Thứ Sáu, 23/02/2024, 19:25 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Chú trọng dạy nghề, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Đào tạo nghề là chìa khóa để phụ nữ mở ra cánh cửa việc làm, có thu nhập, đảm bảo cuộc sống và có cơ hội phát triển bản thân, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang Đặng Thị Ngọc Điệp cho biết: Để tạo ra cơ hội việc làm cho phụ nữ, trước hết phải đào tạo nghề cho họ. Đây chính là chìa khóa để phụ nữ mở ra cánh cửa việc làm, có thu nhập, tự đảm bảo cuộc sống, có cơ hội phát triển bản thân và thoát nghèo. Theo đó, hằng năm, Hội LHPN tỉnh phối hợp các cấp Hội khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch, mở lớp dạy nghề phù hợp với từng đối tượng. Các cấp Hội phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ thông qua hoạt động: Tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác cho phụ nữ; xây dựng các mô hình tổ liên kết, tổ sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác, HTX, kinh doanh dịch vụ…

Hoạt động dạy nghề luôn hướng về cơ sở, hướng tới nhiều đối tượng phụ nữ khác nhau như lao động nữ nông thôn, lao động nữ thuộc diện hộ nghèo, phụ nữ khuyết tật… Trong đó, tổ chức nhiều lớp dạy nghề miễn phí, tạo điều kiện cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với kỹ năng nghề nghiệp, từ đó lựa chọn cho bản thân một nghề phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình. Hằng năm, các cấp Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hàng trăm lớp dạy nghề truyền thống, dạy nghề mới về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, dạy may công nghiệp, đan mây tre xuất khẩu, thêu ren, thêu túi kim sa, móc hộp sợi xuất khẩu… cho hàng ngàn lượt lao động nữ nông thôn.

Các học viên tham gia lớp đào tạo nghề tóc, trang điểm miễn phí do Hội LHPN tỉnh phối hợp Công ty TNHH L’OREAL Việt Nam tổ chức.
Các học viên tham gia lớp đào tạo nghề tóc, trang điểm miễn phí do Hội LHPN tỉnh Tiền Giang phối hợp Công ty TNHH L’OREAL Việt Nam tổ chức.

Trong gần 5 năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ, phối hợp với các ngành liên quan tư vấn, giới thiệu việc làm cho 24.635 lao động nữ có nhu cầu tìm việc làm; mở 201 lớp đào tạo nghề cho 4.539 lao động nữ có nhu cầu khởi nghiệp được tham gia các lớp học nghề: May, đan, nấu ăn, trồng lúa, kỹ thuật trồng sầu riêng, thanh long, bưởi, trồng rau an toàn, lúa cao sản, cây cảnh, nuôi thủy sản, kỹ thuật chăn nuôi heo... Bên cạnh đó, các cấp Hội còn duy trì và phát triển các mô hình tạo việc làm tại chỗ như đan dây nhựa, đan giỏ xách, đan lục bình, may túi xách... Phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học về trồng khóm, khoai mỡ, trồng lúa; nuôi heo, gà, vịt; chăm sóc sầu riêng, mít, lúa…

Trong đó, có nhiều lớp dạy nghề miễn phí, tạo điều kiện cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận kỹ năng nghề nghiệp, từ đó lựa chọn cho mình một nghề phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình. Được tham gia lớp dạy nghề làm tóc, trang điểm miễn phí, chị Phan Thị Cẩm Tú (xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo) và chị Phạm Thị Phượng (xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành) đều phấn khởi cho biết, sau 2 tháng tham gia khóa học, các chị đã nắm bắt được cơ hội nghề nghiệp cho mình với sự hướng dẫn rất tận tình của thầy cô. Qua 2 tháng học, các chị đã biết được những kỹ năng về gội đầu, tạo kiểu, uốn, ép, nhuộm tóc... Các chị đều hy vọng sau 2 tháng nữa khi kết thục khóa học sẽ nắm hết các kỹ năng, có tay nghề để theo nghề làm nghề với việc mở tiệm làm tóc và trang điểm.

Được biết, đây là lớp dạy nghề làm tóc, trang điểm miễn phí thứ 2 được Hội LHPN tỉnh Tiền Giang phối hợp với Công ty TNHH L’OREAL Việt Nam đào tạo nghề tóc, nail, trang điểm miễn phí cho 60 học viên là nữ. Trước đó, sau khi kết thúc lớp dạy nghề làm tóc, trang điểm miễn phí thứ nhất vào tháng 10-2023, tất cả 35 học viên nữ tham gia lớp học nghề đều được giới thiệu việc làm và đã có việc làm ở các salon tóc hoặc tự mở cho mình tiệm làm tóc và trang điểm. 

Đặc biệt, thông qua việc phát động các phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”… đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ, nữ doanh nhân tiêu biểu và tạo việc làm cho nhiều hội viên, phụ nữ tại địa phương. Ngoài ra, Hội LHPN các cấp đã chú trọng khai thác các nguồn vốn cho hội viên phụ nữ vay để phát triển kinh tế và tạo việc làm. Các cấp Hội trong tỉnh đã đứng ra tín chấp, nhận ủy thác các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… cho phụ nữ vay. Duy trì hoạt động tiết kiệm ở chi, tổ hội phụ nữ, vận động hội viên tham gia thực hành tiết kiệm dưới nhiều hình thức. Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh đã giải ngân cho 9.605 hội viên phụ nữ, với số tiền trên 180 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Đặng Thị Ngọc Điệp khẳng định: Thời gian tới, các cấp Hội LHPN của tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp mở rộng đào tạo các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với lao động nữ. Tăng cường liên kết với các đơn vị tuyển lao động để giới thiệu học viên vào làm việc; chú trọng đa dạng hóa các hình thức dạy nghề phù hợp với khả năng, trình độ của từng chị em. Tiếp tục hỗ trợ vốn cho hội viên khó khăn vay để phát triển nghề đã học; xây dựng mô hình tổ liên kết tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn; gắn công tác dạy nghề cho lao động nữ với giải quyết việc làm…

SỚM MAI

.
.
Liên kết hữu ích
.