.

Chủ động ứng phó với đợt cao điểm xâm nhập mặn

Cập nhật: 18:01, 11/03/2024 (GMT+7)

Ngày 11-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Văn bản số 1713/BNN-TL gửi các địa phương tăng cường các giải pháp ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 19/CĐ-TTg ngày 8-3-2024.

a
Người dân xã Song Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) tưới nước cho thanh long trong mùa khô năm 2023-2024. (Ảnh Nguyễn Sự)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện sớm, cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023, thấp hơn các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015-2016, 2019-2020.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn Quốc gia và các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết mùa khô; các đợt xâm nhập mặn cao điểm ở vùng cửa sông Cửu Long khả năng xuất hiện trong các ngày từ 10 – 14-3, 24 – 28-3; ở các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn từ 10 – 13-3, từ 24 – 28-3, từ 8 – 13-4, từ 22 – 28-4.

Để chủ động ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng cường theo dõi thông tin dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và cơ quan chuyên môn cung cấp làm cơ sở tổ chức các giải pháp ứng phó phù hợp.

Các đợt xâm nhập mặn cao điểm ở vùng cửa sông Cửu Long khả năng xuất hiện trong các ngày từ 10 – 14-3, 24 – 28-3; ở các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn từ 10 – 13-3, từ 24 – 28-3, từ 8 – 13-4, từ 22 – 28-4.

Đồng thời, tiếp tục khuyến cáo người dân tuyệt đối không xuống giống lúa ở các vùng đang tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn; chỉ tổ chức xuống giống khi có xuất hiện mưa, hoặc khi nguồn nước bảo đảm cung cấp ổn định và theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương.

Tiếp tục tăng cường việc vận hành hợp lý các công trình thuỷ lợi để lấy, tích trữ nước ngọt tối đa vào hệ thống kênh mương, ao đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh; tại các vùng cây ăn trái tiếp tục thực hiện trữ nước trong các ao, hồ phân tán, bảo đảm đủ nguồn nước cung cấp để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng trong thời gian ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Khẩn trương xác định cụ thể khu vực người dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, có phương án bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân; hỗ trợ người dân tổ chức lấy nước, dụng cụ trữ nước phục vụ sinh hoạt; tuyệt đối không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng.

Chủ động sử dụng các nguồn kinh phí do địa phương quản lý để thực hiện khẩn cấp các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; lưu ý lắp đặt trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm, đào ao, nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh trục... Thường xuyên phổ biến thông tin về tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện truyền thông khác đến chính quyền địa phương, người dân, tổ chức liên quan để chủ động thực hiện giải pháp ứng phó với ảnh hưởng của xâm nhập mặn…

Theo nhandan.vn




 

.
.
.