Tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ đổi mới
Thành quả đổi mới đất nước của Việt Nam luôn gắn với việc bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền này không những được hiến định trong các văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước mà còn được thể hiện sống động trong đời sống tôn giáo.
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027. |
Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những nội dung căn bản và quan trọng trong đảm bảo quyền con người và được Đảng, Nhà nước thể hiện bằng chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo trông quá trình xây dựng và phát triển đất nước, được hiến định trong các Hiến pháp và gần nhất là Điều 24 Hiến pháp năm 2013, “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Trên cơ sở đó quyền con người tiếp tục được luật hóa và thực thi trong toàn xã hội.
Bước tiến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người
Công cuộc đổi mới đất nước của Việt Nam bắt đầu từ năm 1986, đến năm 1990 đánh dấu đổi mới công tác tôn giáo bằng Nghị quyết số 24/NQ-TW, ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”, thể hiện rõ quan điểm bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân”, khẳng định quyền của người dân trong việc lựa chọn, tin theo tín ngưỡng, tôn giáo và khẳng định đó là nhu cầu bình thường của người dân.
Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo Nghị quyết yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật có liên quan “phải đồng thời quan tâm giải quyết một cách hợp lý nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng”. Đây là những quan điểm rất quan trọng đặt tiền đề cho việc thúc đẩy việc thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân trong đời sống xã hội.
Việc thể chế hoá các quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo được quan tâm, giai đoạn sau luôn tốt hơn giai đoạn trước cả về nội dung và giá trị pháp lý.
Thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 24, Nhà nước đã ban hành Nghị định số 69/HĐBT, ngày 21/3/1991 của Hội đồng Bộ trưởng quy định về các hoạt động tôn giáo tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tôn giáo và quản lý các hoạt động tôn giáo trong giai đoạn đầu những năm đổi mới; 9 năm sau Chính phủ ban hành Nghị định số 26/1999/NĐ-CP về các hoạt động tôn giáo thay thế Nghị định số 69.
Các nội dung trong Nghị định vừa là cơ sở pháp lý để các cá nhân, tổ chức tôn giáo tổ chức các hoạt động theo quy định vừa là căn cứ để cơ quan chức năng hướng dẫn và quản lý các hoạt động tôn giáo thống nhất trong toàn quốc.
Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 24 và trên đà của thành quả đổi mới đất nước tại Hội nghị Trung ương lần thứ VII khoá IX, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/2003/TW, ngày 12/3/2003 về công tác tôn giáo thay thế Nghị quyết số 24.
Tinh thần của Nghị quyết số 25 là tiếp tục nâng cao, hoàn thiện các quan điểm về bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo khi nhắc lại và làm sâu sắc hơn quan điểm: “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Với quan điểm này, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được nâng lên nhận thức mới khi khẳng định quyền đó tiếp tục được bảo đảm cùng với sự trường tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam.
Nghị quyết số 25 được ban hành, việc thể chế hóa được nâng lên một bước, đó là ngày 18/6/2004, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, tiếp tục tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động tôn giáo theo quy định pháp luật, đáp ứng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, góp phần quan trọng đảm bảo quyền con người ở Việt Nam.
Đến Hiến pháp năm 2013, Việt Nam tiếp tục có bước tiến mới trong việc mở rộng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cụm từ “quyền công dân” được thay bằng “quyền con người”. Khẳng định quyền con người là quyền tự nhiên, Nhà nước thừa nhận, tôn trọng và cam kết bảo đảm theo công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo Điều 70 Hiến pháp năm 1992 được thay bằng Điều 24 trong Hiến pháp 2013, với nội dung: “Công dân” được thay bằng “Mọi người” có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ được thay bằng Nhà nước tôn trọng và bảo hộ.
Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và cần thiết phải điều chỉnh pháp luật về tôn giáo trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bảo đảm ngày một tốt hơn quyền con người trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 18/11/2016, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Luật và Nghị định đồng thời có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018, tiếp tục tạo hành pháp lý quan trọng để đảm bảo quyền của các tổ chức và cá nhân trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Như vậy, Luật tín ngưỡng, tôn giáo là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất từ trước đến nay điều chỉnh trực tiếp hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; là văn bản pháp luật tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo theo Nghị quyết số 25, tình hình thực tế của đất nước và cụ thể hóa quyền con người trong Hiến pháp 2013 - đó là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Đoàn phóng viên nước ngoài thăm nơi giáo dân Đắk Lắk sinh hoạt tôn giáo. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tôn giáo tham gia vào các hoạt động xã hội, đồng hành cùng dân tộc
Việt Nam là quốc gia đa dạng về tín ngưỡng, tôn giáo, theo ước tính có khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các tôn giáo, trong giai đổi mới đất nước Việt Nam đã thực hiện việc cấp đăng ký hoạt động và công nhận tổ chức cho các tôn giáo đủ điều kiện.
Đến tháng 11/2023 Việt Nam đã có 40 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động gồm: Khối du nhập từ nước ngoài gồm 9 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo (Islam), Bà La môn, Baha’i, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Giáo hội Các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Kytô, Minh Sư đạo. Khối nội sinh gồm 7 tôn giáo: Cao Đài, Phật giáo Hòa hảo, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Minh Lý đạo Tam Tông miếu.
Tổng số tín đồ các tôn giáo hiện nay khoảng 26,5 triệu, chiếm 27% dân số; trên 54 ngàn chức sắc; trên 135 ngàn chức việc; hơn 29 ngàn cơ sở thờ tự; hàng nghìn điểm, nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo đậm chất nhân văn tôn giáo và trách nhiệm với đất nước.
Thành tựu đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đã thúc đẩy và tạo đà cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Tạo lập mối quan hệ gắn bó giữa nhà nước và các tổ chức tôn giáo, tạo sự hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau giữa cán bộ các cấp và chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách tôn giáo và chính sách xã hội.
Thông qua công tác tôn giáo đã vận động cá nhân, tổ chức tôn giáo tích cực tham gia vào các cuộc vận động thi đua yêu nước ở địa phương, thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo cho một bộ phận người dân có hoàn cảnh khó khăn, trực tiếp góp phần giảm tải gánh nặng cho đất nước.
Trong lĩnh vực giáo dục. Cả nước có 270 trường mầm non, khoảng 2.000 nhóm, lớp mầm non độc lập do các cá nhân tôn giáo thành lập, huy động khoảng 125.594 trẻ đến trường/lớp, chiếm 3,06% so với tổng số trẻ đến trường mầm non trên toàn quốc. Các tổ chức tôn giáo đã thành lập 12 cơ sở dạy nghề trong cả nước, đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp và dạy nghề ngắn hạn cho hàng nghìn người.
Trong lĩnh vực y tế và bảo trợ xã hội. Với tinh thần bác ái, các tôn giáo thể hiện rõ ảnh hưởng thông qua việc khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí, mở phòng khám từ thiện, xây dựng hệ thống xe cứu thương chuyên chở người bệnh.
Nâng cao nhận thức cho tín đồ trong việc tổ chức cuộc sống hợp vệ sinh, phòng tránh bệnh tật, đến bệnh viện khi bị bệnh, dùng thuốc thay vì thực hành các hoạt động mê tín, khuyên bảo người dân loại bỏ các hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhiều tổ chức tôn giáo đã phối hợp tổ chức các đoàn khám chữa bệnh lưu động, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, người dân vùng dân tộc thiểu số. Cả nước hiện có 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo đã được chính quyền cấp giấy phép hoạt động đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 người có hoàn cảnh khó khăn.
Trong cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Quỹ vì người nghèo” tôn giáo đã rất tích cực tham gia với tổng kinh phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, đặc biệt là trong những năm đại dịch Covid-19. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội, qua đó phát huy vai trò của khối tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh trong vùng đồng bào có đạo, ngăn chặn việc lợi dụng, kích động tôn giáo để chia rẽ dân tộc, tông giáo của các thế lực xấu.
Thành quả đổi mới đất nước của Việt Nam luôn gắn với việc bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền này không những được hiến định trong các văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước mà còn được thể hiện sống động trong đời sống tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo được bảo đảm hoạt động theo quy định của pháp luận và hiến chương, điều lệ, xây dựng đường hướng hành đạo tích cực; được tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động an sinh xã hội.
Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo đang có nhiều biến đổi sâu sắc, các tôn giáo đều tăng về số lượng và quy mô hoạt động cả trong nước và quốc tế. Đại bộ phận chức sắc, tín đồ các tôn giáo tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, ủng hộ sự nghiệp đổi mới của đất nước đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, để việc bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo tốt hơn đòi hỏi sự tham gia tích cực, nghiêm túc của mọi người, của cá nhân, tổ chức tôn giáo, cơ quan quản lý các cấp. Việc chủ động tiềm hiểu và nghiên cứu để có nhận thức đầy đủ từ chủ trương, chính sách đến thực tiễn và chủ động thực hiện đúng, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tư pháp, Quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 quan điểm mới cách tiếp cận mới và các quy định mới, Nxb Chính trị Quốc gia, 2014.
2. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bình luận khoa học Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Nxb Chính trị Quốc gia, 2016.
3. Nghị quyết số 24/NQ-TW, ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”.
4. Nghị quyết số 25-NQ/2003/TW, ngày 12/3/2003 “Về công tác tôn giáp”.
5. Văn phòng Thường trực về nhân quyền và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp Việt Nam, Hà Nội 2015.
TS. VŨ CHIẾN THẮNG, Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Theo Baoquocte.vn