Thứ Năm, 15/02/2024, 12:25 (GMT+7)
.

Tạo động lực giúp ĐBSCL "cất cánh"

Với việc ưu tiên đầu tư chiến lược, phát triển hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, diện mạo giao thông vùng đang có sự thay đổi tích cực từng ngày. Nhờ đó, tính kết nối nội vùng và liên vùng được tăng cường, tạo động lực mạnh mẽ giúp ĐBSCL thu hút nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế.

Nối dài đường cao tốc

Những ngày cuối năm 2023, người dân vùng đất Chín Rồng có thêm niềm vui lớn khi chứng kiến Dự án tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (dài gần 23km, tổng mức đầu tư hơn 4.826 tỷ đồng) thông xe, đưa vào sử dụng. Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp thông xe toàn tuyến giao thông huyết mạch, kết nối với TPHCM (trung tâm kinh tế lớn nhất nước) và TP Cần Thơ (trung tâm vùng ĐBSCL), với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 160km.

a
Công trình cầu Mỹ Thuận 2 có ý nghĩa lớn trong việc kết nối toàn tuyến cao tốc TPHCM - Cần Thơ. Ảnh: TUẤN QUANG

Ở ĐBSCL, vùng đất có hệ thống sông ngòi chằng chịt, việc chỉ mất khoảng 2 giờ để di chuyển từ TP Cần Thơ đến TPHCM bằng đường bộ là điều mà trước đây nhiều người không dám nghĩ đến. Anh Trần Văn Mến, chủ một doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa từ các địa phương vùng ĐBSCL đi TPHCM, chia sẻ: “5 năm trước, xe tải của tôi phải ì ạch hơn 5 giờ mới chuyển được trái cây từ TP Cần Thơ tới TPHCM. Vào dịp lễ tết, quốc lộ 1 thường xuyên kẹt xe, thời gian di chuyển có khi phải kéo dài thêm nhiều giờ. Nay thì ngon rồi, có cao tốc nối suốt tuyến, thời gian di chuyển chỉ còn hơn 2 giờ, chi phí vận chuyển vì thế cũng giảm hơn 1 nửa. Bà con chúng tôi mừng lắm!”.

Tính đến cuối năm 2023, khu vực ĐBSCL đã đưa vào khai thác tổng chiều dài gần 200km đường cao tốc. Trong đó, gồm các đoạn Bến Lức - Trung Lương 40km, Trung Lương - Mỹ Thuận 51km, Mỹ Thuận - Cần Thơ 23km, Cao Lãnh - Lộ Tẻ 29km, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi 51km. Ngoài ra, trong vùng ĐBSCL hiện có các tuyến cao tốc đang được thi công khẩn trương, như: Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau (hơn 110km), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (hơn 188km), Cao Lãnh - An Hữu (gần 27,5km). Theo kế hoạch, dự kiến đến năm 2026, toàn vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 540km đường cao tốc được đưa vào khai thác.

Bên cạnh hệ thống đường cao tốc, các cầu vượt sông quy mô lớn cũng đã và đang hình thành, giải phóng nỗi khổ bao đời nay của hàng triệu người dân vùng sông nước Cửu Long là “qua sông phải lụy phà”. Trong đó, có thể kể đến các công trình cầu: Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống, Cao Lãnh, Mỹ Thuận 2, Rạch Miễu 2, Châu Đốc… Đặc biệt, sự kiện khởi công cầu Đại Ngãi (nối 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh) vào tháng 10-2023, khi hoàn thành sẽ giúp thông tuyến quốc lộ 60 đi TPHCM, đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của đông đảo người dân vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL.

Động lực “cất cánh”

Việc Chính phủ và các địa phương vùng ĐBSCL có nhiều giải pháp đột phá, dành phần lớn nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông đã giúp “bản đồ” giao thông vùng đất Chín Rồng không ngừng thay đổi diện mạo, từng bước tiến tới “xóa” trũng - nghẽn về hạ tầng giao thông; tạo động lực lớn để vùng ĐBSCL “cất cánh”, thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội, trở thành trung tâm kinh tế năng động cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, tỉnh xác định hạ tầng giao thông là động lực, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án trọng điểm thời gian qua đã phát huy hiệu quả cao, giúp địa phương kết nối 3 trung tâm lớn là TPHCM, Cần Thơ và Phnom Penh (Campuchia). Theo ông Nghĩa, tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu là tuyến đường quan trọng trong mạng lưới giao thông của Đồng Tháp nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, hình thành kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược liên vùng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả khu vực, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

TS Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, nhận định, năm 2023, chúng ta đã chứng kiến lễ khởi công nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của vùng ĐBSCL, như các tuyến cao tốc: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, cầu Đại Ngãi... Các dự án này đang dần hiện thực hóa giấc mơ ngàn đời của người dân vùng ĐBSCL.

“Tôi tin rằng, các dự án này sẽ tạo động lực lớn, sức bật lớn để các địa phương trong vùng đánh thức tiềm năng, khơi dậy lợi thế và hiện thực hóa khát vọng “cất cánh” phát triển trong thời gian tới”, TS Trần Khắc Tâm kỳ vọng.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ, hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đang được Trung ương quan tâm đầu tư, từ đường bộ với các cao tốc trục dọc, trục ngang; hệ thống đường thủy được quan tâm nạo vét, nâng cấp; cộng với cảng biển nước sâu Trần Đề đang được kêu gọi đầu tư… Đây là động lực rất lớn giúp Sóc Trăng nói riêng và các địa phương trong vùng ĐBSCL nói chung thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước tìm đến. Qua đó, hình thành các khu, cụm công nghiệp tạo việc làm tại chỗ, ổn định đời sống cho người dân. Rồi đây, bà con sẽ bớt được nỗi khổ phải “ly hương” lên các thành phố lớn để làm thuê.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, khu vực ĐBSCL sẽ hình thành 6 tuyến cao tốc (3 trục dọc và 3 trục ngang) với tổng chiều dài khoảng 1.166km.

Ba tuyến cao tốc trục dọc (tổng chiều dài 575km) gồm: Bắc - Nam phía Đông dài 245km, Bắc - Nam phía Tây dài 180km, TPHCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150km.

Ba tuyến cao tốc trục ngang (tổng chiều dài khoảng 591km), gồm: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191km, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212km, Hồng Ngự - Trà Vinh dài 188km.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.