần 25.000 hồ sơ/năm. Tỷ lệ theo dõi giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ gần 100%, số hóa gần 155 ngàn hồ sơ các loại.

Thực hiện cập nhật, đồng bộ dữ liệu quản lý người tham gia BHXH, BHYT với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, toàn tỉnh đã xác thực với dữ liệu dân cư 1.605.529/1.625.348 người, đạt tỷ lệ 99% người tham gia BHXH, BHYT.

BHXH tỉnh cũng đã tích cực, chủ động cùng Sở Y tế triển khai KCB BHYT bằng Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, đạt 100% tại các cơ sở KCB BHYT tương ứng với 216 cơ sở, với hơn 3,761 triệu lượt người sử dụng CCCD thay thẻ BHYT giấy để làm thủ tục KCB BHYT.

Việc áp dụng KCB bằng thẻ CCCD gắn chíp điện tử mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ tạo thuận lợi tối đa cho người có thẻ BHYT trong việc rút ngắn thời gian, thủ tục KCB, mà còn giúp cho các cơ sở KCB, cơ quan BHXH ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT.

Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng đã phối hợp Sở Y tế triển khai liên thông dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe, Giấy chứng sinh, Giấy báo tử điện tử đến các cơ sở KCB. Qua triển khai, đã có 28 cơ sở KCB thực hiện liên thông với 28.031 Giấy khám sức khỏe lái xe, 12.404 Giấy chứng sinh và 124 Giấy báo tử.

 Hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID-BHXH số cho sinh viên Trường Đại học Tiền Giang.
Hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID-BHXH số cho sinh viên Trường Đại học Tiền Giang.

Ứng dụng “VssID-BHXH số” được nâng cấp, bổ sung, hoàn thiện với nhiều tiện ích như bổ sung tính năng hiển thị số tiền và thời gian đơn vị chưa đóng BHXH, BHTN cho người lao động; cấp lại mật khẩu ứng dụng VssID tự động bằng trí tuệ nhân tạo tích hợp trên Tổng đài chăm sóc khách hàng của BHXH Việt Nam (19009068); triển khai, sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, sử dụng tài khoản VssID).

Ứng dụng VssID-BHXH số là một bước đột phá mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, sau hơn 3 năm triển khai, người dùng ngày càng hiểu được lợi ích, ý nghĩa, vai trò của ứng dụng VssID không chỉ trong việc cung cấp thông tin, tra cứu, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến về BHXH, BHYT, BHTN, mà còn giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN của chủ sử dụng lao động cho người lao động, góp phần ngăn chặn lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT.

Với các tính năng thiết thực của ứng dụng, đến nay VssID đã thu hút khoảng 420 ngàn người sử dụng toàn tỉnh và nhận được nhiều phản hồi tích cực, đánh giá cao từ phía người dân.

Triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng - Trợ cấp mai táng; các dịch vụ công trực tuyến giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, ngành BHXH cũng chủ động cung cấp dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia, gồm: Đăng ký tham gia đóng BHXH tự nguyện; Đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT; Giải quyết hưởng BHXH 1 lần. Đã tiếp nhận và xử lý hơn 5 ngàn hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Đẩy mạnh việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt 16.244/22.236 người, chiếm 73,1% tổng số người hưởng (vượt 1,1% so với kế hoạch giao), chi trả các chế độ BHXH qua tài khoản cá nhân, đạt tỷ lệ 86%, BHXH 1 lần đạt 98%, trợ cấp BHTN 100%, nghiên cứu việc ứng dụng CCCD gắn chíp trong chi trả các chế độ BHXH.

Với quan điểm của ngành BHXH Việt Nam “Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, tất cả các kết quả, nhiệm vụ của BHXH tỉnh đều nhằm mang tới những lợi ích tối ưu, tốt hơn cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách. Đây cũng là mục tiêu, định hướng xuyên suốt của ngành BHXH trong công tác chuyển đổi số.

Các giao dịch của người tham gia, người dân, đơn vị, doanh nghiệp với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số đã giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động thay vì phải đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH. Qua đó, giúp doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng, phòng, chống gian lận, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT, BHTN...

Kết quả trên cho thấy, công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đang có hướng đi đúng, đem lại những kết quả tích cực bước đầu, góp phần phục vụ người tham gia BHXH, BHYT ngày càng tốt hơn. Thời gian tới, ngành BHXH sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khác trong công tác chuyển đổi số theo hướng toàn diện, ưu tiên triển khai các dịch vụ công trực tuyến để người dân, người lao động, doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN ở bất thời gian và địa điểm nào.

Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý, xây dựng thành công ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của tổ chức và cá nhân, mang lại lợi ích cho người thụ hưởng.

NGUYỄN VĂN THANH

.
.
.