.
"CĂNG MÌNH" CHỐNG HẠN, MẶN

BÀI 1: Miền Tây "khát" nước ngọt

Cập nhật: 10:11, 15/03/2024 (GMT+7)

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với diễn biến mang tính bất thường, gay gắt của tình hình hạn, mặn trong mùa khô 2024. Những ngày qua, mặn lấn sâu vào nội đồng đe dọa trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân trong vùng. Vì lẽ đó, các tỉnh, thành ĐBSCL phải “căng mình” ứng phó hạn, mặn để bảo vệ đời sống, sản xuất cho người dân.

Từ đầu tháng 3-2024, xâm nhập mặn ở ĐBSCL trở nên gay gắt, lấn sâu vào nội đồng của nhiều tỉnh, thành trong vùng tạo nên áp lực khá lớn để ổn định sinh kế và đời sống của người dân. Chính vì thế, nước ngọt phục vụ sản xuất trở nên khan hiếm.

Kinh, rạch tại vùng Ngọt hóa Gò Công đang khô cạn.
Kinh, rạch tại vùng Ngọt hóa Gò Công đang khô cạn.

Bài toán khó cần giải quyết khi hạn, mặn quét qua không chỉ đối với sinh kế hay đời sống của người dân, mà còn là giải pháp phát triển căn cơ cho cả vùng trong chặng đường tới.

DIỄN BIẾN KHÓ LƯỜNG

Câu chuyện về hạn, mặn không còn là mới đối với ĐBSCL nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Bởi trong những năm gần đây, hạn, mặn gay gắt xuất hiện thường xuyên hơn với vùng đất này. Như một quy luật tự nhiên, cứ cách vài năm, vùng ĐBSCL lại gánh chịu đợt cao điểm của hạn, mặn. Cách đây vài năm, đợt hạn, mặn năm 2015 - 2016 gay gắt đã càn quét qua nhiều tỉnh, thành ĐBSCL và để lại những bài học kinh nghiệm cho toàn vùng.

Rồi mùa hạn, mặn khốc liệt hơn cũng đã diễn ra trong mùa khô năm 2019 - 2020 làm cho đời sống, sinh kế của rất nhiều hộ gia đình gặp khó khăn; kinh tế nông nghiệp cũng đã chịu tác động lớn từ mùa hạn, mặn này. Thực tế về những biến đổi khí hậu khó lường thời gian vừa qua dường như cũng đã giúp cho người dân trong vùng ĐBSCL thích nghi hơn, chủ động hơn khi mỗi mùa khô đến.

 Theo Bộ NN-PTNT, hiện mặn đã lấn sâu vào nội đồng đạt mức cao nhất từ đầu mùa đến nay, cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 -15 km. Khoảng 1,5 triệu ha lúa đông xuân vùng ĐBSCL đã xuống giống trước 1 tháng, hiện tại đã thu hoạch hơn 600.000 ha.

Có khoảng 20.000 ha lúa tại tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng nằm ngoài lịch gieo sạ theo khuyến cáo. Hạn, mặn cũng gây ảnh hưởng đến nước sinh hoạt cho khoảng 30.000 hộ dân. Theo dự báo, sẽ còn 2 đợt xâm nhập mặn vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, nhưng thấp hơn hiện tại.

Do ảnh hưởng của hạn, mặn nên thời gian gần đây tại những vùng ngọt hóa của ĐBSCL liên tục xảy ra sụt lún, ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Theo Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Trần Tấn Công, vào mùa khô các năm 2016 và 2020, toàn huyện đã xảy ra gần 1.500 vụ sụt lún, sạt lở đất với tổng chiều dài hơn 70 km, làm hư hỏng nhiều tuyến đường nhựa, đường bê tông và nhà dân. Tổng thiệt hại về tài sản gần 140 tỷ đồng, chưa tính thiệt hại về cây trồng, vật nuôi.

Năm nay, mưa kết thúc sớm, hạn hán gay gắt làm nước rút nhanh. Ngoài ra, người dân tranh thủ bơm nước vào đồng để đảm bảo sản xuất, khiến hệ thống sông, kinh, rạch khô cạn. Tình trạng này gây ra sự chênh lệch độ cao lớn giữa mặt đường ven sông và mực nước bên dưới, dẫn đến sụt lún, sạt lở đất.
 

Thế nhưng, mùa hạn, mặn năm 2024 đang diễn ra có lẽ lại mang đến những bài học kinh nghiệm khác cho các tỉnh, thành ĐBSCL.

Bởi thực tế cho thấy, diễn biến của mùa hạn, mặn năm nay khó lường hơn, độ mặn thay đổi bất thường hơn nên việc ứng phó cũng khó khăn hơn. Ghi nhận thực tế mới thấy, hiện nay, mặn đã xâm nhập sâu vào nhiều tuyến sông lớn ở các tỉnh, thành ĐBSCL.

Trong đó, Tiền Giang là một trong những tỉnh chịu tác động trực tiếp của tình hình xâm nhập mặn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh đến sớm và lấn sâu hơn so với trung bình nhiều năm.

Điểm đáng chú ý là độ mặn đo được trên sông Tiền đã tăng cao hơn một ít so với cùng kỳ năm 2016. Trên sông Hàm Luông, độ mặn đã vượt qua cửa Hàm Luông - sông Tiền về phía thượng lưu 3 km.

Do ảnh hưởng của triều cường kết hợp gió mùa Đông Bắc mạnh, từ ngày 8-2 đến nay, độ mặn trên các sông tăng nhanh, xâm nhập sâu vào nội đồng. Cụ thể, trên sông Tiền, trong ngày 13-3, mặn đã xâm nhập tới khu vực vàm sông Ba Rài với mặn đo được là 0,1 g/l, bến phà Thới Lộc (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) cũng ghi nhận độ mặn là 0,42 g/l.

Trước diễn biến trên, tất cả các cống ngăn mặn tại vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công, Dự án Bảo Định, Dự án Phú Thạnh - Phú Đông, đường tỉnh 864 đều đóng ngăn mặn. Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, vào giữa tháng 3-2024, trên sông Tiền, chiều sâu ranh mặn 1‰ có phạm vi xâm nhập từ 56 - 64 km (từ bến phà Song Thuận đến cầu Phú Phong); chiều sâu ranh mặn 4‰ với phạm vi xâm nhập mặn từ 45 - 50 km. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên sông Tiền đang ở mức 2.

Cũng như Tiền Giang và một số tỉnh, thành khác trong vùng, tình trạng xâm nhập mặn cũng đang diễn ra gay gắt trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm, ở mức xấp xỉ mùa khô năm 2015 - 2016. Riêng trên sông Cổ Chiên ở mức cao hơn mùa khô năm 2015 - 2016, nhưng thấp hơn mùa khô năm 2019 - 2020.

Tình hình xâm nhập mặn tăng cao và đạt đỉnh trên các sông chính thuộc địa bàn tỉnh Bến Tre trong tháng 3-2024. Độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 55 - 69 km (sông Cửa Đại khoảng 55 km, sông Hàm Luông khoảng 69 km, sông Cổ Chiên khoảng 62 km); độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 70 - 79 km (sông Cửa Đại khoảng 70 - 76 km, sông Hàm Luông khoảng 79 km, sông Cổ Chiên khoảng 77 km).

“CHẮT CHIU” NƯỚC NGỌT

Với tình hình hạn, mặn đang diễn ra gay gắt, việc đóng các cống ngăn mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trở thành giải pháp tối ưu thì việc thiếu nước sản xuất, sinh hoạt nằm bên trong nội đồng là điều có thể dễ hiểu.

Trở lại vùng Ngọt hóa Gò Công với cái nắng như thiêu đốt trong những ngày cao điểm của hạn, mặn giữa tháng 3 mới có thể cảm nhận được cảm giác nước ngọt mang lại ý nghĩa như thế nào đối với người dân trong khu vực này.

Bởi thực tế cho thấy, mới cách đây khoảng 1 tháng, trên những tuyến kinh trục, kinh sườn trong vùng, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất còn rất dồi dào. Tại một số vùng trũng, nước ngập lên gần cả nửa cây lúa khiến việc thu hoạch vụ lúa đông xuân của người dân gặp không ít khó khăn.

Song giờ đây, do mặn xâm nhập gay gắt, cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) phải đóng để ngăn mặn nên nguồn nước tại các tuyến kinh trục chính dần cạn kiệt. Các tuyến kinh sườn, kinh nội đồng dần cạn trơ đáy.

Tuy nhiên, cũng rất may mắn, trong hơn 22.800 ha lúa đông xuân của vùng Ngọt hóa Gò Công đến thời điểm này đã cắt nước, hầu hết diện tích lúa đã thu hoạch xong và bước vào giai đoạn chín nên đảm bảo an toàn trước mùa hạn, mặn năm nay.

DSC-8030: Bà Tâm tranh thủ chắt nước dưới kinh để tưới cho 2 công củ cải trắng của gia đình.
DSC-8030: Bà Tâm tranh thủ chắt nước dưới kinh để tưới cho 2 công củ cải trắng của gia đình.

Lúc chúng tôi đến huyện Gò Công Tây cũng là thời điểm bà Phạm Thị Thanh Tâm (ấp Phú Trung, xã Long Bình) đang chắt những giọt nước cuối cùng từ tuyến kinh nội đồng bơm vào ao trữ để tưới cho 2 công củ cải trắng.

Theo bà Tâm, những ngày qua, nắng nóng gay gắt nên nguồn nước dưới kinh đã cạn. Nguồn nước tại ao trữ cũng không còn nhiều nên bà rất lo lắng.

Bà Tâm chia sẻ: “2 công củ cải trắng của gia đình trồng được khoảng 20 ngày. Tuy nhiên, do nắng quá nóng nên cải chậm phát triển. Những ngày qua, tôi chắt nước từ kinh vào ao để tưới cho cải. Tuy nhiên, chúng tôi tưới nước cũng khá tiết kiệm. Từ năm 2020 đến giờ, năm nay, hạn, mặn gay gắt mới lặp lại”.

Xuôi về huyện Gò Công Đông - nơi cuối nguồn Ngọt hóa Gò Công, đập vào mắt chúng tôi là những cánh đồng trơ gốc rạ. Dưới kinh, nước ngọt phục vụ sản xuất cũng đã cạn kiệt. Do đất canh tác nằm ở cặp kinh nhỏ nên những ngày qua, ông Nguyễn Văn Toàn (ấp Trại Ngang, xã Tăng Hòa) phải chắt chiu từng giọt nước ngọt cuối cùng dưới kinh để tưới cho 1 công hành lá của gia đình. Ông Toàn cho biết: “Rất may, hành đã gần đến ngày thu hoạch, nếu trễ là không có nước để tưới. Sau tết, kinh còn đầy nước mà giờ đã cạn trơ đáy”.

Trong bức tranh chung của ĐBSCL, người dân của nhiều tỉnh, thành khác cũng đã chắt chiu từng dòng nước ngọt. Những ngày này, men dọc theo tuyến kinh Tắc Thủ (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), nhiều cánh đồng đã thu hoạch lúa xong. Do bị ảnh hưởng của hạn, mặn nên năng suất vụ lúa đông xuân giảm đáng kể.

Ông Phạm Thanh Huyền (ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Tôi làm được 16 công lúa. Thời điểm đầu nhận thấy, lúa có thể cho năng suất cao hơn mọi năm. Tuy nhiên, do bị hạn, mặn nên chỉ đạt 800 kg/công, thấp hơn năm trước 200 kg/công. Nguyên nhân là thiếu nước, lúa trổ bị lép nhiều.

Bây giờ, người dân phải chờ mưa mới gieo sạ lại được. Vùng này, mỗi năm chỉ làm được 2 vụ lúa”. Còn theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trần Văn Thời Đỗ Văn Sử, hiện địa phương đang bị ảnh hưởng nặng do khô hạn, dẫn đến khoảng 2.000 ha lúa và 80 ha rau màu có nguy cơ bị ảnh hưởng năng suất…

NHÓM PVKT

(Còn tiếp)

.
.
.