Tiền Giang: Đóng cống gây ngập làm ảnh hưởng đến giao thông là điều bất khả kháng
Trong 2 ngày 11 và 12-2 (tức mùng 2 và mùng 3 tết), triều cường liên tục dâng cao làm nhiều tuyến đường, nhà cửa trên địa bàn TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang bị ngập; có nơi ngập sâu gây khó khăn trong việc đi lại của người dân.
Triều cường ngập nhiều tuyến đường ở Tiền Giang |
Ngày 11 đến sáng 12-2 (mùng 2 và 3 tết), triều cường tiếp tục dâng cao làm nhiều tuyến đường, nhà cửa trên địa bàn TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang bị ngập, đặc biệt là khu vực vòng xoay Trung Lương.
Theo ghi nhận, ngập nặng nhất là khu vực ngã ba Trung Lương (TP Mỹ Tho), tuyến đường Hùng Vương, khu vực chợ Cầu Cống.
Lực lượng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang đã có mặt để điều tiết giao thông nhưng do lưu lượng xe từ cầu Rạch Miễu (Bến Tre) đổ về Tiền Giang quá lớn khiến nhiều tuyến đường xảy ra tình trạng kẹt xe.
CSGT Công an tỉnh Tiền Giang đã cho các xe từ Bến Tre qua cầu Rạch Miễu rẽ sang đường Nguyễn Công Bình (TP Mỹ Tho) nhằm tránh tình trạng kẹt xe ở vòng xoay Trung Lương.
Ngoài ra, một số nhà của người dân ở khu phố 3, phường 10, TP Mỹ Tho cũng bị ngập nặng, nước dâng cao hơn nửa mét, người dân phải thức trắng đêm kê đồ đạc lên cao tránh bị ướt.
Cống Bảo Định được đóng ngăn mặn bảo vệ sản xuất |
Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, do sông Tiền bị nước mặn xâm nhập vào sâu, địa phận TP Mỹ Tho có độ mặn trên 1 phần nghìn ở mức báo động 3, cống Bảo Định phải đóng ngăn mặn khẩn cấp để bảo vệ sản xuất khu vực Mỹ Tho - Chợ Gạo.
Cống đóng gây ngập làm ảnh hưởng đến giao thông và nhà dân là điều bất khả kháng.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết mấy ngày qua, độ mặn 0,7g/l đã xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 50km và đến cầu Trường Chính trị thuộc TP Mỹ Tho.
Theo đó, đến ngày 12-2, độ mặn đo được tại vườn hoa Lạc Hồng (TP Mỹ Tho) đã gần 2g/l. Mặn xâm nhập đến khu vực cống Xoài Hột (huyện Châu Thành) là 0,1g/l, cầu Kênh Xáng (huyện Châu Thành) là 0,06g/l.
Mặn xâm nhập sâu là do ảnh hưởng của triều cường và quy luật mặn. Sau đợt triều cường này, mặn sẽ giảm nhẹ nhưng cũng ghi nhận khoảng 1g/l tại cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo).
Từ đầu tháng 1, cống Hoà Xuân đã lấy gạn chính thức để bổ cấp nước ngọt cho vùng ngọt hóa Gò Công.
Dự kiến cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, cống Xuân Hòa sẽ chính thức đóng ngăn mặn. Đến thời điểm này, nguồn nước khu vực ngọt hóa Gò Công rất dồi dào, bảo đảm phục vụ sản xuất.
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang, trên sông Tiền và sông Hàm Luông, độ mặn tại hầu hết các trạm có xu thế tiếp tục tăng vào những ngày đầu tuần theo chu kỳ triều đầu tháng giêng.
Độ mặn cao nhất xuất hiện vào ngày 11 và 12-2 (mùng 2, 3 tết) và ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2023 và cao hơn trung bình nhiều năm, sau đó độ mặn giảm dần theo triều.
Chiều sâu ranh mặn 1‰ trong thời kỳ này có khả năng như sau: sông Tiền phạm vi xâm nhập mặn 50-55km, sông Hàm Luông phạm vi xâm nhập mặn 60-65km.
Chiều sâu ranh mặn 4‰ trong thời kỳ này có khả năng như sau: sông Tiền phạm vi xâm nhập mặn 40-45km, sông Hàm Luông phạm vi xâm nhập mặn 45-55km.
Để bảo vệ diện tích đất sản xuất, toàn hệ thống cống ngăn mặn từ TP Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo và 2 huyện gần biển Gò Công Tây, Gò Công Đông đều đóng kín. Riêng cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) người dân tranh thủ lấy gạn để cấp bổ thêm nguồn nước ngọt cho vùng ngọt hóa Gò Công.
Hiện tại, nguồn nước ngọt trong kênh nội đồng ở tỉnh Tiền Giang còn khá dồi dào, toàn bộ diện tích trên 23.000ha lúa đông xuân ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông đều đủ nguồn nước ngọt.
Toàn bộ 6 công trình thủy lợi ven sông Tiền thuộc huyện Châu Thành và Cai Lậy đã xây dựng hoàn thành, đưa vào vận hành, sẵn sàng đóng kín khi có mặn xâm nhập.
Theo sggp.org.vn